Những Nhận định và cũng chính là quan điểm của HĐGMVN là tiếng nói dứt khoát, mạnh mẽ, cần thiết và thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay của các tôn giáo, cách riêng là GH Công giáo Việt Nam.
Đó không chỉ là những nhận định khôn ngoan, sáng suốt của Hàng Giáo phẩm mà trên hết, là tác động bởi mãnh lực của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Kitô Phục sinh đã ban cho Giáo hội của Người.
Ngày 22/5/2017 Tòa GM Vinh, Ban Công lý và hoà bình (CL&HB) Giáo phận đã có văn bản thành lập các tiểu ban Công lý và Hòa bình giáo xứ và tập huấn Giáo huấn xã hội Công Giáo (GHXHCG).
Sáng ngày 5/6/2017, Ban CL&HB, hạt Kẻ Dừa, giáo phận Vinh đã có buổi họp đầu tiên được tổ chức tại giáo xứ Phúc Lộc.
Thành phần tham dự có cha quản hạt Nguyễn Thành Công, cha đặc trách Ban CL&HB Nguyễn Văn Hùng, các linh mục của bảy giáo xứ trong giáo hạt, cùng bảy tiểu ban CL&HB của bảy giáo xứ trong hạt Kẻ Dừa, với nội dung tìm ra cách thức thích hợp cho công cuộc đấu tranh đòi CL&H B của người dân được hiệu quả và triển khai kế hoạch cho buổi tập huấn ngày 4/7.
Đó là hành động kịp thời và thúc bách, vì Giáo phận Vinh, gồm bốn tỉnh Miền Trung, đang là nạn nhân trực tiếp của thảm họa môi trường do nhà máy Fomosa xả thải hồi năm ngoái. Mức đền bù do Nhà Nước tự ý ấn định với Formosa không thể nào bù đắp được so với những thiệt hại về người, về kinh tế và về môi trường.
Đã có những phản kháng dưới mọi hình thức, từ phía các nhà hoạt động vì dân chủ và quyền con người, các tổ chức, phong trào khắp nơi trên cả nước. Mới đây là việc đi khiếu kiện nhà máy Formosa tại Tòa án Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh của người dân, dưới sự hướng dẫn của hai Linh mục Anton Nguyễn Hữu Nam và JB Nguyễn Đình Thục thuộc hai Giáo xứ Phú Yên và Song ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An là những nạn nhân bị ảnh hưởng không nhỏ.
Việc khiếu kiện đúng trình tự pháp luật cho phép đã bị nhà cầm quyền Nghệ an tìm mọi cách ngăn cản, kể cả việc dùng những cách thức không xứng với chức danh là nhà cầm quyền do dân, cho dân và vì dân. Thay vì ủng hộ người dân đòi quyền lợi chính đáng, dựa trên luật pháp, cũng là quyền lợi của người dân bốn tỉnh Miền Trung và đồng bào cả nước; thay vì bảo đảm trật tự và an ninh cho đoàn người khiếu kiện, vốn đã rất trật tự và văn minh, nhà cầm quyền Nghệ An đã thẳng tay trấn áp, đánh đập, bắt bớ đoàn người khiếu kiện, gây bất an trong vùng và bất bình cho đồng bào trong nước và quốc tế.
Không dừng lại đó, trong thời gian qua và cho đến nay, hệ thống thông tin, tuyên truyền trên lãnh vực truyền thông đã có những bài viết, những video clip được dàn dựng một cách đầy ác ý. Việc chỉ đạo những hội đoàn nằm trong cơ chế của đảng, việc kích động sự chia rẽ và hận thù từ những lương dân, nhằm bôi nhọ, đấu tố, vu khống danh dự cá nhân hai linh mục và bắt bớ, đánh đập, phá hoại tài sản của giáo dân, cũng như việc thường xuyên khiêu khích người giáo dân, tìm cớ trấn áp bằng bạo lực nhằm tiệu diệt ý chí của giáo dân.
Tất cả những điều ấy và còn nhiều vấn đề khác tương tự, nằm trong lãnh vực đời sống và hoạt động của các tôn giáo luôn bị nhà cầm quyền nghi kỵ, dò xét và ứng xử đầy ác ý.
Trong bản “Nhận định về luật Tín ngưỡng và tôn giáo 2016 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam” gởi Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN ký ngày 1/6/2017, đã nói thẳng vấn đề này:
“Chính quyền nhìn các tôn giáo thuần tuý trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng.
Do cách nhìn như thế, trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, có những điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần, như “theo quy định của Pháp luật”; “chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo”, hoặc những khái niệm mơ hồ trừu tượng như “xâm phạm quốc phòng, an ninh”; “xâm phạm chủ quyền quốc gia”; “xâm phạm trật tự an toàn xã hội, môi trường”. Những điệp khúc và những từ ngữ mơ hồ trên rất dễ bị lạm dụng để quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi chính quyền không hài lòng.
Cũng vậy, chính quyền tiêu tốn biết bao tiền của và nhân lực để theo dõi, dò xét, kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo, đồng thời tìm cách sử dụng các tổ chức tôn giáo như công cụ của chế độ. Trong khi đó, những hoạt động của các tôn giáo trong lĩnh vực từ thiện, y tế và giáo dục không được đánh giá đúng mức, thậm chí bị ngăn cản” (Trích bản Nhận định, số 4).
Đó chẳng phải là nói thẳng về những việc, vốn luôn được cho là “nhạy cảm” từ những gì đang diễn ra mới nhất, tại hai Giáo xứ Phú Yên và Song Ngọc, khi nhà cầm quyền Nghệ An đang triển khai tích cực, khi quy kết hai linh mục và giáo dân với những “tội danh” y như Bản Nhận định đã đề ra đó sao?
Đó chẳng phải là sự thẳng thắn bóc trần mưu đồ của nhà cầm quyền luôn muốn thôn tính, chi phối và điều khiển các tôn giáo dựa vào “cơ chế xin-cho. Cơ chế này cho thấy tự do tín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hoá sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo” (Trích Bản Nhận định, số 3).
Bản Nhận định còn chỉ ra sự nhập nhằng “đánh tráo khái niệm” của Nhà Nước khi nói: “Chính quyền kêu gọi các tôn giáo đồng hành với dân tộc, chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng thiết tưởng nên phân biệt rõ dân tộc và chế độ. Lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung cho thấy rằng các chế độ chính trị thay đổi theo thời gian, còn dân tộc thì trường tồn. Do đó, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết.”
“Chúng tôi nghĩ rằng, đồng hành với dân tộc là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng. Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hoá của dân tộc Việt Nam: chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách…
Theo ý nghĩa đó, chúng tôi cho rằng các tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, luôn đồng hành với dân tộc, vì các tôn giáo khơi dậy những giá trị tinh thần cao quý trong lòng người, dạy các tín đồ của mình tôn trọng công bằng và lẽ phải, sống từ bi bác ái, tôn trọng mọi người vì chính phẩm giá của họ, và như thế, góp phần phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, cộng tác tích cực vào việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” (Trích Bản Nhận định, số 5).
Những Nhận định và cũng chính là quan điểm của HĐGMVN là tiếng nói dứt khoát, mạnh mẽ, cần thiết và thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay của các tôn giáo, cách riêng là GH Công giáo Việt Nam.
Đó không chỉ là những nhận định khôn ngoan, sáng suốt của Hàng Giáo phẩm mà trên hết, là tác động bởi mãnh lực của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Kitô Phục sinh đã ban cho Giáo hội của Người.
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.