
Khói đen bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine trong Mật nghị Hồng y để bầu chọn tân Giáo hoàng, tại Vatican, thứ Tư, ngày 7 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: AP/ Alessandra Tarantino)
Như đã được dự đoán, 133 vị Hồng y tham dự Mật nghị tại Nhà nguyện Sistine vào ngày 7 tháng Năm đã chưa bầu chọn được vị Giáo hoàng kế vị sau lần bỏ phiếu đầu tiên.
Sau khi cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho việc bầu chọn tân Giáo hoàng, các vị Hồng y đã tiến vào Nhà nguyện Sistine và tuyên thệ long trọng giữ bí mật tuyệt đối về tiến trình Mật nghị, trước khi tiến hành lần bỏ phiếu đầu tiên.
Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu không đạt mức đa số hai phần ba – tức 89 phiếu – cần thiết để bầu chọn một vị Tân Giáo hoàng. Với số lượng Hồng y cử tri đông đảo nhất trong lịch sử Mật nghị Hồng y, đồng nghĩa với số phiếu cần kiểm đếm nhiều hơn, làn khói đen báo hiệu chưa có kết quả đã xuất hiện trễ hơn hai giờ so với thời điểm dự kiến là 7 giờ tối theo giờ Rôma.
Trong ngày đầu tiên của Mật nghị Hồng y, chỉ diễn ra một lần bỏ phiếu. Vào những ngày kế tiếp, có thể có đến bốn lần bỏ phiếu mỗi ngày. Nếu sau ba ngày bỏ phiếu vẫn chưa bầu chọn được tân Giáo hoàng, các Hồng y có thể dành tối đa một ngày cho việc cầu nguyện và thảo luận không chính thức.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã được bầu chọn sau lần bỏ phiếu thứ tư trong Mật nghị năm 2005, và Đức Giáo hoàng Phanxicô được bầu chọn sau vòng bỏ phiếu thứ năm trong Mật nghị năm 2013.
Ước tính khoảng 30.000 tín hữu đã quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào buỏi tối đầu tiên của Mật nghị, dù phần đông không kỳ vọng sẽ thấy làn khói trắng – dấu hiệu cho biết đã bầu được Tân Giáo hoàng – bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine.
Nhiều người mang theo cờ – các đoàn hành hương vẫy những lá cờ của Philippines, Brazil, Hoa Kỳ, Nicaragua và nhiều quốc gia khác.
Chị Maggie Popp đến từ North Dakota, hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô cùng chồng và hai con trai nhỏ, chia sẻ với Hãng tin Công giáo (CNS) rằng chị dự định sẽ theo dõi làn khói mỗi tối.
“Gia đình chúng tôi hiện diện ở đây bởi cảm thấy đây là một cơ hội có một không hai trong đời”, chị Maggie nói. “Chúng tôi đang sống tại Rôma, nên nghĩ rằng đây là dịp thật tuyệt vời để đưa các con trai nhỏ tới trải nghiệm sự kiện này – dù các cháu có thể không nhớ được – và trước hết là cầu nguyện cho người mà chúng ta sẽ đón nhận với tư cách là tân Giáo hoàng”.
Chị Gabrielle Estrada đến từ San Antonio, Texas, đã kéo dài chuyến hành trình xuyên châu Âu để có mặt tại Rôma vào dịp Mật nghị Hồng y. “Tôi lớn lên trong đức tin Công giáo, nên tôi nhớ khi còn nhỏ đã theo dõi làn khói qua màn ảnh nhỏ và từng nghĩ rằng sẽ thật tuyệt nếu được hiện diện tại đây”.
Là một người trẻ trưởng thành, chị Gabrielle chia sẻ: “Tôi rất muốn biết Đức tân Giáo hoàng sẽ quan tâm đến giới trẻ như thế nào”.
Chị Gabrielle chia sẻ thêm: “Đây là thời điểm nhiều người trẻ rời xa đức tin, và tôi mong ngài sẽ chú tâm vào nhóm tuổi này, giúp chúng tôi thêm hứng khởi với lịch sử đức tin và tất cả những gì Giáo hội trao ban”.
“Ngay lúc này, Rôma là trung tâm của vũ trụ”, Linh mục Anthony Saiki thuộc Tổng Giáo phận Kansas City nói khi chỉ tay về phía dòng người đông đảo tại Quảng trường Thánh Phêrô. “Vào thời khắc này, Giáo hội đang hiệp nhất một cách kỳ diệu”.
“Nếu có ai nghi ngờ về tầm quan trọng của đức tin, nếu có ai hoài nghi về vai trò của Giáo hội Công giáo”, Cha Saiki nói với CNS, “thì giờ đây, mọi ánh mắt đều đang hướng về Giáo hội, tất cả đều đang dõi theo Đấng kế vị Thánh Phêrô. Đây là thời khắc của niềm hy vọng, khoảnh khắc của sự phấn khích và niềm vui”.
Minh Tuệ (theo America)