
Đức Thánh Cha Lêô XIV trong Thánh lễ khai mạc Sứ vụ Phêrô tại Quảng trường Thánh Phêrô, Chúa Nhật ngày 18 tháng 5 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Vào Chúa Nhật ngày 18 tháng 5, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã chính thức khởi đầu Sứ vụ của một nhà lãnh đạo với tư cách là Mục tử của 1,4 tỷ tín hữu Công giáo trên toàn thế giới, đồng thời đưa ra lời kêu gọi hiệp thông huynh đệ và hiệp nhất trong Giáo hội trong Thánh lễ khai mạc Sứ vụ Phêrô của mình.
Trước khoảng 150.000 tín hữu quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô và các tuyến phố lân cận, vị Giáo hoàng 69 tuổi, đắc cử Giáo hoàng vào ngày 8 tháng 5, phát biểu: “Tôi mong muốn rằng mong muốn lớn lao trước hết của chúng ta là một Giáo hội hiệp nhất, một dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông, trở thành men cho một thế giới được hòa giải”.
Dưới thời của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, Giáo hội từng trải qua những chia rẽ nội bộ về các vấn đề Phụng vụ và Giáo huấn luân lý liên quan đến tính dục và đời sống gia đình, bao gồm việc chấp thuận việc chúc lành cho các cặp đồng giới.
Trong Thánh lễ đồng tế với các thành viên Hồng y Đoàn, Đức Lêô XIV đã bày tỏ ước muốn: “Tôi đến với các Huynh đệ như một người anh em, khao khát trở nên người phục vụ đức tin và niềm vui, cùng đồng hành trên con đường tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta được hiệp nhất trong một gia đình”.
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên khi được bầu chọn, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã bày tỏ khát vọng hướng đến tính hiệp hành và hiệp đoàn (collegiality), khi ngài mời gọi toàn thể Giáo hội “cùng nhau tiến bước trong hiệp nhất” trong sứ điệp đầu tiên gởi toàn thể thế giới vào ngày 8 tháng 5. Đức Thánh Cha Lêô cũng đã tổ chức một cuộc gặp gỡ rốt ráo với các Hồng y và mời gọi họ bày tỏ quan điểm về mọi vấn đề quan tâm, điều chưa từng xảy ra dưới Triều đại của Đức Phanxicô kể từ năm 2014.
Suy tư về những phẩm chất nơi Đấng kế vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Nếu tảng đá là chính Đức Kitô, thì Phêrô phải là người chăn dắt đoàn chiên mà không bao giờ rơi vào cám dỗ trở thành nhà độc tài, dùng quyền mà thống trị những ai được trao phó cho mình”.
Hàng trăm vị lãnh đạo tôn giáo và đại diện ngoại giao quốc tế – thuộc gần 200 phái đoàn – đã tham dự Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô của vị Giám mục Rôma, trong đó có Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã chia sẻ về Mật nghị đã bầu chọn ngài làm vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội: “Dù đến từ những hoàn cảnh và kinh nghiệm khác nhau, chúng tôi – các Hồng y cử tri – đã phó thác cho Thiên Chúa ước muốn chọn ra Đấng kế vị Thánh Phêrô, Giám mục thành Rôma, một vị Mục tử có khả năng gìn giữ gia sản phong phú của đức tin Kitô giáo, đồng thời hướng đến tương lai, để đối diện với những vấn đề, những nỗi bận tâm và thách thức của thế giới ngày hôm nay”.
“Yêu thương và hiệp nhất – đó là hai chiều kích của sứ mạng mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Thánh Phêrô”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
Trích lời Thánh Augustinô – vị thánh đã truyền cảm hứng cho Dòng Thánh Augustinô mà Đức Giáo hoàng thuộc về – Đức Lêô XIV nói: “Giáo hội bao gồm tất cả những người hòa hợp với anh chị em mình và yêu thương người lân cận”.
Ngài cũng bày tỏ sự đau lòng trước những chia rẽ và hững vết thương của thời đại: “Phần chúng ta, chúng ta muốn trở nên một chút men nhỏ của sự hiệp nhất, hiệp thông và huynh đệ giữa lòng thế giới”.
Trước bài giảng, Đức Thánh Cha đã nhận những biểu tượng của Sứ vụ Giáo hoàng – Dây Pallium và Nhẫn Ngư phủ – trong một nghi thức mang nhiều biểu tượng, bao gồm hành động bày tỏ sự vâng phục và trung thành từ đại diện của Hồng y Đoàn và “Dân Chúa”.
Dây Pallium – dải băng nhỏ bằng len làm từ long chiên màu trắng – được đặt trên vai ngài. Daayy Pallium có hai dải màu đen và ba chiếc kim tượng trưng cho những cây đinh nơi Thập giá Chúa Kitô, biểu thị Giám mục như vị Mục tử nhân lành và là hiện thân của Đức Kitô – Con Chiên bị đóng đinh để cứu độ nhân loại.
Chiếc Nhẫn Ngư phủ bằng vàng – một phần của Huy hiệu Giáo hoàng từ thiên niên kỷ đầu tiên – khắc hình Thánh Phêrô cầm chìa khóa và tấm lưới, biểu tượng cho quyền bính và sứ vụ mà Chúa Giêsu đã trao cho Thánh Phêrô: “Hãy trở nên kẻ lưới người”.
Sau phần công bố Tin Mừng bằng tiếng Latinh và Hy Lạp – đoạn Tin Mừng Gioan trong đó Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Con có yêu Thầy không?” và truyền dạy: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” – Đức Hồng y Dominique Mamberti đã đã đặt dây Pallium quanh vai Đức Thánh Cha Lêô, và Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, OFM Cap, đọc lời nguyện.
Với vẻ xúc động rõ rệt, Đức Lêô XIV đã nhận Nhẫn Ngư phủ từ tay Đức Hồng y Luis Tagle, nhìn vào chiếc nhẫn và sau đó ngẩng mặt lên cầu nguyện.
Tông Hiệu Giáo hoàng và các chi tiết trên Huy hiệu Giáo hoàng – như hoa huệ (biểu tượng của sự thanh khiết và Đức Trinh Nữ Maria) và quả tim bị đâm thâu (biểu tượng truyền thống của Dòng Augustinô) – được khắc ở mặt trong của chiếc nhẫn.
Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã xuất hiện lần đầu tiên trên chếc Popemobile, đứng vẫy chào đám đông quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô và Đại lộ Via Conciliazione dẫn đến Đền thờ Thánh Phêrô tại Vatican.
Nghi thức khai mạc Triều đại Giáo hoàng bắt đầu với giờ cầu nguyện bên mộ Thánh Phêrô, cùng với các vị Hồng y. Sau đó, các ngài tiến ra Quảng trường Thánh Phêrô trong cuộc rước trọng thể từ bên trong Đền thờ.
Bức Linh ảnh Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành – từ Đền thánh Genazzano (Ý), nơi Đức Lêô XIV đã viếng thăm vào ngày 10 tháng 5 như một trong những hành động đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng – được đặt bên trái bàn thờ.
“Đây là giờ phút của tình yêu thương!”, Đức Thánh Cha nói trong bài giảng. “Trọng tâm của Tin Mừng là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta trở nên anh chị em. Cùng với vị tiền nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: nếu tiêu chuẩn này ‘trở nên nguyên tắc thống trị trong thế giới, há chẳng phải mọi xung đột sẽ chấm dứt và hòa bình sẽ trở lại sao?’ (Rerum Novarum, số 21)”.
“Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội được đặt nền trên tình yêu của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “một dấu chỉ của sự hiệp nhất, một Giáo hội truyền giáo mở rộng vòng tay với thế giới, rao giảng Lời Chúa, sẵn sàng đặt mình trong trạng thái “luôn thao thức” với lịch sử, và trở thành men của sự hòa hợp cho nhân loại”.
Cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã kêu gọi cầu nguyện cho “một nền hòa bình công bằng và bền vững” trên toàn thế giới, cách riêng tại Gaza, Myanmar và Ukraine, trước khi cùng cộng đoàn hát kinh Regina Caeli, Thánh thi kính Đức Mẹ trong Mùa Phục Sinh.
Ngoài các nhà lãnh đạo và đại diện ngoại giao quốc tế, Thánh lễ đầu tiên của Đức Tân Giáo hoàng còn có sự hiện diện đông đảo của các vị đại diện tôn giáo, bao gồm các tín hữu Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Sikh giáo, Hỏa giáo và Kỳ-na giáo.
Khoảng 36 Giáo hội hoặc tổ chức Kitô giáo cũng cử đại diện tham dự, trong đó có Đức Thượng Phụ Đại kết Bartholomew I của Constantinople và Đức Thượng Phụ Theophilos III của Giáo hội Chính thống Hy Lạp tại Giêrusalem.
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đến từ Ý, Israel và Hoa Kỳ cũng hiện diện, trong đó có Đại giáo sĩ Riccardo Di Segni của Rôma.
Dưới đây là một số hình ảnh:
Minh Tuệ (theo CNA)