Khiêm nhường phục vụ công lý và hòa bình

Đọc lại cuộc đời Gioan Tiền Hô, có thể nhận ra rằng ông đã đấu tranh cho công lý và xây dựng hòa bình với tinh thần khiêm nhường đích thực.

Ngay từ đầu, đối với ông, Chúa đã muốn rằng “Hài nhi Hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao”[1]. Làm ngôn sứ là gì nếu không phải là loan báo về Thiên Chúa? Có ngôn sứ nào không lên tiếng bảo vệ sự thật, tố cáo sự gian ác, bênh vực người bị đàn áp, lên án kẻ cường quyền? Có ngôn sứ nào không phải đau khổ, thậm chí phải chết?[2] Vậy mà, ngày hôm nay, có những người được ban cho tước hiệu ngôn sứ lại từ chối lên tiếng bênh vực sự thật, bênh vực người yếu thế trong những bối cảnh xã hội cụ thể. Không chỉ vậy, họ còn chỉ trích, cô lập và hãm hại những ngôn sứ muốn trung thành bước theo đường lối của Thiên Chúa[3]. Thử hỏi: Đối với họ, Thiên Chúa ở đâu? Ý Chúa là gì? Khiêm nhường là như thế nào?

Là ngôn sứ, là một người cao cả trước mặt Thiên Chúa và được đầy Thánh Thần,[4] Gioan Tiền Hô vẫn tìm cho mình kho báu của đức khiêm nhường[5]. Ông không đến để phán xét và thực thi ý muốn của mình. Trái lại, ông một lòng thực thi ý muốn của Thiên Chúa, dọn đường cho “danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”[6]. Như ông, nhiều người đã được kêu gọi rao giảng Lời Chúa cho những người yếu thế trong xã hội. Việc chăm sóc cho những người thấp hèn và những người bị áp bức là dấu chỉ của sứ vụ thiên sai[7], như đã được trình bày trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội[8], Sắc lệnh về Nhiệm vụ Mục vụ của các Giám mục trong Giáo hội[9], Sắc lệnh về Chức vụ và Ðời sống các Linh mục[10]. Sứ vụ đó sẽ không được thực thi một cách đầy đủ nếu không bao gồm việc đấu tranh cho công lý và xây dựng hòa bình đích thực trong cuộc sống hiện tại. Có người nào dám coi mình cao trọng hơn ông Gioan Tiền Hô để tự miễn cho mình đòi hỏi phải khiêm nhường trước Thiên Chúa và vâng theo ý Người mà chăm sóc cho những người bị bỏ rơi trong xã hội?

Phải có một đức khiêm nhường đích thực và sâu thẳm, Gioan Tiền Hô mới có thể nhận ra ý Chúa và quyết liệt thực thi thánh ý. Thật vậy, khiêm nhường để nhận ra mình là ai. Tìm kiếm ý Chúa là trả lời cho câu hỏi Chúa muốn mình là ai và Chúa muốn mình làm điều gì. Trái lại, tìm kiếm ý riêng là đi tìm xem mình muốn mình là ai, mình tỏ mình ra như thế nào. Như thế, khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa, nhìn nhận về chính mình chỉ có thể dẫn đến kết quả nhận ra ý Chúa và hành động như Người muốn.

Gioan Tiền Hô nhận ra rằng Thiên Chúa muốn ông lên tiếng, “hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn đường cho Thiên Chúa, sửa lối cho thằng để người đi”.[11] Thiên Chúa đó là ai? Người là “đường, là sự thật và là sự sống”.[12] Chẳng vậy mà, không chỉ hướng dẫn, chăm sóc và kêu gọi người ta sám hối, làm phép rửa cho họ, ông còn chỉ thẳng vào những kẻ lừa dối, chèn ép người yếu thế, trục lợi cho bản thân mà nói rằng: “Nòi rắn độc kia, […] các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”[13]. Thậm chí, thái độ và quyết liệt đấu tranh cho công lý còn dẫn ông tới cái chết tưởng chừng như vô vị, lãng xẹt.[14] Tuy nhiên, đó là một cuộc tử đạo và chỉ nhằm một mục đích làm chứng cho Thiên Chúa – Đấng là Sự thật Toàn vẹn[15].

Như vậy, giống như Gioan Tiền Hô, những người đang thực sự dấn thân đấu tranh cho công lý và xây dựng hòa bình là những người thực thi ý muốn của Thiên Chúa bằng tinh thần khiêm nhường Kitô giáo. Họ không làm việc đó theo ý riêng, theo sở thích, theo nhu cầu của mình. Trái lại, họ lắng nghe tiếng Chúa và bước đi theo tiếng gọi da diết của Người. Dù gặp gian khổ, chống đối, họ vẫn là những người thợ gặt thanh thản và cần mẫn của Thiên Chúa, làm việc hết mình và trao phó mọi sự trong tay chủ mùa gặt.

P.B.

Chú thích

[1] Lc 7,16

[2] x. Mt 5, 11-12

[3] x. Ed 2:8-3:4

[4] x. Lc 1,15

[5] Mt 11,29

[6] Mt 6,9-10

[7] x. Hiến pháp DCCT, số 4

[8] x. LG, số 8

[9] x. CD, số 13

[10] x. PO, số 6

[11] x. Mt 3,1-3

[12] x. Ga 14,6

[13] Mt 3,7

[14] x. Mt 14, 3-12

[15] x. Ga 16,13

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết