Tìm đến tự do, dân chủ, nhân bản là tiến trình tự nhiên, tất yếu của nhân loại. Ở mỗi xã hội, tiến trình ấy diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc phần lớn vào ý thức và sức mạnh của nhân dân trong việc đòi buộc một sự quản trị có năng lực, có trách nhiệm, đặt nền trên phẩm giá con người, dựa theo công lý và hướng đến thiện ích chung từ một chính quyền đúng nghĩa.
***
Phần 2. “Nhạy cảm” hay không “nhạy cảm”?
Trong phần 1, chúng ta đã đề cập đến sự lên tiếng của người dân, chủ yếu về các vấn đề dân sinh – nôm na là các vấn đề liên quan trực tiếp, cấp thiết đến đời sống người dân, như cơm áo gạo tiền, học hành, môi trường, y tế… – và hầu hết là sự lên tiếng nhỏ, lẻ. Với sự kiên trì của dân, sự việc hầu như đều được các bên liên quan ngồi lại giải quyết. Hoặc ít ra, sự lên tiếng đó không bị tấn công hay đàn áp quá mãnh liệt.
Tuy nhiên, khi lên tiếng về các vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn, liên quan đến dân quyền, nhân quyền, và đặc biệt khi có “yếu tố Trung Quốc”, thì dù là dân hay “quan”, hầu như đều bị cản trở, tấn công, bắt bớ hoặc đàn áp dữ dội. Điển hình như sự lên tiếng về Hoàng Sa – Trường Sa, Boxit Tây Nguyên, Fomosa, vấn đề đảng phái chính trị, bầu cử, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, v.v.. Đây là những lĩnh vực được cho là “nhạy cảm”, gây nguy hiểm cho chế độ, ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng và các phe nhóm lợi ích. Nên khi có những tiếng nói bất đồng chính kiến, các phe nhóm trong đảng cầm quyền dù đối lập nhau vẫn dễ dàng tìm được sự đồng thuận để cùng nhau chống lại và dập tắt sự lên tiếng này.
Trong khi đó, đặc tính của các phe nhóm lợi ích là luôn đố kị, ganh ghét và muốn thanh trừng lẫn nhau – những vụ “đại án” lùm xùm gần đây cũng phần nào chứng minh cho đặc tính này. Vì vậy, những vụ lên tiếng về các vấn đề dân sinh không mấy “nhạy cảm” của người dân, sẽ được các phe nhóm sử dụng như một cơ hội để giải quyết mâu thuẩn và triệt hạ lẫn nhau. Hoặc chí ít, đó cũng là cơ hội để o ép, vòi vĩnh nhau, vòi vĩnh các doanh nghiệp để tìm sự “dàn xếp ổn thoả”.
Từ việc quan sát các diễn tiến trên, có ý kiến cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc lên tiếng về các vấn đề dân sinh là một trong những phương cách tốt trong tiến trình tìm đến dân chủ.
Trước hết, đó là những vấn đề bức xúc trong đời sống của người dân, cần lên tiếng để tìm lại sự công bằng, an sinh cho xã hội. Và quan trọng, sự lên tiếng đó dễ thực hiện được trong điều kiện hiện nay.
Kế đến, trong một xã hội mà người dân đã thấm lì với thói quen “chịu vậy” trước vô vàn những sai phạm, oan ức, thì những phản ứng trước các vấn đề dân sinh có thể xem là bước đầu để người dân làm quen với việc tham gia vào xã hội, tham gia giám sát các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá…, đồng thời góp phần xây dựng công ích. Sự tham gia là nghĩa vụ và là quyền lợi, mà thiết nghĩ, mỗi người dân trong bất cứ xã hội nào cũng đều phải quan tâm trước khi muốn đạt được dân quyền và nhân quyền cách đúng nghĩa.
Thế nhưng, những nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng đó chưa được đa số người dân nước ta ý thức sâu sắc, hoặc có khi điều đó đã bị nhà cầm quyền tuyên truyền một cách méo mó, rồi lấy đó làm cớ để sử dụng con người như một công cụ “chân tay, tai mắt”, vì mục đích riêng hơn là hướng đến thiện ích chung.
Nhìn dưới góc độ nào đó, lịch sử nhân loại là một tiến trình tìm kiếm tự do và dân chủ. Một xã hội có tự do và dân chủ sẽ góp phần tạo điều kiện để con người triển nở những phần sáng, những tinh tuý trong nhân tính, đặc thù là sự tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng tài sản người khác, có tính tự chủ, óc sáng tạo, có khả năng hợp tác tốt và ham thích lao động. Ngược lại, một thể chế phi dân chủ, kìm kẹp tự do chỉ làm trỗi dậy những phần đen tối của bản năng con người, đó là óc nô lệ, tính phụ thuộc, lười lao động, phi đạo đức, tham lam, dối trá và phá hoại. Bởi chính trên mảnh đất đen tối này thì sự độc tài mới có thể tồn tại và vùng vẫy. Hậu quả của nó là một xã hội nghèo đói, lạc hậu, và con người thì ngày càng độc ác, vô cảm, tàn nhẫn với nhau.
Tìm đến tự do, dân chủ, nhân bản là tiến trình tự nhiên, tất yếu của nhân loại. Ở mỗi xã hội, tiến trình ấy diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc phần lớn vào ý thức và sức mạnh của nhân dân trong việc đòi buộc một sự quản trị có năng lực, có trách nhiệm, đặt nền trên phẩm giá con người, dựa theo công lý và hướng đến thiện ích chung từ một chính quyền đúng nghĩa.
Thuận Kiệt