Caritas vừa đưa ra một báo cáo có mục tiêu ngăn chặn việc buôn bán người lớn và trẻ em trong và sau các cuộc xung đột
Đây là một báo cáo mới (ở đây là phiên bản đầy đủ bằng tiếng Anh) với các khuyến nghị và các giải pháp có thể có nhằm ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em và người lớn để bóc lột tình dục, lao động hoặc mổ lấy nội tạng, trong và sau các cuộc xung đột. Đây là ấn phẩm do Caritas của 10 quốc gia châu Âu và Địa Trung Hải thực hiện: Albania, Armenia, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Pháp, Kosovo, Lebanon, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.
Mỗi quốc gia phải đối diện với những thách đố riêng.
Tại Albania và Lebanon, người ta ghi nhận rằng các nhân viên tham gia tiếp nhận người nhập cư và người tị nạn đã không có những kỹ năng cần thiết để hiểu được tình hình và hiểu được thế nào là những người có nguy cơ. Do đó Caritas Albania đã tổ chức 7 hội thảo cho 205 đại diện của các cơ quan dịch vụ xã hội, giáo dục, thực thi pháp luật và các lực lượng tư pháp. Tại Lebanon, việc đào tạo nhắm giúp biết cách liên lạc với cảnh sát khi tiếp cận với những người di cư đang tràn đến.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Caritas đã nêu bật những vấn đề của nạn tảo hôn và lao động trẻ em. Caritas Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp với các trường học mà các trẻ em Syria theo học và đào tạo cho các giáo viên cách xác định các tình huống rủi ro.
Tại Armenia, vấn đề lớn nhất là bóc lột lao động. Tại đây Caritas mang đến một số chương trình tín dụng vi mô cho người di cư và tị nạn, để họ có thể tự nuôi mình và không phải đi buôn lậu. Genevieve Colas, Secours Catholique-Caritas Pháp, điều phối viên – giải thích : “Với công việc này, chúng tôi muốn cung cấp thêm kiến thức và cung cấp cách để can thiệp có hiệu quả trong các tình huống, đặc biệt là khi các trẻ em và người lớn phải đối diện với nguy cơ bị khai thác trong một cuộc xung đột và một khoảng thời gian lâu sau đó”.
Bản báo cáo nêu lên một loạt các khuyến nghị giải quyết dành cho các chính phủ, các quốc gia, LHQ, EU và các nhà tài trợ quốc tế, để “cải thiện công tác phòng ngừa, xác định, hỗ trợ pháp luật và bảo vệ các nạn nhân”.
Văn Hùng