
Các tổ chức từ thiện phân phát thực phẩm cho những người phải di tản trong các lều trú ẩn ở Deir al-Balah, miền trung Dải Gaza vào ngày 9 tháng 6 năm 2024 (Ảnh: Anas-Mohammed/ Shutterstock)
Trước những cảnh báo nghiêm trọng của các cơ quan Liên Hợp Quốc về nguy cơ sụp đổ nhân đạo tại Gaza, chi nhánh Công giáo của một tổ chức cổ võ sự dấn thân Kitô giáo tại Cận Đông đã công bố khai mạc Tuần Cửu Nhật cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, bắt đầu từ ngày 16 tháng 7.
Tuần Cửu Nhật với chủ đề “Chín ngày cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh địa” do Dự án Philos khởi xướng được công bố trong bối cảnh Israel gia tăng các đợt oanh kích tại Gaza, trong khi 8 cơ quan của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng “nếu không có nhiên liệu, các hoạt động cứu sinh của họ có thể sớm bị ngưng trệ”. Vào cuối tuần qua, đài BBC đã đưa tin về cái chết của 10 người, trong đó có 6 trẻ em, thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào ngày 13 tháng 7, khi họ đang chờ lấy nước tại khu vực trung tâm Gaza.
Theo một bản tin của tờ The Times of Israel, hiện vẫn còn 50 con tin Israel đang bị Hamas giam giữ, trong đó có ít nhất 28 người đã được Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận đã tử vong. Có khoảng 20 con tin được cho là vẫn còn sống, trong khi “vẫn còn những lo ngại nghiêm trọng về tình trạng của hai người khác”.
Tuần Cửu Nhật sẽ bắt đầu vào ngày 16 tháng 7, Lễ kính Đức Mẹ Núi Cát Minh, và bế mạc vào ngày 24 tháng 7, Lễ kính Thánh Charbel Núi Liban. Một Tuần Cửu Nhật tương tự cũng đã được cử hành vào năm ngoái. Năm nay, theo bà Simone Rizkallah, Giám đốc Dự án Philos, các tín hữu “chắc chắn sẽ cầu xin nhiều hơn nữa”, cầu nguyện cho việc chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột.
“Năm Thánh Hy vọng này nhắc nhở chúng ta rằng những lời hứa của Thiên Chúa không bao giờ bị rút lại”, bà Rizkallah nói thêm: “Chúng ta hãy mạnh dạn cùng nhau cầu nguyện”.
Các ý chỉ cầu nguyện trong Tuần Cửu Nhật bao gồm: xin cho cuộc xung đột tại Thánh Địa được chấm dứt hoàn toàn; cho tất cả các con tin được trở về bình an; cho việc tái thiết các cộng đồng bị tàn phá; cho sự chữa lành những vết thương sâu sắc và khôi phục sự tin tưởng; và dấu chỉ tiên tri về hòa bình: rằng một ngày nào đó không xa, các Kitô hữu có thể hành hương an toàn từ Núi Cát Minh đến Núi Liban, hai ngon núi linh thánh gắn kết bởi đức tin, lịch sử và niềm hy vọng.
Năm ngoái, “Tuần Cửu Nhật khẩn cấp” của Dự án Philos, với hơn 1.000 người tham dự, tập trung vào những lời cầu nguyện cho hòa bình giữa Israel và Liban.
“Khi đó, chúng tôi khai mạc Tuần Cửu Nhật vào dịp Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, cầu xin cho Liban được thoát khỏi cảnh chiến tranh sắp xảy ra”, bà Rizkallah nhớ lại. “Bất chấp mọi khó khăn, hòa bình đã được duy trì. Đối thoại, chứ không phải hủy diệt, đã bén rễ giữa Liban và Israel. Điều đó gần như là không thể tưởng tượng được cách đây một năm trước”.
Vào thời điểm ấy, Tuần Cửu Nhật là lời đáp trả trước các cuộc đụng độ liên tục giữa quân đội Israel và Hezbollah, một tổ chức Hồi giáo Shiite có vũ trang được Iran hậu thuẫn và có trụ sở tại Liban.
Minh Tuệ (theo CNA)