Lịch sử xem ra bị chi phối bởi các quyền lực kinh tế, chính trị. Lịch sử xem ra được điều hành bởi quy luật kẻ mạnh được, kẻ yếu thua. Lịch sử xem ra bị chi phối bởi quy luật của những kẻ có quyền, có tiền chà đạp lên những con người yếu đuối, những con người không có khả năng tự vệ, những con người nghèo khổ. Và đôi khi, chúng ta cảm thấy bế tắc trước thực tế đó.
Isaia đệ nhị là một ngôn sứ đã cảm nghiệm tình trạng bi đát của dân tộc mình trong chốn lưu đày. Ông nói cho dân Chúa biết chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa có chương trình của Người cho dân, mặc dù nhìn bề mặt bên ngoài của lịch sử, dân Do Thái lúc bấy giờ như đã bị tước đoạt tất cả.
Sau những giai đoạn huy hoàng của lịch sử thương mại, kinh tế, chính trị và tôn giáo, dân tộc Do Thái đã rơi vào một tình trạng hết sức bi đát. Đất nước bị người Babylon thôn tính. Đền thờ bị phá tan hoang. Những vật dụng thánh trong đền thờ bị đem về Babylon. Thậm chí người Babylon còn dùng những chén thánh lấy từ đền thờ Giêrusalem để ăn nhậu trong lâu đài của vua Babylon. Dân Do Thái đã mất tất cả. Từ vua cho đến dân dẫn dắt nhau làm thành một đoàn người đi lưu đày, làm tôi mọi ở Babylon. Đó là một hoàn cảnh khó khăn. Đó là một hoàn cảnh tưởng như là không còn gì về mọi phương diện – tôn giáo, chính trị và xã hội.
Kinh nghiệm về sự bị lột bỏ tất cả đó, không phải chỉ là kinh nghiệm của người Do Thái xưa. Đó là kinh nghiệm của tất cả những cộng đồng những con người thờ phượng Thiên Chúa sau này nữa, kinh nghiệm của tất cả những con người đặt niềm tin vào Thiên Chúa nhưng thấy bề ngoài như là đã bị mất tất cả. Và đó cũng là kinh nghiệm của chính Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng cũng đã trải qua kinh nghiệm thế nào là sự bị Thiên Chúa bỏ rơi, thế nào là sự thất bại hoàn toàn, thế nào là sự bị lột bỏ hoàn toàn. Và lịch sử của Giáo Hội từ xưa đến nay cũng vẫn vậy. Có những khi Giáo Hội là một cộng đoàn vinh quang, nhưng thường khi Giáo Hội là cộng đồng bị bách hại, một Giáo Hội ở vào thế yếu, một Giáo Hội bị lột bỏ tất cả. Đó vẫn là tình cảnh của nhiều công đoàn Hội Thánh hôm nay.
Chính trong cái hoàn cảnh bị lưu đầy, ngôn sứ Isaia đã suy niệm về bản chất của lịch sử và về uy quyền của Thiên Chúa trong lịch sử.
Lịch sử xem ra bị chi phối bởi các quyền lực kinh tế, chính trị. Lịch sử xem ra được điều hành bởi quy luật kẻ mạnh được, kẻ yếu thua. Lịch sử xem ra bị chi phối bởi quy luật của những kẻ có quyền, có tiền chà đạp lên những con người yếu đuối, những con người không có khả năng tự vệ, những con người nghèo khổ. Và cái lịch sử như thế, cái bề ngoài của lịch sử như thế, xem ra vẫn còn tiếp diễn cho đến hiện nay và sẽ còn tiếp diễn lâu lắm trên thế giới này.
Cái lịch sử bề ngoài là như vậy, nhưng sâu xa ở bên dưới, ngôn sứ Isaia nhận ra một điều khác hẳn. Đó là: ở sâu bên dưới cái lịch sử ấy, là quyền bính của chính Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là Đấng chi phối lịch sử này. Chính Thiên Chúa mới là Đấng nắm trong tay cái vận mệnh của lịch sử này. Và nếu Thiên Chúa còn kiên nhẫn trước tình trạng kẻ mạnh chà đạp những người yếu, thì ấy là bởi vì lòng nhân lành của Thiên Chúa đang kiên nhẫn chờ đợi con người dùng sự tự do của mình mà quay trở về với Thiên Chúa.
Trong hoàn cảnh như thế, ngôn sứ Isaia công bố: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đừng lối của Đức Chúa cũng cao hơn đường lối của các ngươi như vậy và tư tưởng của Đức Chúa cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi như vậy”.
Vậy người tin vào Thiên Chúa là người được mời gọi vượt qua cái vẻ bên ngoài của lịch sử, để nhận biết rằng chính Thiên Chúa mới là Đấng cầm nắm cái vận mệnh lịch sử trong tay. Vượt qua cái vẻ bề ngoài của bất công, chúng ta biết chính Thiên Chúa mới là Đấng sẽ thiết lập công lý và hòa bình cho chúng ta. Và vì vậy, những người tin, cũng giống như những người Do Thái xưa, được mời gọi sống niềm tin vào vị Thiên Chúa ẩn mình, vị Thiên Chúa có vẻ như đang bất lực trước sự dữ, nhưng kỳ thực là vị Thiên Chúa đang dùng chính sự dữ, kể cả tội lỗi của con người, để cứu con người. Đó là vị Thiên Chúa mạnh mẽ đến nỗi Người có thể kiên nhẫn trước những cảnh khốn khổ của dân Người chỉ để cứu dân Người và bày tỏ quyền uy thương xót của Người trong sự kiên nhẫn ấy.
Đức tin không nằm ở chỗ là ta thấy điều mình tin, nhưng nằm ở chỗ chúng ta tin điều chúng ta không thấy bằng mắt thường.
Ngọc Huỳnh