Một tuyên bố được đưa ra bởi ‘Centro Astalli’, Dịch vụ Tị nạn Dòng Tên (JRS ) ở Ý, kêu gọi việc tái định cư những người di cư ở Hy Lạp và đồng thời kích hoạt thị thực nhân đạo cho những người tị nạn Syria.
Trước những sự việc đang xảy ra với những người di cư bị mắc kẹt ở Hy Lạp, và sau những tin tức bi thảm về sự leo thang bạo lực ở tỉnh Idlib của Syria, tổ chức ‘Centro Astalli’ do JRS điều hành đã đưa ra một lời kêu gọi khẩn cấp tới các chính phủ quốc gia và các tổ chức châu Âu để yêu cầu việc sơ tán ngay lập tức các trại tị nạn ở Hy Lạp và đồng thời thiết lập thị thực nhân đạo cho những người dân Syria chạy trốn khỏi cuộc chiến.
Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này về việc ngăn chặn sự di chuyển của hàng chục ngàn người di cư bị mắc kẹt ở nước này, sau một thỏa thuận được ký năm 2016 với EU, đã dẫn đến việc hàng ngàn người bị buộc phải di tản tập trung tại biên giới với Hy Lạp, nơi mà quân đội và cảnh sát tuần tra đang sử dụng khí cay và lựu đạn gây choáng để chặn họ.
Trong khi đó, tại Hy Lạp, các trung tâm giam giữ quá đông tiếp đón hàng chục ngàn người di cư trong các điều kiện vô nhân đạo.
Hôm Chúa nhật vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự đau buồn của mình trước hoàn cảnh của rất nhiều người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị buộc phải di tản, mà theo Ngài, đã bị ruồng bỏ và thải loại bởi chiến tranh, và Ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho họ.
Donatella Parisi, cộng tác viên Centro Astalli, đã có cuộc trò chuyện với Đài phát thanh Vatican về lời kêu gọi của JRS.
“JRS ở Ý hết sức bận tâm đến tình hình ở Hy Lạp và nói chung là ở Syria đối với những người tị nạn đang nỗ lực cố gắng tìm đường đến châu Âu”, bà Parisi nói.
Liên quan đến những sự việc đang xảy ra với những người di cư ở Hy Lạp, bà Parisi tuyên bố, “chúng tôi đang yêu cầu chính phủ quốc gia và các tổ chức EU hành động ngay lập tức để sơ tán các trại tị nạn ở Hy Lạp và thiết lập một hành lang nhân đạo cho những người ‘đang sống trong cảnh đạn bom’ ở Syria nơi mà tình hình hiện vô cùng tồi tệ.
“Chúng tôi tin rằng Liên minh châu Âu có thể làm được nhiều hơn những gì họ đang thực hiện”, bà nói.
Mối quan tâm của ĐTC Phanxicô
Liên quan đến lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô đối với những người di cư, bà Parisi cho biết, ‘Centro Astalli’ hy vọng nó sẽ có tác động đến những người có trách nhiệm chính trị.
“Ví dụ như, chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức bị gián đoạn”, bởi vì đây là một vấn đề rất quan trọng đối với những người đang cố gắng tiếp cận châu Âu, bao gồm cả những người tị nạn Syria và Iraq.
Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, được ký vào tháng 3 năm 2016, là tuyên bố về sự hợp tác giữa các quốc gia châu Âu và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm tìm cách kiểm soát việc vượt biên của những người tị nạn và những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến các hòn đảo của Hy Lạp. Điểm mấu chốt của thỏa thuận đó là mọi người đến Hy Lạp cách bất thường – bao gồm cả những người xin tị nạn – sẽ bị đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, các quốc gia thành viên EU sẽ đưa một người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ đối với mỗi người Syria trở về từ các hòn đảo.
Lời kêu gọi của ‘Centro Astalli’ kêu gọi “một hành lang nhân đạo cho những người dân Syria đang chạy trốn khỏi cảnh đạn bom” cần phải được mở ra ngay lập tức, “đồng thời đặt dấu chấm hết đối với thỏa thuận độc ác với Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã lên án hàng triệu người dân phải lâm vào tình cảnh đau khổ, tuyệt vọng và chết chóc”.
Bà Parisi cho biết quyền của những người tị nạn đang cần khẩn cấp tái lập: ví dụ như, các quyền được quy định trong Công ước Geneva liên quan đến quyền không từ chối và quyền được bảo vệ nếu người đó đang tìm cách thoát khỏi cảnh chiến tranh hoặc đàn áp.
Vì vậy, bà Parisi nói, ‘Centro Astalli’ chân thành hy vọng rằng những lời của ĐTC Phanxicô sẽ được xem xét bởi những người có quyền đưa ra quyết định “đối với cuộc sống của những người dân này”.
Thiên Ân (theo Vatican News)
Dưới đây là một số hình ảnh về những anh chị em di cư: