JRS: “Một Kitô hữu đích thực phải 'chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhâp' người khác”

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 01-12-2018 | 13:13:59

Cố vấn Truyền thông và Vận động thuộc Tổ chức giúp đỡ người tị nạn Dòng Tên (Jesuit Refugee Service – JRS) về Trung Đông và Bắc Phi đã chia sẻ về nhiệm vụ của các Kitô hữu trong việc thực hành những khuyến nghị của ĐTC Phanxicô rằng chúng ta phải chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập các anh chị em của chúng ta đang phải chạy trốn khỏi cảnh chiến tranh và tình trạng nghèo đói.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422-74

Khi hàng ngàn người di cư cưỡng bức tiếp tục chạy trốn khỏi các cuộc xung đột và tình trạng nghèo đói ở các quốc gia, ngày càng có nhiều chính phủ đang thực hiện các kế hoạch và chính sách di cư mới hướng tới việc buộc những người di cư phải quay trở lại và đồng thời ngăn cản họ khỏi việc đặt ra hành trình hy vọng của họ.

Ý, một trong những cửa ngõ chính vào châu Âu đối với hầu hết những người di cư châu Phi và Trung Đông, vừa phê duyệt một kế hoạch gây tranh cãi về vấn đề nhập cư và tị nạn.

Ưu tiên của nó đó chính là gửi trả những người di cư “bất hợp pháp” về nước càng nhiều càng tốt, vốn đồng nghĩa với việc gia tăng và thúc giục các cuộc hồi hương bắt buộc của những người di cư, đặc biệt là thông qua các hiệp định song phương với các quốc gia của những người di cư và các quốc gia quá cảnh, thậm chí các quốc gia nơi mà chính phủ là chế độ độc tài, hoặc các quốc gia có các vụ vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống được nhiều người biết đến.

Linh mục Cedric Prakash Dòng Tên, người sắp hoàn tất ba năm kinh nghiệm làm cố vấn khu vực và tư vấn truyền thông cho Dịch vụ Tị nạn dòng Tên Trung Đông và Bắc Phi (JRS MENA), đã sống và làm việc trực tiếp với những người tị nạn đến từ Syria và từ Iraq đã bị chiến tranh tàn phá, từ các quốc gia mà linh mục Prakash cho biết rằng ngài đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm và có được những quan điểm mới:

“Tôi đã trưởng thành, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều, đặc biệt là lắng nghe tiếng khóc, lắng nghe sự đau đớn và đau khổ của những người tị nạn và những người bị buộc phải di tản”, linh mục Cedric Prakash nói, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục mời gọi tất cả những người có thành tâm thiện chí bất kể nam nữ hãy “chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập” những anh chị em di cư.

Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự tin rằng, linh mục Prakash nói, đó chính là bổn phận đối với mỗi người trong chúng ta, những người tự xưng là một môn đệ của Chúa Giêsu để tiếp cận và chào đón những người tị nạn và những người bị buộc phải di tản, mà con số đã lên đến hàng triệu người.

Viễn cảnh chính trị mâu thuẫn với các giá trị Kitô giáo

Trong một viễn cảnh chính trị vốn ngày càng hướng đến việc từ chối những người di cư và dường như chỉ quan tâm đến việc bảo vệ biên giới quốc gia và buộc những người di cư phải quay trở về quốc gia của họ, linh mục Prakash đã suy tư về việc bất kỳ ai gọi mình là một Kitô hữu đều phải có nghĩa vụ đặt ra cho mình một số câu hỏi quan trọng.

“Châu Âu đã trải nếm cảnh chiến tranh, đã trải nghiệm bạo lực và rất nhiều người dân châu Âu đã phải chạy trốn khỏi vùng đất bản địa của họ và tìm nơi ẩn náu ở các quốc gia khác”, linh mục Prakash lưu ý, “vì vậy khi tàu cứu hộ ‘Aquarius’ không được phép cập cảng tại Ý hoặc Malta”, có một số cân nhắc nghiêm túc cần phải được thực hiện.

Linh mục Prakash nói: “Đó không phải là việc liệu những người đó (những người di cư) có đáng được xin tị nạn hay không, nhưng là về việc liệu chúng ta có thể nhân đạo không? Liệu chúng ta có thể cho phép tàu cứu hộ cập cảng không? Liệu chúng ta có thể cho phép những người này được tắm rửa và cung cấp cho họ một chút thức ăn không?”.

Linh mục Prakash đã chỉ ra rằng thậm chí ngay cả khi chính phủ đi trước với các chính sách hiện tại của nó để buộc những người di cư quay trở về nước, có rất nhiều tổ chức địa phương đang làm những công việc hết sức tốt đẹp cho những người bị buộc phải di tản và những người tị nạn.

“Nhưng điều chúng ta cần lúc này đó chính là những chính sách nhân văn của chính phủ”, Linh mục Prakash nói.

Linh mục Cedric lưu ý rằng chính phủ ở Ấn Độ đã ngừng cho phép những người Rohingyas vào nước này: “Tôi nghĩ đây là một hành động vô đạo đức”.

Linh mục Cedric đã nhận xét về thực tế rằng có hàng loạt những Chỉ thị, Nhiệm vụ và Nghị định thư của Liên Hợp Quốc đã có hiệu lực nhằm bảo vệ phẩm giá của những người liên quan và hầu hết các quốc gia đều đã phê duyệt và Hiệp ước Toàn cầu về vấn đề Di cư sẽ sớm được ký kết, một tài liệu mà “ĐTC Phanxicô đã luôn nhắc tới”.

Linh mục Prakash cũng phản ánh về thực tế rằng có một số người có ý mong muốn trở thành “những người Công giáo tốt” nhưng lại không kiềm chế việc bày tỏ xác quyết của mình rằng những người di cư đang “xâm lược các quốc gia của họ”.

“Và những người Công giáo tốt này đưa tôi đến nhà thờ và hôn kính Mẹ Maria, Thân Mẫu Chúa Giêsu…”. “Vậy đâu là ý nghĩa của đức tin?”, Linh mục Prakash nói. “Làm thế nào để chúng ta có thể hiểu đượcđức tin ngày hôm nay?”.

Có lẽ tất cả mọi người nên được khuyến khích, Linh mục Prakash tiếp tục, tự hỏi về lý do tại sao họ lại tức giận đối với những người thân cận của họ mà không có lý do nào và vượt ra khỏi vẻ bề ngoài để tìm ra những kẻ đang thúc đẩy bạo lực trên thế giới này cũng như những kẻ kiểm soát và hưởng lợi nhuận từ việc buôn bán vũ khí và đạn dược .

Các quốc gia được gọi là Kitô giáo hưởng lợi từ việc buôn bán vũ khí và đạn dược

Đề nghị chúng tôi truy cập trang web của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Linh mục Prakash nói, “quả thực hết sức dễ dàng để có thể nhận ra rằng các nhà sản xuất vũ khí và đạn dược hàng đầu đều có trụ sở tại các quốc gia Kitô giáo”.

“Chúng ta xử lý việc này thế nào đây? Và thực tế là phần lớn bạo lực đang diễn ra tại các quốc gia được gọi là Kitô giáo? Và nhiều trường hợp bạo lực đã gây ra đối với những người bên cạnh của chúng ta? Và điều này quả là đáng kinh ngạc”, Linh mục Prakash nói.

Không có tôn giáo nào ủng hộ vấn đề bạo lực và không khoan dung

Nhận định về thực tế rằng mọi người đã bị dán nhãn theo tôn giáo của họ trong khi chẳng có tôn giáo nào chủ trương bạo lực, linh mục Prakash lưu ý có những người “lạm dụng hoặc hiểu sai” tôn giáo để hợp pháp hóa những hành vi tà ác cá nhân của họ. Điều này, linh mục Prakash nói, “không thể được chấp nhận”.

“Hãy đón nhận người khác với tinh thần bác ái, với lòng thương xót, với tình yêu, trong khuôn khổ của công lý”, linh mục Prakash kết luận, “ngõ hầu chúng ta có thể thực sự làm cho thế giới của chúng ta trở nên một nơi tốt đẹp hơn”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết