Bởi vì ĐTC Phanxicô chuấn bị đến Myanmar và Bangladesh để thực hiện chuyến tông du thứ 20 của mình, phần lớn sự chú ý của giới truyền thông thế tục tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở biên giới giữa hai nước.
Kể từ cuộc đàn áp của quân đội Myanmar vào các nhóm vũ trang ở miền bắc bang Rakhine vào hồi tháng Tám vừa qua, hàng trăm ngàn người tị nạn đã phải chạy trốn qua sông Naf vào các trại tạm thời ở Bangladesh. Các quan chức LHQ đã miêu tả hành động quân sự này như là một hành động ‘thanh trừng sắc tộc’ đối với những người Hồi giáo Rohingya đến từ các quốc gia mà Phật giáo chiếm đa số, thế nhưng chính phủ Myanmar đã phủ nhận các cáo buộc.
Đức Ông Robert Vitillo là Tổng Thư Ký của Ủy ban Di dân Công giáo Quốc tế (ICMC) có trụ sở tại Geneva. Vào thời điểm đỉnh cao của cuộc khủng hoảng, tổ chức của Đức Ông Vitillo đã kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ cho việc hỗ trợ những người phải chạy trốn khỏi cảnh bạo lực. Nhưng Ngài đã nói với Philippa Hitchen, công tác viên Vatican Radio, rằng ICMC đã làm việc với nhóm thiểu số này trong nhiều năm trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu …
Đức Ông Vitillo cho biết ICMC có một lịch sử lâu dài với những người tị nạn Rohingya. Tại Malaysia, ủy ban này có một chương trình đặc biệt dành cho hàng nghìn nạn nhân của bạo lực tình dục và bạo lực dựa trên giới tính, giúp đỡ họ với những nhu cầu về việc thuê nhà và sinh hoạt hàng ngày, đồng thời cung cấp các liệu pháp trị liệu cho những người đã bị lạm dụng. ICMC cũng giúp họ tìm kiếm công ăn việc làm và đồng thời khuyến khích những người tị nạn để tự bắt đầu một đường dây trợ giúp và chương trình giáo dục bởi vì phần lớn trẻ em không thể vào các trường học địa phương.
Đức Ông Vitillo đã nhấn mạnh ‘tình hình bi thảm’ của họ như là những người không quốc tịch, khiến cho họ khó có thể có được bất kỳ cơ hội tái định cư vĩnh viễn nào. Đức Ông Vitillo cũng nhấn mạnh tình hình của họ đã lan rộng bởi vì “sự không khoan dung tôn giáo và chúng ta cần phải chấm dứt điều đó”, đồng thời thu hút nhiều sự chú ý hơn đến các nhóm tôn giáo thiểu số đang bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới và mời gọi tất cả mọi người để mở ra những cánh cửa cho những người này.
Mặc dù có nhiều hình thức khác nhau đối với những nguyên nhân gây ra các cuộc xung đột, nhưng Đức Ông Vitillo cho biết rằng điều quan trọng đó là “nhìn vào nhu cầu của người dân ngay chính lúc này”.
Những người tị nạn, Đức Ông Vitillo nói, cần nhiều hơn nữa ngoài sự hỗ trợ nhân đạo vốn đang được thực hiện tại Bangladesh và Thái Lan. Chúng ta cần phải tìm kiếm các giải pháp lâu bền hơn và đồng thời mở ra thêm nhiều cơ hội cho việc tái định cư, nhưng điều này quả thực là hết sức khó khăn khi các quốc gia tiếp tục đóng cửa.
Nếu chúng ta tin vào phẩm giá con người, Đức Ông Vitillo kết luận, chúng ta phải giữ cho con người luôn luôn là trọng tâm của mọi lợi ích chính trị và đồng thời tạo một sự thay đổi trong cách thức chúng ta đối xử với những người tị nạn và những người nhập cư.
Minh Tuệ chuyển ngữ