Huyết lệ Cồn Sẻ

Không chỉ người dân Miền Trung, nếu hỏi bất cứ ai trên đất nước Việt Nam khốn khổ trong thời điểm này về biển, về cá, về Formosa, câu trả lời đều là: Bao giờ biển sạch? Bao giờ cá hết nhiễm độc? Bao giờ mới ra khơi? Bao giờ mới nhận được  bồi thường và bao giờ Fomosa mới đóng cửa và phải ra tòa, cùng với những quan chức có liên hệ để trả lời trước công lý về sự tắc trách, nếu không nói là tội ác đối với dân tộc, đối với môi trường Việt Nam?

Bao giờ cho đến bao giờ? Câu hỏi chính đáng có tầm mức hệ trọng đến vận mệnh quốc gia ấy đã trở nên “nguy hiểm” cho bất cứ người nào dám nêu lên.

cồn sẻ 5

Một giáo dân Cồn Sẻ bị đánh trọng thương khi tham gia biểu tình vì biển trưa ngày 7/7/2016. Ảnh: Thuan Van Bui

Và điều ấy đã được minh chứng vào ngày 07.07.2016. Cả nghìn người xuống đường tuần hành trong ôn hòa với mục đích yêu cầu nhà cầm quyền đóng cửa khu công nghiệp Formosa, nguyên nhân của thảm họa môi trường, đã bị lực lượng công an đàn áp, làm bị thương bốn giáo dân giáo xứ Cồn Sẻ, Giáo Phận Vinh, thuộc xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Có quá đáng và bất công không, khi những người dân nghèo cùng quẫn mang những ước mơ chân chính nhất, có lợi cho dân tộc và sự tồn vong của quê hương lại bị trấn áp như  bọn tội phạm, đang khi chính bọn tội phạm với tổ quốc lại nhởn nhơ và được chính quyền bao che?

Có quá đáng và bất công không, khi người dân thấy luật pháp thay vì để bảo vệ người dân, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ công ích, lại không còn tuân theo sự công minh, không chọn theo lẽ phải mà trở nên những sự ràng buộc có tính quy chụp bất cứ ai dám phản kháng, bằng những thứ luật lệ mơ hồ và sai trái, đi ngược lại với các quyền của con người, ngược lại với lợi ích người dân và Quốc gia của chính quyền, những thứ luật được đặt ra với chỉ một mục đích duy nhất là bảo vệ chế độ độc tài này?

Có ai lại không quặn đau khi nhìn thấy một xã hội hỗn độn, làm mất lòng tin, triệt tiêu những hy vọng chính đáng, lạnh lùng vùi dập những ước mơ, nhẫn tâm tước đoạt một trong những quyền căn bản nhất của con người là Quyền được sống?

Đông Yên hôm qua, Cồn Sẻ hôm nay và còn nhiều Đông Yên khác, Cồn Sẻ khác trong tương lai, đó có phải là chuyện dài của “loài giun xéo quá cũng oằn?”

Ai cũng có một cuộc sống, cũng muốn vun đắp cho cuộc sống tốt đẹp; ai cũng có những ước mơ, cũng muốn có một tương lai sáng lạn, nhưng sống làm sao, ước mơ thế nào và tương lai sẽ ra sao khi giờ đây, biển chỉ còn những con sóng rì rào như những tiếng nấc nghẹn ngào, tiếc nuối cho một thời đã qua, tràn đầy tiếng cười vui của những ngày tầu bè cập bến với những khoang đầy tôm cá? Và những ngư dân đấy, những người con của biển đấy đang trải nghiệm được sự khủng khiếp về cơn hấp hối của biển. Đất cũng không còn nguyên vẹn, nước cũng cạn kiệt, thì còn gì là “Đất Nước?!”. Nguồn sống của biển không còn, dân cũng phải tha hương cầu thực, còn gì là quê hương?! Quê hương không còn thì Tổ quốc này là của ai và sẽ thuộc về ai?

“Người hỡi người”, vì sao ngươi lại đẩy người dân của ngươi vào cảnh khốn cùng, gây tang thương cho quê hương gấm vóc, và hủy hoại Tổ quốc hào hùng với bốn nghìn năm văn hiến như vậy?

“Người hỡi người”, vì sao ngươi đánh đổi bao sinh mạng của người dân, đánh đổi sự thật và lẽ công bằng để lấy những đồng tiền lạnh lùng tanh “máu và nước mắt”? Lá rụng về cội, cội nguồn ngươi ở đâu hay chính là mớ tiền nhơ nhớp ấy?

Trong tiếng rên rỉ nấc nghẹn của biển đang hấp hối hôm nay, hòa quyện vào đó là những tiếng kêu than của người dân Cồn Sẻ, phải chăng là báo trước cho cơn hấp hối của một dân tộc vô cảm ngay cả trước sinh mệnh của chính mình, hoặc đó là tiếng động vỡ ra từ sự rạn nứt gông cùm của những người không cam tâm chịu đựng kiếp lầm than, thà thắp lên một ngọn lửa còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối?

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết