Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR đã lên án Hungary vì đã gửi hàng ngàn lực lượng an ninh bổ sung tới vùng biên giới phía Nam tiếp giáp với Serbia nhằm ngăn chặn làn sóng những người nhập cư đang phải chạy trốn chiến tranh và nạn nghèo đói.
Số lượng ngày càng tăng của những người dân hiện đang bị mắc kẹt bởi điều mà Liên Hiệp Quốc gọi là một tình trạng thảm khốc tại biên giới giữa 2 quốc gia Serbia-Hungary do Hungary đã ngăn chặn việc nhập cảnh của làn sóng những người dân nhập cư nơi đây.
Chính phủ Hungary cho biết hiện có khoảng 10.000 cảnh sát và binh sĩ phong tỏa vùng biên giới phía nam tiếp giáp với Serbia.
Các biện pháp mới được hỗ trợ bởi ông Viktor Orbán – vị Thủ Tướng chống di cư của Hungary – cho phép các lực lượng Hungary được sử dụng mọi biện pháp để ép buộc tất cả những người di cư phải trở về Serbia bất kể họ thuộc tầng lớp hay địa vị xã hội nào trong trường hợp họ đang bị giam giữ hay bị ngăn chặn bởi các lực lượng trong vòng 8 km từ biên giới.
Ông János Lázár – Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ Hungary – đã có những động thái ủng hộ những chính sách này: “Việc ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề quan trọng đối với Hungary. Việc thi hành những chính sách như thế không chỉ nhằm bảo vệ châu Âu nhưng trước hết chúng ta đang bảo vệ chính mình. Và chúng ta cần phải đảm bào một điều rằng: Không ai có thể nhập cư vào Hungary mà không bị kiểm tra danh tính. Chỉ có những ai được các quốc gia bên kia biên giới cấp phép thì mới được ở lại quốc gia này.”
Cảnh dân chúng lầm than…
Serbia đã cáo buộc Hungary vi phạm luật pháp quốc tế qua việc ngăn chặn và buộc những người nhập cư đang phải chạy trốn chiến tranh và nạn nghèo đói phải về nước. Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR cho biết các biện pháp ngăn chặn trên đã dẫn đến con số 1.300 người phải mắc kẹt ở biên giới 2 quốc gia Serbia-Hungary, nhiều người trong só đó không có chỗ ở và các điều kiện vệ sinh môi trường.
Hôm thứ Năm, một cậu bé Afghanistan 10 tuổi đã qua đời trong một tai nạn chết đuối xảy ra gần đó. Trước đó một thanh niên Syria cũng đã bị chết đuối sau khi anh ta và một số người khác đã bị một viên cảnh sát Hungary xô té xuống sông.
Ông Babar Baloch – phát ngôn viên của UNHCR – đã phát biểu với Vatican Radio rằng nhiều người tuyệt vọng vẫn đang cố gắng để chui qua những hàng rào kẽm gai dọc biên giới Hungary.
“Chính sách hạn chế này đang đẩy những người tị nạn trở thành nạn nhân của nạn buôn lậu người và buôn người. Và bằng chứng là mỗi ngày chúng ta thấy khoảng 100 người tị nạn đang cố gắng xin quyền tị nạn ở Hungary khi họ tìm cách vượt qua những hàng rào kẽm gai”, ông cho biết.
Văn phòng Thủ tướng Hungary thừa nhận với Radio Vatican rằng có hơn 23.000 người tị nạn đã xin tị nạn ở Hungary chỉ tính riêng năm nay, nhiều người trong số họ đã vượt qua biên giới Serbia để đến Hungary một cách bất hợp pháp.
Cảnh những người tị nạn mòn mỏi đợi chờ…
Chỉ có một số ít đón nhận những người tị nạn: năm ngoái, có tới 400.000 người di cư đã vượt qua Hungary, nhưng chỉ có khoảng 500 người trong số họ nhận được sự bảo vệ quốc tế ở đây.
Những người tị nạn bị mắc kẹt ở Serbia cho biết họ không có lựa chọn nào khác khi họ vẫn đang tìm mọi cách để đến được Tây Âu. “Một số người đã phải cố gắng tới 9, hay 10 lần hoặc 5 lần. Và tôi đã cố tới 2 lần. Nhưng chúng tôi đã thất bại và chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Và chúng tôi đang phải cân nhắc chúng tôi nên làm gì lúc này”.
Lo sợ một làn sóng mới của những người di cư từ Hungary, quốc gia Áo láng giềng đã thiết lập những biện pháp kiểm soát biên giới mới, đã tạo ra một phản ứng giận dữ từ chính phủ Hungary, từ đó dẫn đến những biện pháp tương tự cũng đã được thiết lập tại quốc gia này.
Bất chấp những căng thẳng, ứng viên tổng thống của Áo – ông Norbert Hofer – thuộc phe cực hữu và chống di cư cho biết rằng ông không muốn đất nước mình rời khỏi Liên minh châu Âu, và dường như điều đó đã làm suy nhược vị trí của ông trong một cuộc trưng cầu trong tương lai.
Ông Hofer đang đặt mục tiêu giành chiến thắng trong một chạy đua bầu cử tổng thống vào ngày 2/10 sắp tới.
Minh Tuệ (theo Radio Vatican)