“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Với uy quyền của Thiên Chúa, Chúa Đức Giêsu tách người ta ra khỏi môi trường sinh sống vốn có, và dựng họ lại lần nữa, bởi quyền năng của Ngài, để nên một cái gì mới: đánh cá người ta.
Lời tạo dựng này là một ví dụ nhỏ vừa gợi đến nghề nghiệp của họ, vừa ám chỉ đến lời tiên tri (Gr 16,14-16): mọi sự đều là ví dụ hướng đến một cái gì khác hẳn đã thành hình giữa chúng ta bởi “Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”.
Vấn đề Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ cả bốn Tin mừng đều có.
Các trình thuật tuy khác nhau nhiều chi tiết, nhưng nhìn chung nhấn mạnh đến ba yếu tố: lời kêu gọi của Đức Giêsu “hãy theo Tôi”, việc các môn đệ “đi theo Chúa” và sứ mạng “lưới người như lưới cá”. Riêng Mt và Mc còn nhấn đến việc môn đệ “bỏ mọi sự mà theo Chúa”.
Ngoài ra, trong trình thuật ở đây, Mt làm nổi lên sự tương đồng giữa hai việc kêu gọi, hai anh em Simon và Anrê ở đầu; và hai anh em khác là Giacôbê ở đoạn kết.
Nhưng chính yếu là việc “Người gọi các ông” và tất cả họ đi theo Ngài.
Đức Giêsu như Đức Chúa khi kêu gọi các môn đê. Khởi đầu Tin mừng hôm nay giới thiệu một cách ngắn gọn hình ảnh Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê thì Người kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên này. Tính cách ngắn gọn này tác giả muốn ta chú ý vào nội dung chính của trình thuật, cách riêng là để ý vào lời gọi của Đức Giêsu “hãy theo Tôi”.
Lời mời gọi này quan trọng bởi vì chúng có tính cách là một lệnh truyền. Bởi Đức Giêsu kêu gọi như “Chúa”, giống như Thiên Chúa kêu gọi các ngôn sứ trong Cựu ước. Ngài truyền các ông đến với mình.
Theo lời tuyên tín của Giáo hội tiên khởi, “Đức Giêsu là Chúa”. Đức Giêsu kêu gọi và hành động của bốn môn đệ này dứt khoát bỏ mọi sự lại đó, dù công việc đang dang dở, đi theo Đức Giêsu lập tức, minh chứng trước tiên cho uy thế của người kêu gọi, “Đức Giêsu là Chúa”. Nói cách khác, bốn môn đệ bỏ mọi sự, lập tức theo Đức Giêsu, lý do chính yếu bởi vì Ngài là Thiên Chúa, lời Ngài phán lập tức được thi hành mau mắn, không có điều gì hệ trọng hơn lệnh truyền của Thiên Chúa.
Như thế mối tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ khác hẳn mối liên hệ giữa các rabbi và môn sinh của họ.Một đàng môn sinh thì chọn tôn sư, còn Đức Giêsu, chính Ngài kêu gọi và chọn môn đệ, những người mà Ngài muốn (x.Ga 15,16). Với Đức Giêsu, môn đồ không hề bao giờ thành tôn sư kế nghiệp, họ luôn là kẻ “theo” Ngài. Họ không chỉ là học, là giúp việc, mà là chia sẻ đời sống thực tại của Ngài.
Trình thuật kêu gọi các môn đệ này dựa trên ký ức lịch sử, nhưng đó không phải là điều trình thuật nhắm đến. Mt muốn cho thấy, đứng trước sự cao cả của Thầy Giêsu, mọi sự kiện cụ thể ra lu mờ và mất tính cách cấp bách của nó để lộ ra mãnh lực bất khuất của Lời Chúa Giêsu nói ra.
Với uy quyền của Thiên Chúa, Chúa Đức Giêsu tách người ta ra khỏi môi trường sinh sống vốn có, và dựng họ lại lần nữa, bởi quyền năng của Ngài, để nên một cái gì mới: đánh cá người ta. Lời tạo dựng này là một ví dụ nhỏ vừa gợi đến nghề nghiệp của họ, vừa ám chỉ đến lời tiên tri (Gr 16,14-16): mọi sự đều là ví dụ hướng đến một cái gì khác hẳn đã thành hình giữa chúng ta bởi “Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”.
Ngày nay, Giáo hội vẫn để cho Lời ấy vang lên kêu gọi biết bao con người bước theo cuộc tái tạo mới. Mùa vọng này mời gọi ta khám phán Đức Giêsu, và kêu gọi ta sẵn sàng bước theo Ngài với thái độ như bốn môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay. “Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (c.20).
Đây là gương mẫu cho những ai muốn theo Đức Giêsu, họ phải tỏ ra có một sự quyết định dứt khoát. Quyết định của ta ở đây cũng cho thấy sự hiện thực của phép lạ trên bình diện “tâm linh”. Chúng thay đổi số phận của con người ta, biến ta trở thành một con người mới, con người từ nay có Thiên Chúa chứ không còn vắng bóng Người nữa.
An Tự Tâm