Hợp nhất ý ta với ý Chúa

“Khát vọng duy nhất của người miệt mài cầu nguyện là phải can đảm làm cho ý của họ hợp với ý của Chúa. Ta hãy tin chắc rằng sự hoàn thiện cao nhất mà người ta có thể đạt tới trong hành trình thiêng liêng hệ tại điều ấy. Ai khéo thực hiện công việc ấy sẽ nhận được những ân huệ lớn lao nhất từ Thiên Chúa, và người ấy sẽ tiến xa trong đời sống nội tâm” (Thánh Têrêxa)

Sự hoàn thiện của chúng ta hoàn toàn hệ tại lòng yêu mến Thiên Chúa: vì đức ái “là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Vì thế, hợp nhất ý muốn của ta với thánh ý Thiên Chúa, đó là tất cả sự hoàn thiện của tình yêu thần linh. Thật vậy, điểm chính yếu của tình yêu, như Thánh Denys l’Aréopagite dạy, chính là hợp nhất mọi ý muốn của ta với ý muốn của người yêu để chỉ còn là một ý muốn.  Như thế, một linh hồn càng hợp nhất với thánh ý Thiên Chúa thì tình yêu của người ấy càng lớn lao.

Tất nhiên, Thiên Chúa chấp nhận những việc hãm mình, suy gẫm, hiệp lễ, và những việc bác ái với tha nhân; nhưng phải làm các việc ấy như thế nào? Phải lấy ý Chúa làm tiêu chuẩn. Nếu không có ý của Chúa trong các việc ấy, thì có thể nói Người không chấp nhận những việc làm đó: Người chê ghét và thậm chí giáng phạt. Giả xử có hai người giúp việc: một người làm việc suốt ngày, không chút nghỉ ngơi, nhưng chỉ làm những gì anh muốn; người kia làm việc ít hơn, nhưng vâng lời trong mọi sự. Ai trong hai người làm vui lòng ông chủ? Chắc chắn là người thứ hai chứ không phải người thứ nhất.

Các việc chúng ta làm nhằm vinh danh Chúa sẽ ra sao, nếu chúng không hợp với ý muốn tốt lành của Chúa? Thiên Chúa không đòi những hy lễ, nhưng là thi hành những ý muốn của Người như ngôn sứ Samuen nói với vua Saun: Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng phục lời Đức Chúa không? Ngoan cố là tội ác giống như thờ ngẫu tượng (1Sm 15,23). Người ta muốn sống theo ý riêng không muốn sống theo ý Chúa, đó cũng là một cách thức thờ ngẫu tượng, bởi thay vì tôn thờ ý Thiên Chúa, thì một cách nào đó họ lại tôn thờ ý mình.

Vì thế, vinh quang lớn nhất mà chúng ta có thể mang lại cho Thiên Chúa là thực hiện những ý muốn thánh thiện của Người. Chính Đấng Cứu Độ đã cho chúng ta hay điều quan trọng ấy khi xuống thế để thiết lập vinh quang của Cha Người. “Cha đã không muốn hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Vậy con thưa Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Tv 39,7-9). Cha đã từ chối những hy lễ mà con người dâng lên; Cha muốn Con dâng lên Cha thân xác mà Cha đã ban tặng cho Con: Con đây sẵn sàng thực thi ý Cha.

Chúa chúng ta đến trần gian không phải để sống theo ý mình, nhưng chỉ sống theo ý Chúa Cha. Chính Người đã tuyên bố nhiều lần: “Tôi từ trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Đâu là dấu Người muốn cho thế gian thấy tình yêu của Người đối với Chúa Cha? Đó là việc Người vâng phục ý Chúa Cha, được thể hiện qua cái chết trên thập giá để cứu độ muôn người: “Để thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây” (Ga 4,31). Người muốn nhìn nhận bất cứ ai là anh em miễn là người ấy thi hành ý muốn của Thiên Chúa: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh chị em tôi” (Mt 12,50).

Các thánh đã không bao giờ có một mục đích nào khác ngoài việc thi hành ý Thiên Chúa: Các ngài hiểu rõ sự hoàn thiện của linh hồn không ở nơi nào khác. Thánh Têrêxa nói: “Khát vọng duy nhất của người miệt mài cầu nguyện là phải can đảm làm cho ý của họ hợp với ý của Chúa. Ta hãy tin chắc rằng sự hoàn thiện cao nhất mà người ta có thể đạt tới trong hành trình thiêng liêng hệ tại điều ấy. Ai khéo thực hiện công việc ấy sẽ nhận được những ân huệ lớn lao nhất từ Thiên Chúa, và người ấy sẽ tiến xa trong đời sống nội tâm.” Vì thế, Chúa Giêsu Kitô đã dạy chúng ta xin ơn được thi hành ý Thiên Chúa ở trần gian, như các thánh đang thi hành trên trời: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Vâng, bởi vì ai trao cho Chúa ý muốn của mình tức là trao cho Người tất cả. Qua việc bố thí, chúng ta trao cho Người của cải của ta, qua việc đánh đòn phạt xác, ta trao cho Người máu của ta, qua việc ăn chay, ta trao cho Người của ăn, chúng ta chỉ dành cho Người một phần những gì ta có; nhưng trao cho Người ý muốn của ta, là ta trao tất cả cho Người. Khi đó, chúng ta có quyền nói với Chúa: “Lạy Chúa, con là kẻ nghèo hèn, nhưng con xin trao cho Ngài tất cả những gì con có: ý muốn của con, xin thuộc về Ngài, tức con không còn gì để dâng Ngài nữa.”

Thánh Augustinô phát biểu rằng: “Chúng ta không thể dâng cho Chúa một của lễ nào đẹp lòng Người hơn là thưa với Người: Hãy chiếm lấy chúng con; chúng con trao cho Ngài ý muốn của chúng con; xin cho chúng con biết Ngài đang chờ đợi gì nơi chúng con, và chúng con sẽ thực hiện.”

Vậy, nếu chúng ta muốn hoàn toàn làm vui lòng Chúa, thì trong mọi sự, chúng ta hãy thuận theo ý của Người. Thuận theo, nói vậy chưa đủ: phải hợp nhất ý ta với những gì Thiên Chúa đã đặt định, thuận theo bao hàm ý tưởng là chúng ta đồng ý đặt ý ta dưới ý Chúa. Nhưng sự hợp nhất thì sâu xa hơn: nghĩa là chúng ta làm cho ý Chúa và ý ta chỉ còn là một; đến độ chúng ta không muốn điều gì khác ngoài điều Chúa muốn, và đến độ ý muốn của Chúa trở thành ý muốn của ta.

Đó là đỉnh cao của sự hoàn thiện mà chúng ta phải không ngừng vươn tới. Đó là đích điểm phải hướng tới của mọi việc làm, mọi ước nguyện, mọi việc đạo đức và cả những lời cầu nguyện của ta. Chính vì mục đích ấy mà chúng ta phải cầu xin sự trợ giúp của các thánh bổn mạng, các thiên thần bản mệnh và nhất là của Mẹ Maria: Mẹ chính là người hoàn hảo nhất giữa các thánh, vì Mẹ luôn sống khắng khít với ý Chúa một cách hoàn thiện không ai sánh bằng.

Cho nên, với một sự từ bỏ hoàn toàn, ta hãy trao trọn bản thân cho Thiên Chúa nhân lành; Người là Đấng vô cùng khôn ngoan, biết những gì tốt nhất cho ta; Người là Đấng vô cùng đáng mến, đã trao ban mạng sống cho ta: do vậy, Người cũng muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Ta hãy dứt khoát tin tưởng rằng, như Thánh Basile kêu gọi:“Chúa sẽ lèo lái đời ta vì lợi ích của ta, hơn chính ta có thể làm hoặc ước muốn điều ấy”.

Nguyên tác: L’Expérience de Dieu avec Alphonse de Liguori

 “Thánh Anphongsô Và Sự Kết Hiệp Với Thiên Chúa

của cha Rey-Mermet, C.Ss.R.

Người dịch: Giuse Đỗ Đình Tư C.Ss.R.

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết