Họp mặt Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế Ba Miền

DSC02167

Trong hai ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật ngày 26-27/11/2022, tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang, Giáo phận Huế, đã diễn ra Chương trình Họp mặt Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế (TSGDCCT) Việt Nam lần thứ nhất. Chương trình có sự hiện diện của cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Bề trên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Việt Nam; cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Trưởng ban TSGDCCT Việt Nam; cha Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh, Tổng cố vấn Trung ương DCCT; cùng quý cha Đặc trách và khoảng 250 anh chị em giáo dân tới từ các cộng đoàn DCCT Bắc Kạn, Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Huế, Quảng Ngãi, Tây Nguyên, Cần Giờ và Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên, sau hơn hai năm kể từ ngày phát động Chương trình Đào tạo TSGD nhằm phục vụ cho sứ mạng truyền giáo của Nhà Dòng, với trọng tâm đặt ở Nghi thức sai đi, có thể được xem như một mốc điểm quan trọng đối với những anh chị em đang dấn thân cho ơn gọi TSGDCCT.

DSC01961

Mở đầu chương trình, cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Bề trên Giám tỉnh DCCT Việt Nam, đã có lời chào tới các tham dự viên và toàn thể cộng đoàn hiện diện. Xuyên suốt trong hai nhiệm kỳ cha Giám tỉnh đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc tới các anh chị em giáo dân, tới vị trí và vai trò của họ trong việc cộng tác và tham dự vào sứ vụ tông đồ của Nhà Dòng. Chính trong mối quan tâm ấy, được sự ủy thác của Tổng Công Hội, vào ngày 15/03/2020, cha Giuse đã ký Sắc lệnh ban hành Quy chế và điều lệ thiết lập Ban TSGDCCT tại Việt Nam. Kể từ thời điểm đó đến nay, chương trình đã được triển khai cách mạnh mẽ và rộng rãi tại hầu hết các cộng đoàn địa phương trên toàn quốc bằng nhiều hoạt động thường xuyên và định kỳ như: đào tạo tại các trung tâm mục vụ, đào tạo trực tuyến, tĩnh tâm, hội thảo, họp mặt, cầu nguyện chung,… với đối tượng học viên tham gia thuộc nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh và thành phần khác nhau trong xã hội. Sau khi điểm lại những nét chính trong giai đoạn khởi động và hiệp lời cầu nguyện chung với cộng đoàn, cha Giám tỉnh đã long trọng tuyên bố chính thức khai mạc Kỳ họp mặt TSGDCCT toàn quốc lần thứ nhất.

DSC01965

Nhằm phác họa khuôn mặt người TSGDCCT và giới thiệu những điểm có liên quan được rút ra từ Tổng Công Hội XXVI vừa qua, trong phần tiếp theo của chương trình, cha Phao-lô Lưu Quang Bảo Vinh, Tổng cố vấn trung ương DCCT, đã dành thời gian chia sẻ ngắn gọn nhằm giúp cho mỗi tham dự viên có được hiểu biết căn bản và ý thức rõ ràng hơn về ơn gọi mà mình đang theo đuổi. Theo đó, dưới cái tên đầy đủ là “Các Thừa Sai Giáo Dân Của Chúa Cứu Thế Chí Thánh” (Lay Missionaries of The Most Holy Redeemer), TSGDCCT là người theo chân Chúa Giêsu Cứu Thế đem Tin Mừng Ơn Cứu Độ chứa chan đến cho những người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả. Họ được xác định là những thành viên trong Đại Gia đình DCCT; cùng với các linh mục, tu sĩ DCCT, họ là những chi thể trong cùng một thân mình thừa sai; là những cộng sự viên trong sứ vụ và chia sẻ cùng một linh đạo, cùng một đặc sủng với các tu sĩ DCCT. Ngoài ra, qua Sứ điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi toàn thể DCCT nhân dịp Tổng Công Hội XXVI, họ còn được gọi là “Những thừa sai của hy vọng theo bước chân Chúa Cứu Thế”, những người được Thần Khí thúc đẩy, khiến họ “phải hành động, phải thoát ra, và phải đi đến những vùng ngoại biên để mang theo lời rao giảng tiên khởi, kerygma, nghĩa là Tin Mừng.” Trong ơn gọi của mình, người TSGDCCT lấy lời Chúa làm ngôn ngữ giao tiếp với các anh chị em sống xung quanh, đời sống của họ có sự ăn khớp với lời mình nói; họ chọn những người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả làm ưu tiên tông đồ; và gắn bó với Chúa Cứu Thế bằng một đời sống cầu nguyện liên lỉ. Để kết thúc phần chia sẻ của mình, cha Phaolô đã dành thời gian lắng nghe và giải đáp một số thắc mắc của anh chị em giáo dân liên quan đến chương trình đào tạo; quy chế, điều lệ kết nạp TSGD; cũng như những yếu tố giúp phân biệt ơn gọi TSGD với tư cách thành viên trong những hội đoàn có tính cách tông đồ thuộc phạm vi giáo xứ.

IMG_4144

Ngay sau phần giải đáp các câu hỏi của cha Phaolô, dưới sự chủ trì của cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Trưởng ban TSGDCCT Việt Nam, khoảng 250 anh chị em TSGD khắp ba miền được chia thành 15 nhóm để bước vào phần hội thảo về đề tài truyền giáo xoay quanh ba câu hỏi:

(1) Trong hoàn cảnh hiện nay, khi thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng, anh chị em gặp những khó khăn và thử thách gì? Anh chị em có nhận ra những dấu chỉ của hy vọng nào không?

(2) Hãy chia sẻ vài cách thức hay phương pháp loan báo Tin Mừng có thể thực hiện được.

(3) Làm thế nào để các thành viên trong từng nhóm và các nhóm TSGD gia tăng tình liên đới và hiệp thông với nhau trong khi thi hành sứ vụ?

Kết thúc thời gian thảo luận kéo dài một tiếng đồng hồ, trong đó, mỗi nhóm đều có sự tham gia của các thành viên tới từ những cộng đoàn khác nhau, tất cả đã cùng trở lại nguyện đường Giáo xứ La Vang để lần lượt trình bày ý kiến của nhóm mình. Sau khi lắng nghe những ghi chép tổng hợp mà thư ký mỗi nhóm báo cáo trước cộng đoàn, cha Giuse đã đúc kết phần hội thảo này bằng cách xác định một số điểm chính yếu trong câu trả lời mà các nhóm đưa ra.

DSC01982

(1) mặc dù tới từ nhiều địa phương khác nhau vốn cách xa về mặt địa lý, nhưng dưới tác động của bầu khí xã hội hiện đại nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng, những khó khăn mà các tham dự viên gặp phải trong hành trình truyền giáo có rất nhiều điểm tương đồng. Về mặt chủ quan, mỗi người đều nhận ra những hạn chế của bản thân trong vấn đề tri thức đức tin, cũng như trong khả năng trình bày, diễn tả đức tin ấy cho những đối tượng mà mình tiếp cận. Về mặt khách quan, trào lưu tục hóa và chủ nghĩa duy vật đã ngày càng đẩy con người hôm nay ra khỏi các mối quan tâm hướng về ơn cứu độ và những nhu cầu thiêng liêng khác, khiến họ dễ rơi vào thái độ đứng bên lề tôn giáo và tỏ ra dửng dưng, lãnh cảm với Tin Mừng.

Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường với áp lực cạnh tranh cao, kèm theo những yếu tố đặc thù mang tính văn hóa, lịch sử và ý thức hệ, đã khiến các nhà truyền giáo trong bối cảnh xã hội Việt Nam phải mang lấy những gánh nặng nhất định về “cơm áo gạo tiền”, cũng như bị gây khó dễ, bị hiểu lầm, bị chống đối bởi không ít những người xung quanh, thậm chí bởi ngay chính những anh chị em thân quen trong gia đình, làng xóm. Ở nhiều địa phương, điều kiện kinh tế khó khăn, số lượng người tham gia việc tông đồ quá ít ỏi, địa bàn hoạt động rộng lớn, cùng với những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, cũng gây ra nhiều thách đố cho những người đã và đang tham gia lên đường loan báo Tin Mừng. Mặc dù vậy, bất chấp những khó khăn như vừa nêu, có một điểm chung tích cực có thể thấy rõ trong nhận định mà các tham dự viên đưa ra, đó chính là những dấu chỉ của hy vọng được biểu lộ nơi bản thân mỗi người, nơi những anh chị em được ơn hoán cải và trở về với Chúa mà họ có dịp cộng tác, giúp đỡ.

(2) Qua chính những dấu chỉ của hy vọng ấy, mỗi người cũng tìm ra những cách thức truyền giáo khả thi và hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh sống của từng cá nhân, chẳng hạn như các hoạt động đọc kinh liên gia, tinh thần can đảm sống chứng tá đức tin giữa môi trường mình đang sống, tham gia tổ chức nghi thức an táng và cầu nguyện cho người đã qua đời, dành thời gian lắng nghe và chia sẻ lời Chúa cho những đối tượng bị tổn thương trong xã hội, hay trực tiếp và thực tế hơn, là chủ động tới từng thôn bản, khu dân cư mình sinh sống để loan báo Tin Mừng. Trong những hoạt động tông đồ này, đằng sau những nỗ lực và hy sinh của bản thân mỗi người, ai nấy cũng đều cảm nghiệm được rất rõ sức mạnh của Chúa Quan Phòng, cùng với ơn soi sáng và chỉ dẫn của Thánh Thần được ban cho cả người loan báo và người lắng nghe Tin Mừng qua lời cầu nguyện liên lỉ trong niềm phó thác, cậy trông.

(3) Sau cùng, nhằm thúc đẩy các hoạt động tông đồ và gia tăng tình liên đới, hiệp thông trong và giữa các nhóm TSGD, các tham dự viên đều mong muốn duy trì các lớp sinh hoạt trực tuyến; nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức trong các sinh hoạt nội bộ định kỳ; đồng thời, tổ chức các kênh liên lạc và những dịp họp mặt có sự quy tụ của TSGD tới từ nhiều khu vực khác nhau trong cả nước. Sau khi kết thúc buổi hội thảo, toàn thể cộng đoàn đã cùng nhau dự bữa cơm chung thân mật và nghỉ ngơi trước khi bước vào phiên làm việc buổi chiều.

DSC01975

Các hoạt động chiều ngày 26/11 bắt đầu với phần chia sẻ kinh nghiệm đức tin và truyền giáo của một số tham dự viên đại diện cho các nhóm TSGD trên cả nước. Đây chính là những chứng nhân của Chúa Giêsu Cứu Thế giữa một thế giới đang bị tổn thương và khao khát ơn cứu độ. Những chứng nhân này, mặc dù thuộc nhiều sắc tộc, độ tuổi, nghề nghiệp và hoàn cảnh khác nhau, nhưng có thể nói, đều biết tận dụng những ân huệ Chúa ban và đáp lại lời mời gọi của Người để can đảm lên đường “làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” Những gương sáng này không chỉ khiến cho những ai lắng nghe phải cất lời ngợi khen Thiên Chúa, nhưng còn trở thành nguồn cảm hứng và khích lệ tinh thần cho những ai chưa thực sự sẵn sàng. Tiếp sau phần chia sẻ bổ ích và cảm động của họ, các tham dự viên đã dành ít phút chuẩn bị trước khi bước vào Thánh lễ đồng tế và lãnh nhận Nghi thức sai đi cùng với huy hiệu và nến sáng.

DSC02033

DSC02059

DSC02136

Như vậy, sau khoảng thời gian hai năm có thể được xem như giai đoạn phân định ơn gọi, các TSGDCCT đã chính thức bước vào khởi điểm cho một giai đoạn mới với những kỳ vọng và trách nhiệm lớn hơn. Đứng trước biến cố đầy ý nghĩa này, vào lúc 20 giờ tối cùng ngày, cùng với quý cha Đặc trách, họ đã cùng nhau quy tụ trước linh đài Đức Mẹ La Vang để dâng lên Mẹ tràng chuỗi Mân Côi nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ, ban thêm sức mạnh và chúc lành cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội nói chung, cũng như cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của DCCT và từng cá nhân, cộng đoàn nói riêng. Đây cũng là sinh hoạt chung cuối cùng của các TSGD ba miền trước khi chia tay nhau để trở về địa phương của mình vào 8g30 sáng ngày Chúa Nhật 27/11.

DSC02119

Như vậy, sau thời gian hai ngày ngắn ngủi bên nhau giữa La Vang linh thiêng với biết bao cảm xúc, các TSGDCCT đã chính thức được Nhà Dòng sai đi loan báo Tin Mừng như những thừa sai của hy vọng theo bước chân Chúa Cứu Thế. Xen kẽ giữa những giờ phút cầu nguyện, hội thảo và Thánh lễ, họ cũng đã có đủ không gian và thời gian dành cho nhau, tuy không nhiều, để làm quen, động viên và chia sẻ với nhau những buồn vui trong đời sống đức tin và sứ mạng truyền giáo. Hy vọng rằng, với những gì đã cảm nghiệm và lãnh nhận trong kỳ họp mặt lần này, khi trở về các cộng đoàn địa phương, trở về với gia đình và môi trường mình đang sống, các anh chị em TSGD sẽ ngày càng thêm can đảm trong đời sống chứng nhân, thêm nhiệt thành khi thi hành sứ vụ; với ý thức rõ ràng về ơn gọi và trách nhiệm được giao, họ sẽ quảng đại hy sinh thời gian, sức lực để trở nên những cộng sự viên tích cực cho các tu sĩ DCCT là những người, cùng với họ, làm nên một thân mình thừa sai.

DSC02174

Nguyện xin Chúa Giêsu Cứu Thế, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang, luôn đồng hành, soi sáng và nâng đỡ anh chị em TSGDCCT, giúp họ trở nên những những thừa sai đích thực, trong tinh thần linh đạo và đặc sủng DCCT, đem Tin Mừng cứu độ đến cho những người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả giữa một thế giới đang bị tổn thương.

“Như Cha sai Thầy, thầy cũng sai anh em. Mau mau lên đường loan báo Tin Mừng Thiên Chúa. Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Sống giữa muôn người làm chứng cho tình yêu…”

Augustinô Phạm Văn Khải

TSGDCCT Hà Nội.

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết