Tại cuộc họp báo về Thượng Hội đồng hôm thứ Năm, một số tham dự viên đã chia sẻ suy tư của họ về các chủ đề đang được thảo luận tại Đại hội đồng, trong đó có lời cầu nguyện cho tình hình nghiêm trọng tại Trung Đông.
Trung Đông, Ukraine, Iraq, Châu Phi: Cầu nguyện cho hòa bình hiệp nhất Giáo hội trên toàn thế giới.
Đây là thông điệp từ Thượng Hội đồng về Hiệp hành theo bản tóm tắt cập nhật tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Những người phát biểu vào chiều thứ Năm đã bày tỏ sự cấp bách của việc cùng nhau bước đi trong cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hóa.
Sức mạnh của lời cầu nguyện cho hòa bình
Trong số những người mang những lời chứng của mình đến với các nhà báo có mặt là Margaret Karram, Chủ tịch Phong trào Focolare, một người Công giáo Ả Rập gốc Israel và Palestine.
Bà Karram nói với các nhà báo rằng lời cầu nguyện vào sáng thứ Năm tại Thượng Hội đồng là “một khoảnh khắc rất mạnh mẽ”, bởi vì “kể từ khi chiến tranh nổ ra, trái tim tôi tan vỡ và tôi tự hỏi mình đang làm gì ở Thượng hội đồng này. Hiệp ý cầu nguyện cùng với mọi người là một khoảnh khắc hết sức sâu sắc”.
Theo Margaret Karram, cần có nhiều nỗ lực cho hòa bình, nhưng “sức mạnh của lời cầu nguyện là vô cùng quan trọng”.
“Kinh nghiệm này dạy tôi ý nghĩa của việc cùng nhau bước đi, đối thoại, để cho mình được khuyến khích bởi những người khác, và tính hiệp hành không chỉ là một phương pháp luận, nó phải trở thành một lối sống của Giáo hội: lắng nghe người khác với sự tôn trọng, ngoài những ý kiến khác nhau”, bà Karram nói.
Hiệp ý cầu nguyện với toàn thể thế giới
Sau đó, Chủ tịch Phong trào Focolare đã trích dẫn nhiều sáng kiến cầu nguyện liên tôn được thực hiện trong những ngày gần đây, bao gồm cả trên các nền tảng kỹ thuật số, để thu hút càng nhiều tín hữu trên khắp thế giới.
“Hôm trước (ngày 10 tháng 10) cũng đã có một sự kết nối với Ukraine. Chúng tôi đã đồng ý gặp nhau vào cùng một thời điểm để cùng nhau cầu nguyện thông qua sáng kiến Living Peace, đồng thời chúng tôi cũng yêu cầu những cử chỉ liên đới cụ thể đối với anh em các tôn giáo khác cùng với cam kết ký lời kêu gọi hòa bình gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới”.
Những việc tốt đẹp không gây ồn ào
Những việc lành tốt đẹp không gây ồn ào; người ta chỉ nói về sự hận thù; nhưng bà Margaret Karram rất muốn chỉ ra rằng ở Israel nhiều người lo ngại về việc xây dựng cầu nối với những người sống ở Gaza.
“Tôi có một người bạn Do Thái”, bà Margaret Karram tâm sự, “người đã quyết định cầu nguyện vào cùng thời điểm với những người Hồi giáo để hiệp nhất với họ trong lời cầu nguyện”.
Bị thúc giục bởi những câu hỏi từ báo chí, Chủ tịch Phong trào Focolare đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp hành động để các cuộc đàm phán có thể được nối lại và có thể cảm nhận được tính cấp bách của việc giải quyết cuộc xung đột này.
“Vẫn còn quá nhiều sự im lặng. Chỉ tiếng nói của tôi thôi thì sẽ không mang lại kết quả; cần có sự cam kết của tất cả mọi người để thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và sự hòa giải giữa các dân tộc”.
Châu Phi và Tính Hiệp hành
“Tính hiệp hành là một phần của văn hóa châu Phi, bởi vì chúng tôi luôn làm mọi việc cùng nhau như một gia đình”, theo Đức Tổng Giám mục Andrew Nkea Fuanya Địa phận Bamenda, Cameroon, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám mục nước này.
“Tôi thiết nghĩ Thượng Hội đồng này là một niềm an ủi rất lớn đối với Châu Phi”, Đức Tổng Giám mục Fuanya nói. “Bởi vì với những vấn đề chúng tôi gặp phải ở Châu Phi, đôi khi chúng tôi cảm thấy bị cô lập và bị bỏ rơi. Nhưng đến với Thượng Hội đồng, chúng tôi cùng với phần còn lại của Giáo hội hoàn vũ ngồi xuống và cùng nhau cầu nguyện cho những vấn đề đang diễn ra ở Châu Phi, và đặc biệt là cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến tranh”.
Và vị Giám chức cho biết thêm: “Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội rất tuyệt vời để Châu Phi ghi dấu ấn riêng của mình trong Thượng Hội đồng”. Liên quan đến chiến tranh, Đức Tổng Giám mục Fuanya tuyên bố với sự xác quyết: “Chiến tranh không bao giờ có thể là giải pháp”.
Tin Mừng hiệp nhất các ngôn ngữ khác nhau
Nữ tu Caroline Jarjis, một bác sĩ tại trung tâm y tế Baghdad và là một Nữ tu thuộc Tu hội Nữ tử Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng có kinh nghiệm của việc trở thành một gia đình tại Thượng Hội đồng.
Sáng ngày 12 tháng 10, cùng với các tham dự viên khác, Nữ tu Jarjis đã đọc Tin Mừng bằng ngôn ngữ của mình, tiếng Ả Rập, và hết sức ngạc nhiên khi thấy mọi người đều hiểu được lời của mình.
“Thiên Chúa hiện diện trong công việc chúng tôi đang thực hiện tại Thượng Hội đồng. Ngài đã chọn chúng tôi và chuẩn bị cho chúng tôi trước khi đến Rôma”, Nữ tu Jarjis nói. “Cùng với nhau, chúng tôi đang có kinh nghiệm của những Kitô hữu tiên khởi đã chia sẻ mọi thứ với nhau”.
Chứng tá của các vị tử đạo Iraq
Cái nhìn của Nữ tu Jarjis truyền tải niềm hy vọng, mặc dù Sơ không che giấu những dấu hiệu của 20 năm đau khổ ở đất nước của mình.
“Tôi đến từ một đất nước đang có chiến tranh, nơi mà các Kitô hữu chỉ là một nhóm thiểu số, nhưng sự phong phú của Giáo hội của chúng tôi được mang lại nhờ sự hiện diện của các vị tử đạo. Máu của họ”, Nữ tu Jarjis nói với các nhà báo, “mang lại cho chúng tôi động lực để tiếp tục, và tôi sẽ trở về quê hương với một sức mạnh lớn hơn nhờ kinh nghiệm hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ”.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Nữ tu người Iraq bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với quyết định của Đức Hồng Y Louis Raphael Sako về việc rút khỏi trụ sở của Tòa Thượng Phụ Baghdad sau quyết định của Tổng thống Rashid thu hồi sắc lệnh đối với Giáo hội Chaldean công nhận Đức Hồng Y Sako là người đứng đầu cộng đồng Kitô giáo ở đó, chịu trách nhiệm về tài sản của Giáo hội.
“Thật đúng đắn khi được sống với phẩm giá của những Kitô hữu ở vùng đất tử đạo: chúng tôi không phải là những công dân hạng hai”, Nữ tu Jarjis nói.
Cuộc hành hương đến các hang toại đạo
Vào chiều thứ Năm, các tham dự viên tham gia Thượng Hội đồng đã được mời hành hương đến hàng toại đạo của Thánh Sebastian, nơi được biết đến là nơi lưu giữ tạm thời các thánh tích của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, cũng như hang toại đạo của Thánh Callistus và Thánh Domitilla.
Vào sáng thứ Sáu, sau Thánh lễ tại Bàn thờ Ngai tòa Thánh Phêrô ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, do Đức Hồng Y Ambongo Besungu chủ sự, Đại hội đồng thứ 8 sẽ diễn ra. Đại hội đồng sẽ trình bày phần thứ ba của Tài liệu Làm việc với chủ đề: “Tinh thần Đồng trách nhiệm trong sứ mạng: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân sủng và nhiệm vụ trong việc phụng sự Tin Mừng?”.
Trước đó, với Đại hội đồng thứ 7 vào chiều thứ Tư và sáng thứ Năm với Phiên họp thứ 6 của các nhóm nhỏ và việc chuyển các báo cáo cho Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, công việc về mô-đun thứ hai – dành riêng để nói về đề tài “Hiệp thông” – đã kết thúc.
Chủ đề của Đại hội đồng thứ 7
Hôm thứ Tư, 343 thành viên đã có mặt tại hội trường, trong đó có 36 người phát biểu. Trong số các chủ đề nổi lên có đối thoại liên tôn và liên văn hóa; tác động của chủ nghĩa thực dân đối với các cộng đồng bản địa; tầm quan trọng của Bí tích Hòa giải, vốn cho phép chúng ta được đón nhận nếu chúng ta xin ơn tha tội; và lắng nghe và thu hút sự tham gia của giới trẻ trong niềm khát khao được gặp gỡ Chúa Giêsu.
Về vấn đề này, trong cuộc họp báo, Đức Tổng Giám mục Nkea Fuanya đã chia sẻ kinh nghiệm của Giáo phận của ngài, nơi mà trong năm dành riêng cho Bí tích Thánh Thể năm nay, mỗi Giáo xứ đang chuẩn bị một nhà nguyện dành riêng cho việc Chầu Thánh Thể vĩnh viễn.
Trọng tâm công việc của Thượng Hội đồng là hình ảnh Mẹ Têrêsa Calcutta và công việc chăm sóc bệnh nhân; tính cấp bách của cam kết của các nhà lãnh đạo Công giáo trong việc thúc đẩy hòa bình; bi kịch của những người phụ nữ bị gạt ra bên lề xã hội ở các khu vực ngoại vi; và nhu cầu hội nhập và lắng nghe trong đời sống của Giáo hội.
Thượng Hội đồng và Đức Maria
Cuối cùng, Chủ tịch Ủy ban Thông tin, Tiến sĩ Paolo Ruffini, đồng thời là Tổng Trưởng Bộ Truyền thông, nhắc lại rằng thứ Năm là Lễ Đức Mẹ Aparecida và Đức Mẹ Pilar.
“Sáng hôm nay (ngày 12 tháng 10)”, Tiến sĩ Paolo Ruffini nói, “tầm quan trọng của hình bóng của Đức Maria của Giáo hội Hiệp hành đã được nhấn mạnh. Đức Maria là Mẹ, là giáo dân, là lời tiên tri, là đối thoại, là đặc sủng, là sự thánh thiện, là sống theo Tin Mừng.”
Thiên Ân (theo Vatican)