Hồng y Tobin: Với Trump, chúng ta đừng tiên thiên chúc lành hay chống đối

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 27-11-2016 | 05:21:23

Trong cuộc phỏng vấn, vị tân Hồng y Dòng Chúa Cứu Thế nhắc đến tình trạng chia rẽ trong Giáo hội Mỹ đang ngày càng trở nên mãnh liệt do “có những người chỉ muốn nói chuyện với người đồng quan điểm với mình”, ngài cũng nhắc đến những tù nhân là những người đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa một cách dồi dào, vì ở sau song sắt, họ không có gì để kiêu ngạo với Thiên Chúa.

20161127-hy-tobin

Hồng y Tobin từ chối “danh hiệu” “Hoàng tử Giáo hội”. Ngài cho rằng chúng ta nên chờ đợi và phân tích cẩn trọng những “quyết định cụ thể” mà Tổng thống đắc cử của Mỹ chuẩn bị đưa ra, dẹp bỏ mọi định kiến yêu ghét. Ngài nhắc đến người bà của mình, một người Ireland nhập cư vào Mỹ, chỉ cầu nguyện bằng tiếng Ireland bởi vì “bà không chắc là Thiên Chúa hiểu được tiếng Anh”. Tân Hồng y Joseph William Tobin, người mới chuyển nhiệm sở từ Tổng Giáo phận Indianapolis sang Tổng Giáo phận Newark, cho biết rằng tổng giáo phận của ngài cử hành thánh lễ Chúa nhật bằng 22 ngôn ngữ. Trong sứ vụ mới, ngài hứa sẽ sống ơn gọi của các Cha DCCT, Hội Dòng mà ngài là thành viên: “Chúng ta sẽ phải đối diện với một kinh nghiệm khác thường khi đối diện những lời mời gọi dành cho chúng ta ở khắp mọi nơi trên thế giới: loan báo tin mừng cho người nghèo, nhận ra vẻ đẹp của sự khác biệt văn hóa và tôn trọng điều đó, học cách để đón nhận Tin Mừng từ những người chúng ta phục vụ và cuối cùng, giúp mọi người ngày càng yêu mến Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất”.

Cuộc phỏng vấn diễn ra tại Via Merulana, văn phòng tại Rôma của Scala News, cơ quan truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế, với sự cộng tác của Carlos Espinoza.

  • Thưa Đức Tổng Giám mục Tobin, bây giờ ngài cũng là một hoàng tử Giáo hội. Có phải Giáo hội vẫn cần những vị hoàng tử hay không?

Tôi không phải là “hoàng tử” của Giáo hội, tôi không chấp nhận kiểu “danh hiệu” như thế. Tôi không tin Giáo hội cần những vị hoàng tử nhưng tôi tin rằng Giáo hội cần những nhà truyền giáo. Đó cũng là cách tôi nghĩ về bản thân. Đức Thánh Cha gọi tôi vào phục vụ trong Hồng y đoàn cũng là một lời mời gọi trở thành nhà truyền giáo.

  • Trước đây, ngài đã nói về mối nguy của sự chia rẽ trong Giáo hội Mỹ, chia rẽ theo những hệ tư tưởng khác nhau. Điều này có nguyên nhân do đâu?

Vâng, tôi nghĩ Đức Thánh Cha đã nói về điều này nhưng không dùng từ “chia rẽ”. Tôi đã dùng từ này vài năm trước đây, trong một bài nói chuyện tại Hiệp hội Thần học Hoa Kỳ, tháng 5/2014. Đó là một sự chia rẽ theo những luồng tư tưởng khác nhau. Sự chia rẽ đó lại được “củng cố” thêm bởi những người không chịu đối thoại với nhau hoặc chỉ đối thoại với những người có chung quan điểm. Cho nên, tôi nghĩ rằng sự chia rẽ này chắc chắn là một hiểm họa đối với Mỹ với vì nó đã tồn tại mạnh mẽ trong xã hội Mỹ một thời gian dài. Chỉ cần theo dõi cuộc bầu cử cũng như vận động tranh cử mới đây cũng có thể nhận thấy điều đó. Thật buồn khi những xu hướng đó cũng dễ dàng xâm nhập vào Giáo hội Công giáo.

  • Có phải ở Mỹ cũng có sự chia rẽ về quan điểm của Đức Giáo hoàng, chia Giáo hội thành phe hâm mộ và đối lập với Đức Phanxicô?

Tất nhiên, có những người chống đối Đức Giáo hoàng. Tuy nhiên, phải nói rằng ngài đã nối kết những mong ước của rất nhiều người trên thế giới. Không có gì phải nghi ngờ về điều đó. Tôi cũng chắc chắn rằng chỉ có một số ít luôn chống đối ngài. Đó là một số ít có nhiều tiếng nói, nhưng vẫn chỉ là một số ít.

  • Con đường chính trị mà cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có ảnh hưởng gì tới viễn cảnh “chia rẽ” hiện tại?

Vâng, tất nhiên thông điệp mà vị tổng thống tân cử đưa ra không phải là thông điệp giúp đoàn kết người Mỹ lại với nhau mà làm họ chia rẽ với nhau. Tôi nghĩ rằng cách nào đó ông ấy đã làm rất tốt công việc chia rẽ người Mỹ. Tất nhiên, những chia rẽ không bắt nguồn từ Tổng thống Trump. Nó đã tồn tại từ trước. Sau 20 năm sống xa Mỹ, điều làm tôi ngạc nhiên nhất khi quay lại đó là sự chia rẽ này.

  • Truyền thông đặt ông Trump và Đức Phanxicô trong tư thế đối lập nhau về vấn đề nhập cư. Ngài đã có những kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực này.

Vâng tôi nghĩ rằng tôi có kinh nghiệm đầu tiên về những người nhập cư qua việc tôi là cháu trai của những người nhập cư. Bà tôi đến từ Ireland, bà nói tiếng Anh rất tốt nhưng bà luôn cầu nguyện bằng tiếng Ireland vì bà không chắc là Thiên Chúa hiểu tiếng Anh. Khi còn là một linh mục trẻ tôi đã chuyên tâm phục vụ các cộng đồng người nhập cư. Họ phần lớn là người gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, nhưng cũng bao gồm những người Ả rập, đến từ Jordan và Syria. Gần đây nhất, khi là Tổng Giám mục Indianapolis, tôi đã bất đồng với thống đốc bang trong việc đón nhận và tái định cư những người tị nạn đến từ Syria. Cho nên, tôi nghĩ có một sự đối lập giữa lập trường của nội các mới tại Mỹ với Giáo hội Công giáo và Hội đồng Giám mục Mỹ.

  • Một số vị đại diện trong Giáo hội Mỹ cố gắng xây dựng lòng tin dành cho ông Trump, họ nghĩ rằng ông ta sẽ mang lại những thay đổi được mong đợi trong vấn đề bảo vệ sự sống. Trong khi đó, có những người lại nói rằng Giáo hội sẽ nhất quyết chống lại tân tổng thống. Ngài cho rằng đâu là lựa chọn tốt nhất?

 Thánh Phaolô truyền dạy chúng ta phải cầu nguyện cho những người lãnh đạo đất nước. Phải luôn nhớ điều đó trước tiên. Tôi không nghĩ rằng ông Trump đã có một kế hoạch rõ ràng. Những gì ông ta nói khi còn là ứng viên tổng thống vẫn còn mù mờ, liên quan đến việc bảo vệ sự sống. Hãy đợi xem sao. Tôi nghĩ rằng chúng tôi, các giám mục Mỹ, cần phải đặc biệt chú ý đến những quyết định cụ thể mà ông chuẩn bị đưa ra đồng thời phải gạt bỏ mọi định kiến. Hãy chờ đợi và xử lý những điều cụ thể.

  • Theo ngài, thánh Anphongsô sẽ nói gì về tông huấn “Niềm vui Tình yêu” trong tư cách là một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế?

Vâng tôi nghĩ rằng đầu tiên thánh Anphongsô sẽ yêu cầu chúng tôi nghiên cứu bản văn bởi vì ngài từng nói rằng một trong những vấn đề của Giáo hội là có những cha giải tội không chịu nghiên cứu và có những cha giải tội không nghe lời xưng tội. Thứ hai, phải nhớ rằng tông huấn “Niềm vui Tình yêu” là kết quả của hai Thượng Hội đồng Giám mục. Đây không chỉ là một tác phẩm do Đức Giáo hoàng ngồi một mình ở nhà để viết ra. Ngài đã hiện diện trong hai Thượng Hội đồng và sử dụng những suy tư của hai Thượng Hội đồng đó. Tôi tin đó là những suy tư được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thứ ba, tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha không đưa ra những câu trả lời cụ thể cho từng vấn đề như nhiều người vẫn mong đợi nơi tông huấn này. Thay vào đó, ngài đưa ra những suy tư luân lý, đó không phải là vấn đề “có” hoặc “không”, mà ngài đặt lại vấn đề: chúng ta biện phân ý muốn của Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta hành động theo lương tâm như thế nào? Chúng ta đối xử thế nào với những người không sống theo lề luật từng li từng tí? Tôi nghĩ thánh Anphongsô cũng không lạ gì với những vấn đề đó bởi vì trong thời đại của ngài cũng xuất hiện những vấn đề như thế và với khả năng trí tuệ của mình, ngài không chỉ nhắc đi nhắc lại những quy định nhưng còn áp dụng chúng với đức ái mục tử và lòng xót thương với những người yếu đuối”.

  • Đức Giám mục Hy Lạp Fragkiskos Papamanolis có viết một lá thư gửi tới bốn vị hồng y đã công khai những “nghi vấn” của mình đối với tông huấn “Niềm vui Tình yêu”, thúc giục họ đưa ra lời xin lỗi vì đã gây ra những xáo trộn trong Dân Chúa.

Tôi chưa đọc lá thư này nhưng tôi có nghe nói về nó và cũng có quan tâm. Tôi nghĩ rằng Đức Giáo hoàng đang củng cố một cảm thức mới xuất hiện trong Thượng Hội đồng, nhờ đó, các giám mục, trong các cơ cấu địa phương và quốc gia của mình, có thể có chất liệu suy tư, cầu nguyện và thảo luận về những vấn đề trọng đại – bao gồm những vấn đề luân lý và đức tin, thay vì chạy theo những mục tiêu của riêng mình.

  • Với kinh nghiệm mục vụ của mình, xin ngài đưa ra một cách diễn giải cụ thể về hiệu quả lời rao giảng của Đức Giáo hoàng trong suốt Năm Lòng Thương xót trên cuộc sống thường ngày của những cộng đồng Kitô mà ngài đã gặp gỡ.

Vâng tôi nghĩ rằng Tổng Giáo phận của tôi đã có những kinh nghiệm tốt lành. Họ chào đón Năm Lòng thương xót. Chúng tôi có nhiều hoạt động khác nhau được cảm hứng từ Năm Lòng thương xót. Tuy nhiên, đối tới tôi, một trong những kinh nghiệm đáng nhớ nhất là nói về lòng thương xót trong các nhà tù. Tôi thường đi đến các nhà tù trong Tổng Giáo phận và tôi cảm nghiệm rằng các tù nhân hiểu biết về lòng thương xót bởi vì họ không có gì để kiêu ngạo trước mặt Thiên Chúa. Lòng thương xót là tất cả những gì họ có thể cầu xin Thiên Chúa, và Đức Thánh Cha đã đã giúp họ hiểu rằng Thiên Chúa là đấng giàu lòng thương xót. Tôi nghĩ điều đó mang lại cho họ sự tin tưởng mạnh mẽ và tăng cường đức tin của họ trong suốt năm này. Vì tôi thường đi đến các nhà tù, tôi có thể nhìn thấy sự thay đổi đó nơi các tù nhân trong suốt năm qua.

Gianni Valente

P.B. chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết