Hồng y Maradiaga phê bình Hồng y Burke, Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI ca ngợi Hồng y Sarah

Trong khi vị điều phối viên của hội đồng Hồng y cố vấn ‘C9’ phê bình Hồng y Raymond Burke của Hoa Kỳ như là “một người bất mãn” vì bị mất quyền hành,  thì Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI  ca ngợi Hồng Y Robert Sarah xứ Guinea như một người bảo vệ tuyệt vời phụng vụ của Giáo  hội.

BurkeMara1-690x450

Hồng y Raymond Burke và Hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga

Cả Đức Hồng y Burke lẫn Đức Hồng y Sarah đều là các hồng y nổi bật và đôi khi gây tranh cãi. Cả hai vị đều được coi là những người bảo thủ. Nhưng gần đây một vị đã bị chỉ trích gay gắt và vị kia được ca ngợi hết lời, và cả hai lời chỉ trích hay ca ngợi đều đến từ những nguồn cấp cao trong Hội Thánh.

Vị Hồng y người Hoa Kỳ Raymond Burke đã bị Đức hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga của Honduras, điều phối viên của hội đồng cố vấn “C9” của Đức Giáo hoàng, phê bình như là “một người bất mãn” vì mất quyền hành.

Trong khi đó, Đức Hồng y Robert Sarah người Guinea, đứng đầu Bộ Phụng tự của Vatican, đã được Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khen ngợi là một người tuyệt vời trong lãnh vực phụng vụ.

Ý kiến của Đức Hồng Maradiaga về Đức Hồng y Burke đã được đưa ra trong một cuốn sách phỏng vấn mới với Cha Antonio Carriero, tựa đề “Solo il Vangelo è rivoluzionario”, do nhà Piemme xuất bản ở Ý.oscar-cover-362x555

Đức Hồng y Burke, người đã bị Đức Giáo hoàng Phanxicô bãi nhiệm vào tháng 11 năm 2014 khỏi vị trí đứng đầu tòa án tối cao của Vatican, được coi là người dẫn đầu phe bảo thủ chống lại  Tông huấn về gia đình “Amoris Laetitia” và sự mở đầu thận trọng của tông huấn này theo hướng có thể cho phép những người Công giáo đã ly dị và tái hôn dân sự rước lễ.

Ngài là một trong bốn hồng y đã đưa ra một loạt câu hỏi cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, được gọi là “dubia”, tìm cách xua tan những gì mà họ miêu tả là “mất phương hướng trầm trọng và gây bối rối” do Tông huấn “Amoris Laetitia” tạo ra.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Đức Hồng y Maradiaga tỏ ra rất thẳng thắn khi phát biểu ý kiến của mình. Đề cập đến sự chỉ trích Tông huấn “Amoris Laetitia”, Đức Hồng y Maradiaga nói: “Vị Hồng y ấy là một người bất mãn vì ngài muốn quyền lực nhưng lại bị mất quyền lực. Vị ấy đã nghĩ mình như là tòa án tối cao ở Hoa Kỳ”.

Nói về thẩm quyền giảng dạy chính thức, Đức Hồng y Marziaga nói: “Vị Hồng y ấy không phải là huấn quyền”. “Đức Thánh Cha là huấn quyền, và ngài mới là Đấng dạy toàn thể Giáo hội. Vị kia chỉ nói những suy nghĩ của mình, những suy nghĩ không đáng để nhận xét thêm”.

“Đó chỉ là những lời nói,” Đức Hồng y Maradiaga thêm, “của một người đáng thương”.

Đức Hồng y Maradiaga cũng chỉ trích các trường phái Công giáo bảo thủ mà Đức Hồng y Burke thường được xem như một biểu tượng. “Những trường phái ấy chỉ tìm kiếm quyền lực chứ không phải sự thật, và sự thật chỉ có một”, ngài nói. “Khi họ tuyên bố đã tìm thấy một số điểm ‘dị giáo’ trong giáo huấn của Đức Phanxicô, họ đang mắc một sai lầm lớn, bởi vì họ chỉ nghĩ theo người phàm chứ không như Chúa muốn.”

“Đâu là ý nghĩa của việc xuất bản các bài viết chống lại Đức Giáo hoàng, những bài viết không gây hại cho ngài mà là gây hại cho những người bình thường? Cánh hữu đóng chặt vào những điểm nhất định thì đạt được điều gì? Không có gì cả!”

“Những người bình thường đang vâng theo Đức Giáo hoàng, điều này hoàn toàn rõ ràng,” Hồng y Maradiaga nói. “Tôi thấy điều đó ở khắp mọi nơi.”

“Những người tự cao, kiêu ngạo, những người tin rằng họ có một trí tuệ cao cấp … họ nghèo biết bao! Tự cao cũng là một hình thức nghèo nàn”, Hồng y Maradiaga nói.

Ngài nói thêm: “Vấn đề lớn nhất là sự mất phương hướng trong quần chúng khi họ đọc những lời khẳng định của các giám mục và hồng y chống lại Đức Thánh Cha.”

Hồng y Maradiaga kêu gọi các vị hồng y hãy trung thành.

“Tôi nghĩ rằng một trong những phẩm chất mà chúng tôi cần phải có là sự trung thành”, ngài nói. “Thậm chí nếu chúng ta không nghĩ như nhau, chúng ta vẫn phải trung thành với Phêrô.”

Bất cứ ai không trung thành như vậy, ngài nói, “thì đều chỉ là những người tìm kiếm sự chú ý cho cá nhân mình.”

Các cuộc đụng độ công khai giữa các hồng y là rất hiếm, nhưng không phải là chưa từng có.

Ví dụ trong những năm Đức Bênêđíctô lãnh đạo Hội Thánh, Đức Hồng y Christoph Schönborn của Vienna đã công khai đề nghị Đức Hồng y Angelo Sodano người Ý, từng phục vụ với tư cách là Quốc Vụ Khanh dưới thời Thánh Gioan Phaolô II, phong tỏa một cuộc điều tra các cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại người tiền nhiệm của Schönborn, Hồng y Hans Hermann Gröer .

Trong trường hợp đó, Đức Bênêđictô XVI gọi cả hai hồng y đến một phiên họp, để, trong số những điều khác, ngài nhắc họ rằng “khi các cáo buộc được đưa ra chống lại hồng y, thẩm quyền chỉ thuộc về giáo hoàng.”

Đức Hồng y Maradiaga cũng cho rằng có thể Đức Hồng y Burke đã thất vọng về kết quả của Mật Nghị vào tháng 3 năm 2013, trong đó Đức Bergoglio đã đắc cử Giáo hoàng.

“Những ứng viên giáo hoàng khác đã giữ nguyên vị trí, còn người mà Chúa muốn chính là người được bầu”, ngài nói, “vì vậy sự bất đồng quan điểm là hợp lý và dễ hiểu, bởi vì chúng ta không thể cùng suy nghĩ y như nhau.”

“Tuy nhiên,” Hồng y Maradiaga nói, “chính Phêrô mới là người lãnh đạo Giáo Hội, và vì thế, nếu chúng ta có đức tin, chúng ta phải tôn trọng những lựa chọn và phong cách của vị Giáo Hoàng đến từ nơi tận cùng trái đất.”

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Hồng y Maradiaga nói mạnh về một vị hồng y được coi là bảo thủ.

Vào năm 2014, trong cuộc phỏng vấn với tờ Koelner Stadt-Anzeiger, một tờ báo của Đức, ngài đã kêu gọi người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, Đức Hồng y Gerhard Müller, người Đức, là hãy “linh hoạt hơn”.

Đức Hồng y Maradiaga cho rằng Đức Hồng y Müller “nhìn mọi thứ theo kiểu đen trắng phân minh”, và thêm rằng “thế giới thì không như thế, thưa người anh em của tôi.” Đức Hồng y Maradiaga cũng cáo buộc Đức Hồng y Müller đã chỉ lắng nghe nhóm cố vấn của ngài, chứ không nghe “những tiếng nói khác”.

Trong khi đó, Đức Hồng y Sarah, được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích vào tháng 11 năm 2014, đã gây phản ứng vì những quan điểm khá truyền thống của ngài về phụng vụ của Giáo hội.

Ví dụ, vào tháng Tư, nhân kỷ niệm 10 năm văn kiện Summorum Pontificum của Đức Bênêđictô XVI cho phép cử hành thường xuyên Thánh Lễ Latinh cổ xưa, Đức Hồng y Sarah đã nói đến “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, sâu sắc” trong Giáo hội mà theo ngài, một phần là do những thay đổi phụng vụ sau Công đồng Vatican II gây ra.

“Ngay cả ngày nay, có khá nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội đánh giá thấp cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà Giáo hội đang trải qua”, Đức Hồng y Sarah nói, bao gồm “chủ nghĩa tương đối trong giáo lý, luân lý và kỷ luật, những lạm dụng nghiêm trọng, khước từ và giản dị hóa Phụng vụ thánh [và] một quan điểm xã hội và chú trọng chiều ngang về sứ mệnh của Giáo Hội.”

Một nhà bình luận tự do đã cười nhạo Đức Hồng y Sarah rằng ngài chỉ ôm ấp nỗi nhớ về một “thời đại hoàng kim” đã mất.

Tuy nhiên, trong một phần lời bạt cho một cuốn sách vừa xuất bản của Đức Hồng y Sarah, Đức Bênêđíctô XVI nói rằng vị Hồng y người Guinea là một người tuyệt vời trong vị trí đứng đầu về phụng vụ thánh, và ca ngợi ngài vì đời sống cầu nguyện thâm sâu của ngài.

Hồng y Sarah, Đức Bênêđictô viết, nói về “chiều sâu thẳm của sự im lặng với Chúa, về sự hiệp nhất nội tâm với Người, và do đó thực sự có một điều gì đó để nói với mỗi người chúng ta.

“Chúng ta phải biết ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô về việc bổ nhiệm một vị thầy tâm linh làm người đứng đầu Thánh Bộ chịu trách nhiệm về việc cử hành phụng vụ trong Giáo hội,” Đức Bênêđictô viết.

Tân Thanh (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết