Hồng Kông trong tim

Các quyền tự do chính trị đã bị xóa bỏ, sự mất cân bằng xã hội ngày càng tăng, khoảng cách quá lớn giữa những người trẻ tuổi và chính quyền: ba câu hỏi cơ bản cần được ghi nhớ để thực sự hiểu những gì xảy ra ở Hồng Kông trong hai tháng nay.

HongKongAirport-848x400

Trong hơn hai tháng, câu chuyện về Hồng Kông đã chiếm trọn trái tim của hàng triệu người trên thế giới yêu thành phố này. Một cái gì đó nghiêm trọng xảy ra mỗi ngày; Chúa  nhật hàng tuần đều có biểu tình với hàng trăm ngàn người. Không ai biết nó sẽ kết thúc như thế nào. Cảm giác là tình hình đã vượt ra khỏi tầm tay tất cả mọi người. Không ai có thể kiểm soát các sự kiện và tai nạn, vốn ngày càng gia tăng về số lượng và cường độ.

Không thể nói tất cả các sự kiện, khó đề xuất các phân tích toàn diện. Các hiệu ứng đã rất ấn tượng: bạo lực như chưa từng thấy trước đây; sự can thiệp của các băng đảng mafia; sự bực tức xâm nhập các tâm hồn; tỷ lệ bạo lực trong các tình huống nguy cấp (cũng thuộc nhóm thiểu số rõ ràng trong phong trào); sự mệt mỏi từ phía đại đa số dân chúng – hợp lý và hòa bình – nhưng chưa từng được chính phủ bất tài ghi nhận. Mọi người bị chia rẽ với sự cay đắng và thù oán: họ cãi nhau trong gia đình và làm tan vỡ tình bạn.

Cho đến nay, may mắn là không có ai chết. Những người bị thương, tuy nhiên, rất nhiều, một số bị thương nghiêm trọng. Một số cảnh sát sử dụng bạo lực, như chưa từng thấy ở Hồng Kông. Ít nhất năm thanh niên đã tự sát, dường như liên quan đến cuộc biểu tình. Đau khổ tâm lý gia tăng trong thành phố và đã trở thành một vấn đề xã hội khẩn cấp. Việc sử dụng khí độc tạo ra thiệt hại đáng kể cho sức khỏe của các công dân liên quan.

Tuy nhiên, có ba câu hỏi cơ bản mà chúng ta cần phải suy nghĩ.

Thứ nhất là vấn đề chính trị. Một trong những khẩu hiệu phổ biến nhất là “giải phóng Hồng Kông là cuộc cách mạng của thời đại chúng ta”. Yêu cầu, bất khả xâm phạm, về quyền bầu cử phổ quát đã được đặt lên bàn trong nhiều năm. Yêu cầu ấy luôn bị từ chối với sự kiêu ngạo của nhà cầm quyền, thậm chí họ còn tước đoạt đi các quyền tự do đã được thiết lập. Nhưng chính sự thực khó hiểu này làm lu mờ cơ chế tự trị đặc biệt của Hồng Kông và thúc đẩy cuộc đấu tranh đòi độc lập, bất kể cuộc đấu tranh này có vô vọng đến mức nào. Nếu không có gì được cho phép, thì không thể tránh khỏi việc những người không có gì để mất buộc phải vùng lên. Các cuộc biểu tình càng tiếp diễn, những đòi hỏi sẽ ngày càng cao và sự bực tức lẫn nhau sẽ ngày càng gia tăng. Sự bế tắc cho thấy khoảng cách đã quá sâu giữa một bên là các chính phủ Hồng Kông và Trung Quốc với bên kia là tình cảm chân chính của dân chúng.

Câu hỏi thứ hai liên quan đến tình hình xã hội. Nền kinh tế thị trường tự do và không có bất kỳ sự điều chỉnh xã hội nào đã thất bại. Ở Hồng Kông, người giàu thậm chí còn giàu hơn, vượt quá mọi giới hạn có thể tưởng tượng. Đáng nói là càng ngày càng có nhiều doanh nhân đến từ Trung Quốc và ở lại Hồng Kông, và tài sản của họ cứ nhân lên gấp bội. Tại một trong những thành phố đông dân và đắt đỏ nhất thế giới, những người yếu thế nhất và những người trẻ tuổi luôn phải trả giá rất cao để được tồn tại. Ngôi nhà riêng là một giấc mơ ngày càng khó đạt được. Trong mười năm qua, giá nhà đất đã tăng 242%; suốt chín năm qua, Hồng Kông là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.

Nếu mức lương trung bình hàng tháng chỉ là dưới 2.200 euro đối với nam và 1.600 đối với nữ, thì tiền thuê trung bình hàng tháng cho một căn hộ khiêm tốn trong thành phố lại là 1.900 euro. Giá nhà trung bình cao hơn 21 lần so với tổng thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình. Người ta thường nói, và South China Morning Post gần đây cũng đã viết, rằng đối với một căn hộ nhỏ trong một tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông, bạn phải chi nhiều tiền như mua một lâu đài ở Pháp. Điều tương tự cũng đúng đối với các không gian được xây dựng để cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê. Giá thuê văn phòng đắt đỏ làm cho các công ty vừa và nhỏ không thể có lợi nhuận, và tất cả mọi thứ kết thúc trong tay của các công ty mới đến và rất phàm ăn từ Trung Quốc.

Chính phủ ở Hồng Kông cũng rất giàu có: dự trữ tài chính bằng ngoại tệ là 425 tỷ đôla Mỹ. Không có chính phủ nào trên thế giới có thể tự hào về sự giàu có như vậy. Tuy nhiên, không có đầu tư nào hữu hiệu cho một chính sách xã hội làm tăng mức lương tối thiểu khốn khổ, giúp cải thiện lương hưu, trường học và hệ thống y tế. Đặc biệt, đầu cơ bất động sản cực kỳ bất hợp lý . Các nhà quan sát lưu ý rằng ở Singapore (một thành phố tương đương với Hồng Kông), chính phủ hỗ trợ nhà ở xã hội theo cách hiệu quả hơn.

Câu hỏi thứ ba liên quan đến những người trẻ tuổi, những nhân vật chính vĩ đại của cuộc nổi dậy. Đại đa số họ biết rằng họ sẽ không bao giờ có nhà, rằng họ sẽ không bao giờ có công ty riêng, và mọi nỗ lực của họ sẽ chỉ để làm giàu cho người giàu (vốn đến từ đại lục hoặc thân đại lục). Họ thấy như đã nếm trước những hậu quả khốc liệt của thời hạn 2047 (khi quyền tự trị của Hồng Kông kết thúc); và những hậu quả ấy sẽ đột nhập vào cuộc sống của họ và cuộc sống của con cái họ. Họ có những kỳ vọng, suy nghĩ, tức giận và hy vọng mà chính phủ Hồng Kông và Trung Quốc không chỉ không lắng nghe, thậm chí còn không biết rằng những kỳ vọng và sự tức giận ấy có tồn tại. Tôi nhắc lại: điều nổi bật nhất trong câu chuyện kịch tính này là khoảng cách quá lớn giữa cảm giác của giới trẻ và chính quyền.

Đây là lý do tại sao tôi khinh miệt từ chối những lời hoa mỹ, thường xuyên trong các bài tường thuật về các sự kiện ở Hồng Kông của các nhà bình luận Châu Âu (nhất là của người Ý) về “sự kiên nhẫn của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh” đối với những đứa trẻ ngỗ nghịch ở Hồng Kông. “Bắc Kinh sẽ kiên nhẫn trong bao lâu?” Thật là một cách nói vô trách nhiệm và không đầy đủ để mô tả những gì xảy ra ở Hồng Kông. Câu hỏi nên được đảo ngược! Cũng là vô trách nhiệm khi gợi lên khả năng can thiệp vũ trang của Bắc Kinh, như thể đây là một kết quả có thể hoặc không thể tránh khỏi.

Tình hình là khó khăn, thực sự kịch tính. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Hồng Kông dường như đứng trước bờ vực, và sau đó nó đã hồi phục: năm 2003, Hồng Kông đã vượt qua cuộc khủng hoảng SARS và luật an ninh quốc gia được đề xuất; năm 1967, nó đã vượt qua cuộc khủng hoảng – rất nghiêm trọng – về những cuộc bạo loạn của Cách mạng Văn hóa; vào năm 1945, nó đã trỗi dậy trở lại sau sự chiếm đóng bi thảm của Nhật Bản vốn mang lại đói kém, chết chóc và hủy diệt.

Các giám mục và tín hữu cam kết cầu nguyện, cung cấp nơi trú ẩn cho những người gặp nguy hiểm, để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi những hậu quả của tình trạng bất ổn. Bất chấp tất cả, chúng tôi tiếp tục có cảm giác hy vọng về Hồng Kông tuyệt vời.

Gianni Criveller

Vũ Hùng chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết