Ðiều 1142: Hôn phối bất hoàn hợp giữa những người đã lĩnh bí tích rửa tội, hay giữa một người đã được rửa tội với một người không được rửa tội, có thể được tháo gỡ bởi Ðức Giáo Hoàng khi có lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai bên hay của một bên, dù bên kia phản đối.
Xin cha vui lòng cho biết cách giải quyết hôn nhân theo điều 1142 của Giáo luật năm 1983.
Giải đáp
Giáo Luật điều 1142 nói đến việc tháo gỡ dây hôn phối bất hoàn hợp cho đôi hôn nhân sau khi đã cử hành hôn phối nhưng chưa có quan hệ vợ chồng.
Hôn phối bất hoàn hợp giữa những người đã lãnh bí tích rửa tội, hay giữa một người đã được rửa tội với một người không được rửa tội, có thể tháo gỡ bởi Đức Giáo Hoàng khi có lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai bên hay của một bên, dù bên kia phản đối. (Giáo Luật điều 1142)
Có một số điểm cơ bản cần lưu ý trong câu Giáo Luật này :
– Đây là trường hợp là hôn phối bất hoàn hợp theo nghĩa là 2 người đã không hề có quan hệ vợ chồng sau nghi thức hôn phối.
– Đây là hôn nhân giữa 2 người đã rửa tội hoặc một trong hai bên đã rửa tội.
– Chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có thể tháo gỡ giây hôn phối này.
– Cần phải có lý do chính đáng để xin tháo gỡ.
– Ít nữa phải có sự thỉnh cầu của một trong hai người.
Để hiểu rõ ý nghĩa của những gì được trình bầy trong câu Giáo Luật này thiết nghĩ cũng cần phải giải thích những từ được dùng trong đó.
Thế nào là hôn nhân bất hoàn hợp ( non consummatum)?
Chắc hẳn là mọi người đều có thể hiểu được khi giải thích rằng đó là khi hai nguời không có quan hệ vợ chồng sau khi đã cử hành hôn phối không kể đến thời gian trước đó. Tuy nhiên, ý niệm hoàn hợp (consummatum) được hiểu như thế nào trong Giáo Luật ?
Câu 1061 § 1 đã cho một định nghĩa khá chi tiết :
Hôn phối hữu hiệu giữa những người đã chịu phép rửa tội được gọi là chỉ mới thành nhận, nếu chưa có sự hoàn hợp; hôn phối là thành nhận và hoàn hợp khi đôi bạn đã giao hợp với nhau một cách hợp với nhân tính. Sự giao hợp là hành động hướng đến việc sinh con, tức là mục tiêu tự nhiên của hôn nhân, và do hành động ấy đôi bạn trở nên một xác thể.
Về thể lý thì hành vi giao hợp là sự quan hệ thể xác với những yếu tố sinh lý bình thường. Do đó sự bất hoàn hợp có thể xẩy ra nếu có một sự khiếm khuyết nào đó của cơ thể thí dụ như sự bất lực nơi người nam, chứng hẹp âm đạo nơi người nữ… hay có một hành vi cố ý cản trở như dùng bao cao su, cho ra ngoài….
Còn một yếu tố nữa được đề cập đến trong câu Giáo Luật 1061 là hợp nhân tính. Yếu tố này đã không được nói đến trong bộ Giáo Luật cũ 1917. Sau nhiều bàn luận thì ý nghĩa đã được xác đinh trong Thư Luân Lưu của Bộ Phụng Tự và Bí tích ngày 20 tháng năm 1986 như sau :
Để có được sự hoàn hợp trong hôn nhân thì hành vi của đôi vợ chồng phải hợp nhân tính, chỉ cần hành vi này tỏ ra tự nguyện, miễn là được thực hiện không phải do bạo lực. Những yếu tố tâm lý để cho hành vi hợp nhân tính này dễ dàng hơn hay dễ chịu hơn là không cần thiết.
Bằng chứng của sự bất hoàn hợp
Sau khi đã cử hành hôn phối và đã có sự chung sống thì sự hoàn hợp được suy đoán là đã có (x. Giáo Luật 1061 §2). Muốn chứng minh ngược lại thì phải trưng ra những bằng chứng mạnh mẽ đủ để làm rõ về tình trạng của mình.
Có những lý chứng sau đây :
- Không có cơ hội
Bằng chứng này muốn chứng tỏ là đôi hôn nhân ngay sau khi cử hành hôn phối đã không có hoàn cảnh, thời gian, nơi chốn để thực hiện hành vi vợ chồng ( bị bắt bớ, chia cách, tai nạn…). Nếu lý chứng đủ mạnh và đủ cơ sở để tin tưởng thì không cần đến những bằng chứng khác như xét nghiệm y khoa.
- Bằng chứng thể lý
Qua xét nghiệm của các chuyên viên được Giáo Hội thừa nhận thì bằng chứng thể lý có thể xác định người nữ còn trinh nguyên hay sau khi có kết quả giám định y khoa cơ năng sinh dục của hai nguời, có thể đi đến kết luận là hành vi giao hợp của họ không thể thực hiện trọn vẹn được.
- Lý chứng luân lý
Dựa vào lời khai của cả hai bên và của các nhân chứng có thể đi đến một xác quyết luân lý, miễn là những yếu tố sau đây được lộ rõ :
– Lời khai của cả hai bên đều đồng nhất
– Nhân chứng đáng tin cậy biết rõ các bên liên hệ, nhất là những nhân chứng biết đầy đủ về trường hợp bất hoàn hợp của họ.
– Nhân chứng cung cấp được những thông tin thu thập trước thời điểm hai bên tính đến việc xin tháo gỡ hôn nhân(tempore non suspecto) vì lý do bất hoàn hợp.
Lý do chính đáng
Để thực hiện cách hữu hiệu việc ban chuẩn, Đức Giáo Hoàng cũng cần dựa trên lý do chính đáng tương xứng với việc tháo gỡ dây hôn phối này. Sau đây là một số lý do đã được coi là chính đáng:
– Sự căm ghét của đôi hôn nhân đối với nhau đến nỗi không thể giải hòa để sống chung với nhau đuợc
– Có nguy cơ tạo ra một gương mù nếu hai người kết hợp với nhau.
– Có sự cãi vã và đối đầu trong thân tộc.
– Một bên đã kết hôn về dân sự với người khác.
– Đã ly thân hoặc ly dị phần đời khiến bên vô tội không thể ở vậy mãi được.
– Tình trạng bất lực khả thể khiến bên kia không thể tiết chế được.
– Một bên đã mắc bệnh nan y sau khi cử hành hôn phối.
– Có bằng chứng phần nào vì sự thiếu ưng thuận hay ngăn trở.
– ……
Thủ tục để xin miễn chuẩn hôn nhân bất hoàn hợp
Để xin miễn chuẩn hôn nhân bất hoàn hợp phải tiến hành những thủ tục cần thiết đã được Giáo Luật qui định từ điều 1697 đến 1706 và được tóm tắt như sau :
– Ít ra là có một trong hai người đứng ra yêu cầu ơn chuẩn hôn nhân này (x. Giáo Luật đ. 1697)
– Đức Giám Mục nơi người xin có cư sở hoặc bán cư sở nhận đơn và ra chỉ thị để thẩm cứu vụ việc (x. Giáo Luật đ.1699 §1)
– Nếu đơn xin bị bác bỏ có thể thượng cầu lên Tòa Thánh (x. Giáo Luật đ. 1699 §3).
– Sau khi hoàn tất việc điều tra, thu thập bằng chứng, Đức Giám Mục sẽ cho ý kiến và chuyển tất cả hồ sơ Lên Tòa Thánh (x. Giáo Luật đ.1705 §1)
– Nếu cần bổ sung thêm gì thì Tòa Thánh sẽ cho Đức Giám Mục biết (x. Giáo Luật đ. 1705 §2).
– Chỉ có Tòa Thánh hay cụ thể là Bộ Phụng Tự và Bí Tích có thẩm quyền phán quyết về sự kiện và lý do chính đáng (x. Giáo Luật đ. 1698 §1)
– Chỉ có Đức Thánh Cha mới ban ơn chuẩn được mà thôi (x. Giáo Luật đ. 1698 §2).
– Nếu đuợc ơn chuẩn Tòa Thánh sẽ gửi về cho Đức Giám Mục. Ngài sẽ thông tri cho các đương sự và chỉ thị ghi ơn chuẩn này vào sổ rửa tội cũng như sổ hôn phối nơi các giáo xứ liên hệ.
Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích CSsR