Hơn 70 Kitô hữu bị giết hại và 20 sinh viên y khoa bị bắt cóc trong các vụ tấn công bạo lực gần đây tại Nigeria

Các vụ tấn công khủng bố ở Benue State, Nigeria, đã buộc người dân phải rời bỏ làng mạc của họ và trong một số trường hợp, tìm nơi trú ẩn trong các nhà thờ và trường học Công giáo địa phương. Trong ảnh là Nhà thờ Công giáo kính Thánh Giuse ở Yelewata (Ảnh do Cha William Shom cung cấp)

Các vụ tấn công khủng bố ở Benue State, Nigeria, đã buộc người dân phải rời bỏ làng mạc của họ và trong một số trường hợp, tìm nơi trú ẩn trong các nhà thờ và trường học Công giáo địa phương. Trong ảnh là Nhà thờ Công giáo kính Thánh Giuse ở Yelewata (Ảnh do Cha William Shom cung cấp)

Hơn 70 Kitô hữu Nigeria đã bị giết hại và 20 sinh viên y khoa Kitô giáo khác bị bắt cóc trong các vụ tấn công bạo lực riêng biệt ở bang Benue, đông nam Nigeria trong vài tuần qua.

Các vụ tấn công đã làm dấy lên lời kêu gọi từ những người ủng hộ tự do tôn giáo rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) nên chỉ định Nigeria là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC), đưa nước này vào danh sách theo dõi các quốc gia chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

Tờ The Sun của Nigeria đưa tin rằng những người chăn gia súc, với sự hỗ trợ của những tên cướp địa phương, đã tấn công ngôi làng Ayati, nơi có đông đảo các Kitô hữu ở Khu vực chính quyền địa phương Ukum, làm thiệt mạng ít nhất 74 người vào ngày 8 tháng 8.

Trong những năm gần đây, các khu vực Kitô giáo trong khu vực đã bị tàn phá bởi các vụ tấn công của những người chăn gia súc thuộc nhóm sắc tộc Fulani chủ yếu theo đạo Hồi, cũng như các vụ tấn công của các nhóm nổi loạn Hồi giáo, chẳng hạn như Boko Haram và Tỉnh Tây Phi của Nhà nước Hồi giáo. Hơn 50.000 Kitô hữu đã bị giết hại trong thập kỷ rưỡi qua — bao gồm hàng chục Linh mục Công giáo.

Ngôi Thánh đường bị phóng hỏa ở Maiduguri, Nigeria (Ảnh: ACN)

Ngôi Thánh đường bị phóng hỏa ở Maiduguri, Nigeria (Ảnh: ACN)

Theo tờ The Sun, những người chăn gia súc Fulani đã trả tiền cho bọn cướp để được vào vùng đất chăn thả gia súc. Sau khi những dân làng Kitô giáo buộc bọn họ phải rời đi, những người chăn gia súc được cho là đã quay trở lại ngôi làng để thực hiện vụ thảm sát. Bài báo lưu ý rằng cộng đồng vẫn đang tìm kiếm những người mất tích và số người chết có thể cao hơn so với báo cáo hiện tại.

Trong một vụ việc khác xảy ra vào ngày 15 tháng 8, ít nhất 20 sinh viên của Hiệp hội Y khoa Nigeria đã bị bắt cóc tại bang Benue khi đang trên đường đến dự một hội nghị do Liên đoàn Sinh viên Y khoa và Nha khoa Công giáo tại Enugu tổ chức.

Benjamin Egbo, Tổng thư ký Hiệp hội Y khoa Nigeria, đã gửi thư cho Lực lượng Cảnh sát Nigeria, kêu gọi họ hành động để “xác định vị trí và giải cứu những sinh viên bị bắt cóc”.

“Do tính cấp bách của vấn đề này và những rủi ro tiềm ẩn đối với tính mạng của những sinh viên trẻ này, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các sĩ quan của quý vị triển khai mọi nguồn lực cần thiết để đảm bảo họ được trở về an toàn và ngay lập tức”, ông Egbo cho biết. “Chúng tôi vô cùng lo ngại về sự an toàn và sức khỏe của những chuyên gia y tế tương lai này, và chúng tôi tin rằng hành động nhanh chóng và quyết đoán của Lực lượng Cảnh sát Nigeria là vô cùng quan trọng vào thời điểm này”.

Nathan Berkeley, phát ngôn viên của Viện Tự do Tôn giáo, nói với CNA rằng Nigeria là “nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với một Kitô hữu” theo nhiều nhà quan sát. Ông lưu ý đến tình trạng bạo lực của những kẻ cướp và những người chăn gia súc cùng với các nhóm Hồi giáo như Boko Haram và Tỉnh Tây Phi của Nhà nước Hồi giáo.

“Những con số về Nigeria chỉ trong vài năm qua thật đáng kinh ngạc”, ông Berkeley cho biết. “Vào năm 2022, hơn 5.000 Kitô hữu đã bị giết hại và hơn 3.000 người bị bắt cóc. Vào năm 2023, có tới 8.000 Kitô hữu Nigeria bị giết hại. Các Kitô hữu Nigeria cũng thường xuyên phải chịu sự bắt nạt và đe dọa, bao gồm cả việc bị tước đoạt đất đai và ép buộc họ phải rời khỏi khu vực”.

Bất chấp những con số này, ông Berkeley nói thêm, “chính phủ Hoa Kỳ đã từ chối nêu tên Nigeria là quốc gia đặc biệt quan ngại về vấn đề tự do tôn giáo”.

Sự thiếu hành động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Ngay trước khi tin tức về các vụ tấn công gần đây nhất nhắm vào các Kitô hữu được công khai, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã tiếp tục kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định Nigeria là Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì các hành vi vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống và liên tục.

“Chính phủ Nigeria… tiếp tục dung túng cho bạo lực trắng trợn chống lại các nhóm tôn giáo do các chủ thể phi nhà nước thực hiện…”, báo cáo của USCIRF nêu rõ. “Bạo lực này ảnh hưởng đến số lượng lớn các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo ở một số tiểu bang trên khắp Nigeria và nhắm vào cả các địa điểm tôn giáo lẫn các cá nhân từ các cộng đoàn Dòng tu”.

Theo báo cáo, các Kitô hữu tiếp tục phải đối mặt với sự đàn áp từ các chủ thể phi nhà nước, chẳng hạn như các chiến binh Fulani và phiến quân Hồi giáo mà báo cáo khẳng định chính phủ dung túng. Báo cáo cũng lưu ý rằng chính phủ Nigeria áp đặt các biện pháp hạn chế có hệ thống đối với các Kitô hữu thông qua việc thực thi luật chống báng bổ và luật hình sự Sharia ở phía bắc đất nước.

Vào tháng 1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố danh sách các quốc gia phù hợp với tiêu chí của một quốc gia CPC — nhưng Nigeria không có trong danh sách. Thay vào đó, báo cáo quy kết bạo lực là do “xung đột giữa các cộng đồng” và cạnh tranh giành tài nguyên.

Bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson và cựu ủy viên USCIRF, nói với CNA rằng vụ tấn công vào tháng 8 “chỉ là một ví dụ về một loạt các vụ tấn công khủng khiếp nhằm vào cộng đồng nông dân Kitô giáo do các chiến binh Fulani thực hiện”.

“Điều gây sốc là sau nhiều năm xảy ra những vụ tấn công như vậy, giới lãnh đạo chính phủ ở Abuja [thủ đô của Nigeria], những người đều là người Hồi giáo, lại thụ động ngồi nhìn và để cho cuộc thảm sát này tiếp tục diễn ra mà hoàn toàn dửng dưng ngoài vòng pháp luật”, bà Shea cho biết.

“Mục tiêu của cả phiến quân lẫn Abuja dường như là cưỡng bức Hồi giáo hóa miền trung Nigeria. Nigeria là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay đối với các Kitô hữu, những người đang bị nhắm đến vì đức tin của họ”, bà Shea tiếp tục. “Nhiều Linh mục và Mục sư đang bị bắt giữ làm con tin từ nhà xứ và nhà thờ của họ và bị đòi tiền chuộc và một lần nữa chính phủ không truy tố những kẻ chịu trách nhiệm”.

Douglas Burton, chủ bút của tờ Truth Nigeria và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao, nói với CNA rằng những nỗ lực nhằm giảm thiểu những xung đột này như “cuộc chiến tranh giành tài nguyên giữa nông dân và người chăn nuôi chủ yếu là sai lầm”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “đó là một cuộc xung đột từ một phí”.

“Lực lượng dân quân Fulani được trang bị vũ khí tối tân và đủ giàu có để thuê lính đánh thuê khi cần thiết”, ông Burton nói. “Các nhóm phòng thủ được gọi là những người cảnh vệ là những nhóm nông dân không chính thức chống lại các vụ tấn công bằng súng ngắn dạng trượt của họ. Chẳng có nhóm dân quân Kitô giáo nào đi lanh quanh tấn công các ngôi làng Fulani vào lúc nửa đêm”.

Ông Burton cho biết ông tin rằng việc Bộ Ngoại giao từ chối chỉ định Nigeria là CPC bắt nguồn từ lợi ích kinh tế và vật chất, về cơ bản là để “duy trì mối quan hệ thương mại hợp tác ấm cúng giữa Hoa Kỳ và Nigeria”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết