Hôm nay cả thế giới tưng bừng đón mừng lễ Giáng Sinh. Mọi người như bị hút vào trong một không gian của một “lễ hội vui vẻ”, lễ hội mua sắm, tặng nhau những món quà, mời gọi nhau tới những khu vui chơi náo nhiệt, tới những bàn tiệc thâu đêm… Không dễ phân biệt được ai là người tin, ai không tin; không dễ phân biệt đâu là nơi linh thánh, đâu là nơi phàm tục; không ai nắm được khoảnh khắc “chốc ấy” Ngôi Lời làm người…
Những người chuẩn bị tâm hồn đón nhận mầu nhiệm cao cả Con Chúa giáng trần như những mục đồng xưa kia, lạc lõng, bị gạt ra khỏi đám đông ồn ào tấp nập chạy theo những đóm sáng nhấp nháy mà không hề biết chúng là gì, dẫn mình tới đâu! Phải chăng đấy là cái “đám đông đang lầm lũi giữa tối tăm”, không chờ cũng không tìm “Ánh sáng huy hoàng” nhưng lại sẵn sàng lao mình vào trong thứ ánh sáng nhạt nhẽo, chết chóc như những con thiêu thân? (Is 9,1), để rồi đánh mất cơ hội tiếp đón Đấng đã đến cửa nhà mình? (Ga 1,11).
Người tin hôm nay tiến vào Nhà Thờ trong tư thế như những mục đồng xưa, để cung chiêm Mầu nhiệm Nhập thể, để thu thập những sự trải nghiệm thiêng liêng của Mẹ Maria và thánh Giuse, để hình thành nên kinh nghiệm riêng cho mình, vừa bằng các giác quan, vừa bằng đức tin và lòng mến.
Giữa một thế giới ồn ào, tấp nập và nhấp nháy ấy, Mẹ Maria đã thinh lặng trong sự thánh thiện, đơn sơ và chân thành, đón nhận mầu nhiệm Ngôi Lời cư ngụ trong lòng mình, đã cảm nhận sự lớn lên của một mầu nhiệm cao cả trong bản thân mình, trong cuộc đời mình, và bây giờ, được “cung chiêm” trong những cảm xúc linh thiêng sâu lắng nhất.
Làm sao hiểu thấu một nghịch lý về một vị Con Chúa toàn năng, cao trọng, Đấng vĩnh cửu, siêu nhiên, bất biến trong vinh quang đời đời lại trở nên hữu hạn, bé nhỏ, yếu ớt và dễ bị tổn thương đến như vậy, làm con mình như thế này…?. Nhưng Mẹ Maria đã nhìn với cái nhìn đức tin hoà quyện trong lòng mến thẳm sâu mà Thiên Chúa đã bày ra trước mắt Mẹ, một mầu nhiệm mà Hội thánh bảo, khi đọc đến câu: “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…” thì mọi người phải quỳ xuống, phải cúi mình như một thụ tạo đứng trước Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, nay làm người, “một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12).
Và đó là “dấu”, dấu chỉ cho người tin nhìn thấy Thiên Chúa làm người, nhìn thấy Con Người bé nhỏ, yếu ớt ấy là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu chuộc chúng ta. Ngay cả các Thiên thần cũng chưa bao giờ được thấy, và bây giờ cũng phải khiêm nhường và sửng sốt, khép nép và cung kính, cung chiêm và thần phục Đấng “xé Trời ngự xuống”; Đấng oai hùng tiến vào trong Thánh Điện của Người.
Mầu nhiệm Nhập thể phải được cung chiêm trong thinh lặng, để hình ảnh và ý nghĩa thấm nhập vào chốn thâm sâu nhất của tâm hồn và tâm trí; về vị Con Thiên Chúa đã dấn thân và nhập cuộc với con người, từ đây mang trong mình phận người, dù đó là những phận người đang trầm luân trong sự dơ bẩn, tanh hôi và tăm tối của tội, mà hang bò lừa là tượng trưng. Đấng, vốn phận là Thiên Chúa nay huỷ mình ra không, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế… (Pl 2, 6t)
Từ “vực thẳm” của kiếp nhân sinh ấy, vị Con Chúa, ôm lấy mọi phận người, đã kêu lên những lời thống thiết, trong niềm tin và hy vọng vào lượng cả đức từ bi và ơn cứu chuộc chứa chan của Thiên Chúa; và cũng từ những giây phút đầu đời trong kiếp người của Con Thiên Chúa, Người, Đức Giêsu ấy, như một lời đáp trả của Thiên Chúa, sẽ làm cho muôn dân biết được Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn như thế nào, sẽ cho mọi thời thấy được ơn cứu chuộc nơi Người chức chan biết bao (Tv 129).
Mẹ Maria, chính Mẹ là người đầu tiên đã cung chiêm vinh quang Con Chúa trong hình hài một Hài Nhi. Với mọi người, mầu nhiệm đã được giữ kín, khi tỏ rạng, phải vinh quang phải rạng rỡ, chói ngời, nhưng với những tâm hồn khiêm nhu, tín thác, như Đức Maria và cả chúng ta nữa, mầu nhiệm đã hé rạng (Tt 2,11). Một mầu nhiệm phải cung chiêm trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, mầu nhiệm vinh quang của Thiên Chúa là Tình yêu, yêu thương con người trước cả khi con người biết được mình được yêu và yêu đến mức độ nào; yêu thương đến độ có thể bị làm tổn thương, bị từ khước…
Mẹ Maria đã âm thầm, cúi xuống và lặng thinh trong một sự thinh lặng thánh để cung chiêm vinh quang Thiên Chúa Tình yêu làm người, để hiểu thế nào là Tình yêu Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi này, để cảm nhận được “vinh quang mà Thiên Chúa ban cho con người, là Con Một, đầy tràn ân sủng và sự thật”, là Hài nhi giờ đây, nằm trong máng cỏ.
Thi sỹ Tagore đã cảm nhận được mầu nhiệm ấy và đã diễn tả qua những dòng thơ:
“Hãy thinh lặng và cúi xuống tới tầm vóc của Ngôi Lời Nhập Thể.
Lòng cung kính của con,
không cúi sâu được tới mức thẳm sâu,
nơi Chúa dừng chân, giữa những người rất nghèo nàn,
nhỏ bé và lạc lõng.
Nơi nào không có kiêu căng và ám ảnh,
chính là nơi Chúa bước đi,
trong dáng vẻ nghèo hèn của người khiêm hạ,
giữa những người rất nghèo nàn, nhỏ bé và lạc lõng.
Tim con chẳng bao giờ tìm thấy đường đi,
tới nơi Chúa nhập bọn,
với những bạn đồng hành;
giữa những người rất nghèo hèn, lạc lõng và nhỏ bé”.
Vậy đêm nay, chúng ta cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse cúi xuống trong thinh lặng, để thấy “Đấng vốn giầu sang phú quý, đã trở nên khó nghèo, để nhờ cái nghèo của Chúa, ta được phú quý giầu sang” (2Cr 8, 9).
Cúi xuống bên dưới ngay cả những tội lỗi mình đã phạm đến Chúa và đến nhau, để thấy ơn Cứu Chuộc luôn chứa chan trong Đức Kitô.
Cúi xuống để nhìn thấy mọi tội lỗi con người, trong đó có ta, chính là “cái nôi” cho Con Chúa làm người Cứu chuộc.
Cúi xuống và chỉ có cúi xuống, chúng ta mới hiểu được thế nào là mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm “Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta”.
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.