Kính thưa Cha,
Xin Cha giải đáp giúp con trường hợp sau đây:
Anh A là người Công Giáo khi ở Việt Nam đã ăn ở với cô B (không có đạo) có một đứa con. Không có phép hôn phối tại nhà thờ.
Sau đó anh A sang Mỹ được 2 năm và lập gia đình với cô C, anh A nói dối với cô C là chưa có gia đình, và phép cưới của 2 người được cử hành tại Nhà Thờ một cách trọng thể.
Cô B ở Việt Nam chờ không thấy anh A liên lạc nên đã lập gia đình với người khác.
Vậy hôn nhân giữa anh A và cô C có thành sự không khi có yếu tố lừa dối? Cô C có thể xin tháo gỡ hôn phối không? Tại sao?
Thưa Cha, nếu theo Thiên Luật (luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt để 2 người chung sống là vợ và chồng) là cứ hễ giao hợp với nhau, có con với nhau là bị ràng buộc vợ chồng, thì ai cũng phải gỡ hôn nhân này khi lỡ 1 lần giao hợp, có con. Thẩm quyền nào sẽ gỡ dây hôn nhân này để người đó (dù họ lỡ lầm hay yêu thương nhau thật sự, sau đó bị ngăn trở không ở với nhau được) được thong dong lập hôn thú theo Dân Luật và Giáo Luật?
Giải đáp
Anh thân mến,
Thắc mắc của anh tôi xin giải thích cách vắn tắt như sau:
1. Anh A và chị B đã chung sống với nhau và đã có con với nhau nhưng anh A là người Công Giáo nên việc hôn nhân không áp dụng luật hôn nhân tự nhiên mà theo giáo luật 1086 § 1 :
Hôn nhân cũng vô hiệu giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội Công Giáo và chưa công khai bỏ Giáo Hội với một người không rửa tội.
Như vậy anh A và chị B chung sống với nhau không được coi là hôn nhân vì chưa được chuẩn ngăn trở tiêu hôn này. Vì thế anh A không bị ràng buộc gì về hôn phối.
2. Anh A và chị C đã kết hôn trong Giáo Hội với những điều kiện đầy đủ cho một hôn nhân Công Giáo thì được coi là thành sự cho cho đến khi có những yếu tố chứng minh ngược lại.
Trong trường hợp này anh đưa ra yếu tố là anh A lừa dối chị C và như vậy hôn nhân không thành sự. Giáo Luật số 1096 viết :
Ai kết hôn do một sự lường gạt được bày vì mưu chước để cho mình được ưng thuận, nếu sự lường gạt ấy liên hệ đến tư cách của một người bạn, mà tự nó, tư cách này có thể làm phiền nhiễu nặng nề cuộc sống chung của vợ chồng, thì sự kết hôn vô hiệu.
3. Ở đây Giáo Luật 1096 nói đến sự lường gạt tức là bày ra mưu chước để làm cho người ta đồng ý lấy mình. Vậy anh A có lường gạt chị C không? Anh A có tìm cách phủ nhận tất cả những gì xảy ra trong quá khứ hay không nói đến nó vì cho rằng đó chỉ là một lỡ lầm trong quá khứ mà anh đã thu xếp xong xuôi ?
4. Việc nói dối của anh A nếu được coi như lường gạt thì sau khi chị C biết được sự thật, điều đó có gây phiền nhiễu trầm trọng đến nỗi họ không còn có thể chung sống được với nhau không ? Bởi vì tuỳ theo tác động nặng nề mà sự lừa dối ảnh hưởng trên người bị lường gạt mới có thể nói đến tính vô hiệu của hôn nhân.
5. Toà án hôn phối của giáo phận sẽ xét duyệt và quyết định nếu có đơn phía chị C xin tuyên bố hôn nhân không thành sự và có hà tì là sự lường gạt khiến cho sự ưng thuận bất thành.
Về vấn đề hôn nhân tự nhiên thì đó là một định chế của toàn thể nhân loại chứ không chỉ riêng cho người Kitô hữu. Những đặc tính cơ bản được nói đến là sự duy nhất (một vợ một chồng) và tính bất khả phân ly (chung thuỷ cho đến chết) của hôn nhân. Vì thế, ngay hôn nhân tự nhiên cũng phải có những yếu tố để cho được thành sự. Những người kết hôn cần được tự do ưng thuận mà không bị ép buộc hay cưỡng bức, không bị ngăn trở vì những yếu tố tự nhiên (Thiên Luật) như tuổi tác, huyết tộc sức khoẻ … , có một hành vi bày tỏ sự ưng thuận kết hôn như đám cưới, lễ thành hôn hay ký kết trước pháp luật. Vậy hôn nhân không chỉ là sự quan hệ thể xác một vài lần mà là một hành vi của sự tự do ưng thuận và ý thức về một cuộc sống với những đặc tính và mục đích của nó.
Hy vọng những giải thích trên đây giúp anh hiểu rõ hơn về hôn nhân.
Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích CSsR