Ki-tô Hữu Và Một Số Vấn Đề Trong Việc Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung Việt Nam Dưới Ánh Sáng Laudato Si’, chủ đề đã được làm nổi bật tại buổi hội thảo trong chương trình học hỏi Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Hơn 30 anh chị em giáo dân với sự đồng hành của 3 linh mục đã gặp gỡ nhau tại Biên Hoà vào ngày 1 và 2 tháng 10 năm 2016 để cùng chia sẻ với nhau những điều được Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô viết trong Thông Điệp Laudato Si’ gửi cho mọi người.
Thông điệp Laudato Si’ là tiếng nói của Giáo hội về ngôi nhà chung của nhân loại đang cần được trân trọng, giữ gìn và bảo vệ. Trong số 2 của Thông điệp, Đức Giáo hoàng như thay mặt cho người chị trái đất kêu lên: “Người chị này giờ đây đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng“. Người chị trái đất bị chà đạp bởi chính người nhà của mình, những người đã được hưởng sự sống từ chị mình, “Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất này và muốn bóc lột ra sao tùy ý. Bạo lực trong tâm hồn chúng ta do tội lỗi gây nên cũng phản chiếu trong những triệu chứng của bệnh tật nơi đất đai, nguồn nước, trong không khí và mọi dạng thức của sự sống.” Chính con người, kẻ phản bội thiên nhiên, đang huỷ diệt cái nôi sự sống của mình và họ tưởng như thế là vĩ đại, là tài ba. “Đây là lý do vì sao mà chính trái đất, bị đè nặng và sử dụng lãng phí, lại là một trong số những người bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất trong số những người nghèo; chị đang “rên siết và quằn quại” (Rm 8,22). Chúng ta đã quên mất bản thân chúng ta là bụi đất (x. St 2,7); xác thể thực sự của chúng ta được làm từ những yếu tố của đất, chúng ta hít thở bầu khí và lãnh nhận sự sống và sự trong lành từ nguồn nước của trái đất”. Khi đất chết thì chính con người cũng chết theo vì không còn được nuôi dưỡng.
Tại buổi hội thảo, 5 đề tài thảo luận được trình bày tập trung vào hai chương 4 và 5 của Thông điệp Laudato Si’:
- Kitô hữu và cuộc đối thoại về môi trường trong bối cảnh Việt Nam hôm nay.
- Hoán cải môi sinh theo tinh thần Laudato Si trong bối cảnh Việt Nam hôm nay.
- Một số khó khăn thực tiễn trong việc thực hiện tinh thần Laudato Si
- Văn hoá loại trừ và sự ô nhiễm tinh thần trong giới trẻ Việt.
- Phát triển bề vững – một nguyên tắc mới của Giáo huấn xã hội.
Đề tài phân chia cho từng nhóm phụ trách, các nhóm làm việc chung và trình bày. Sau phần trình bày mọi thành viên tham dự sẽ thảo luận, chia sẻ, đóng góp ý kiến, nêu giải pháp thực tiễn và tìm phương thế thực hiện.
Hội thảo đã mở ra cho các tham dự viên nhiều điều mới mẻ. Các tham dự viên ý thức rõ hơn về ngôi nhà chung trái đất mà mình sinh sống bấy lâu. Nhiều thông tin được chia sẻ liên quan đến ngôi nhà chung Việt nam. Những thông tin này được trích dẫn từ những báo cáo của chính quyền hoặc tổng hợp trên các phương tiện truyền thông.
Các tham dự viên một mặt nhận diện vấn đề, mặt khác muốn tìm một giải pháp thực tiễn. Trước mắt, với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan cho phép, việc hình thành một nhóm tông đồ giáo dân môi trường là ý tưởng được mọi người hưởng ứng. Trong tương lai, công việc này sẽ phải được phổ biến cách rộng rãi. Còn rất nhiều điều phải làm. Nhưng niềm hy vọng đã được khơi lên. Chắc chắn những người tham dự hội thảo đã làm nhiều điều tốt lành với ý thức về môi trường. Giờ đây, họ được nâng đỡ bởi Hội thánh và bởi nhiều anh chị em cùng chia nhau một lý tưởng. Và trên hết, họ ý thức mình được “Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta dấn thân quảng đại và trao ban tất cả, sẽ ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh cần thiết để tiếp tục cuộc hành trình. Thiên Chúa của sự sống, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, luôn luôn hiện diện ở trung tâm của thế giới này. Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài không bỏ mặc chúng ta đơn độc, vì Ngài đã tháp nhập vĩnh viễn với trái đất của chúng ta, và tình yêu của Ngài luôn thúc bách chúng ta tìm kiếm những cách thế mới để tiến bước. Xin chúc tụng Chúa!” (Số 245)
Chia tay hội nghị, các tham dự viên mang trên vai mình trách nhiệm được uỷ thác từ Hội Thánh. “Trong khi chờ đợi điều đó, chúng ta cùng nhau chịu trách nhiệm về ngôi nhà này đã được uỷ thác cho chúng ta, biết rằng tất cả mọi điều thiện hảo đang tồn tại ở đây sẽ được đưa vào bàn tiệc thiên đàng.” Trách nhiệm với mọi thụ tạo lại dẫn đưa họ khám phá Thiên Chúa. “Trong sự hiệp nhất với mọi loài thụ tạo, chúng ta đi trên hành trình ngang qua mảnh đất này để tìm kiếm Thiên Chúa, vì “nếu thế giới có khởi đầu và nếu nó được dựng nên, thì chúng ta phải tìm hiểu ai đã cho nó sự khởi đầu ấy, và ai là Đấng Tạo Hóa của nó”. Và cuối cùng, cùng với Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, toàn hội nghị “chúng ta hãy ca tụng và bước đi. Ước gì những đấu tranh và quan tâm của chúng ta dành cho hành tinh này không bao giờ làm cho chúng ta mất niềm hy vọng.” (Số 244)
Mọi người cùng hoà vào với tâm tư của Đức Giáo Hoàng. Các tham dự viên biết mình sẽ đối diện với Thiên Chúa tốt lành. Nơi Ngài họ nhận ra mầu nhiệm xinh đẹp của tạo thành. “Sau cùng, bản thân chúng ta sẽ diện đối diện với vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa (x.1 Cr 13,12), và với sự thán phục và niềm hạnh phúc, chúng ta có thể đọc hiểu được mầu nhiệm bí ẩn của vũ trụ sẽ cùng tham dự với chúng ta sự viên mãn bất tận”. (Số 243).
An Tự Tâm