Sự dấn thân Kitô giáo đích thực trong lãnh vực chính trị sẽ không thể chấp nhận sự kiện các Kitô hữu bị biến thành công cụ tán thành thể chế chỉ có một nhóm người lãnh đạo giới hạn, nắm hết quyền lực nhà nước, nhằm phục vụ lợi ích riêng tư hoặc những mục tiêu ý thức hệ.
Có một điều không thể phủ nhận: sứ mệnh riêng biệt mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Hội Thánh không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội. Mục tiêu mà Chúa Kitô chỉ định cho Hội Thánh thuộc phạm vi tôn giáo. Do sứ mệnh và bản chất, Hội Thánh không cấu kết với bất cứ hình thức văn hóa hay hệ thống chính trị, kinh tế hoặc xã hội nào. Hội Thánh không có nhiệm vụ đề xuất các hệ thống hoặc chương trình kinh tế và chính trị, cũng chẳng nhất quyết ủng hộ hệ thống này hơn hệ thống khác.
Nhưng Hội Thánh không ngần ngại bày tỏ lập trường của mình về các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội, ít là về phương diện luân lý. Trong đó có hệ thống dân chủ, là hệ thống đang được xây dựng và phát triển khắp nơi trên thế giới.
Trong sứ điệp truyền thanh nhân dịp Lễ Giáng Sinh năm 1944, Đức Giáo hoàng Piô XII ghi nhận: “Ngày nay, hình thức chính phủ dân chủ xuất hiện ở nhiều nơi như là một yêu cầu tự nhiên, xuất phát từ đòi hỏi của lý trí”.
Năm 1991, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết Hội Thánh đánh giá cao hệ thống dân chủ, xét như một hệ thống bảo đảm cho người công dân được quyền tham gia vào các lựa chọn chính trị, đồng thời bảo đảm cho những người dân vừa được quyền chọn lựa và kiểm soát những người cầm quyền, vừa được quyền thay đổi họ bằng những phương thế ôn hòa khi điều đó tỏ ra thích hợp.
Hội Thánh không thể tán thành thể chế chỉ có một nhóm người lãnh đạo giới hạn, nắm hết quyền lực nhà nước nhằm phục vụ lợi ích riêng tư hoặc những mục tiêu ý thức hệ.
Tuy nhiên, Hội Thánh cũng không hề làm ngơ trước những hạn chế và những điều tiêu cực của hệ thống dân chủ. Một đàng, hệ thống dân chủ đang là hệ thống tốt nhất bảo đảm cho sự tham dự của người dân vào những chọn lựa chính trị. Nhưng đàng khác, điều đó chỉ có thể xảy ra nếu nền dân chủ được đặt nền tảng trên quan niệm đúng đắn về con người.
“Chỉ có thể có nền dân chủ đích thực nơi những quốc gia được cai trị bằng luật pháp và dựa trên một quan niệm đúng đắn về con người. Muốn như thế cần phải có những điều kiện cần thiết để vừa thăng tiến cá nhân thông qua việc giáo dục và đào tạo theo những lý tưởng chân chính, vừa phát triển xã hội trong tư cách là chủ thể, bằng cách lập ra những cơ chế cho mọi người cùng tham gia và chia sẻ trách nhiệm” (Thánh Gioan Phaolô II, Centesimus Annus, số 46).
“Một nền dân chủ đích thực không phải chỉ là kết quả của việc tuân thủ máy móc các luật lệ, mà là kết quả của một sự chấp nhận với niềm xác tín các giá trị đưa tới các tiến trình dân chủ như: phẩm giá của mỗi người, tôn trọng nhân quyền, dấn thân cho công ích như là mục tiêu và tiêu chuẩn hướng dẫn đời sống chính trị. Nếu không có sự đồng thuận chung về các giá trị ấy, nền dân chủ sẽ mất đi ý nghĩa sâu xa nhất của nó và tình trạng ổn định của nền dân chủ sẽ bị phương hại. Học thuyết xã hội của Giáo hội coi chủ nghĩa tương đối về đạo đức, chủ trương không có những tiêu chuẩn khách quan hay phổ quát để dùng làm nền tảng cho chúng ta sắp xếp thang giá trị cách đúng đắn, là một trong những mối đe doạ lớn nhất cho các nền dân chủ hiện nay” (Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, Compendio della dottrina sociale della Chiesa (2004), số 407).
Trong cái nhìn đó, giáo huấn xã hội của Hội Thánh đề cao việc người tín hữu dấn thân thúc đẩy tiến trình thăng tiến dân chủ và bảo vệ nhân quyền.
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.