Quả không phải là một ngày dễ dàng đối với các đại biểu tại Hội nghị Thượng Hội Đồng Lục địa Châu Phi khi phải phân định các vấn đề ưu tiên cho Giáo hội tại Châu Phi khi cuộc họp sắp khép lại.
Con đường hiệp hành có thể khó khăn nhưng hoàn toàn cần thiết. Đôi khi những cuộc trò chuyện khó khăn nảy sinh giữa các anh chị em tham dự viên. Đây là kinh nghiệm của nhiều người khi nói đến việc phân định các vấn đề ưu tiên đối với Giáo hội ở Châu Phi. Trên thực tế, tâm trạng trong khán phòng của khách sạn De Leopol ở Addis Ababa cũng có thể được mô tả là có sự căng thẳng vào chiều hôm thứ Bảy khi các đại biểu triệu tập lại để thông qua tài liệu dự thảo của Thượng Hội đồng Châu Phi.
Gia đình Giáo hội của Thiên Chúa ở Châu Phi
Nữ tu Esther Lukas Jose Maria trước đó đã cảnh báo các đại biểu rằng: “Tại thời điểm này, chúng ta không phải nghĩ với tư cách là ‘tôi’ mà là một gia đình Giáo hội của Thiên Chúa ở Châu Phi”.
“Chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn của những gì phải thực hiện ngoài việc lắng nghe lẫn nhau và lắng nghe Chúa Thánh Thần. Đây là những gì chúng ta sẽ cung cấp với tư cách là Giáo hội ở Châu Phi. Và ưu tiên có nghĩa là điều quan trọng nhất, chứ không phải tất cả. Vì chúng ta có 15 nhóm, nên chúng ta muốn đưa ra 15 lĩnh vực ưu tiên, và từ đó chúng ta sẽ rút lại còn 5”, Nữ tu Esther tiếp tục.
Ưu tiên các chủ đề xuyên suốt
Tuy nhiên, như thường lệ với sự phân định tâm linh, việc chọn ra một vài ưu tiên trong số 15 ưu tiên tỏ ra là một thách thức. Đối với nhóm điều hành phiên họp chiều hôm thứ Bảy vừa qua, việc hướng dẫn hội nghị đạt được sự đồng thuận về 8 chủ đề xuyên suốt là một công việc gấp rút.
Sau khi lắng nghe rất nhiều, cuối cùng, tổng hợp những đóng góp từ 15 nhóm làm việc đã nhấn mạnh các lĩnh vực ưu tiên sau đây cho Giáo hội ở Châu Phi:
1. Chăm sóc mục vụ gia đình tập trung vào những thách thức hiện nay như ly dị, hôn nhân tan vỡ và những người tái hôn, cha mẹ đơn thân do lựa chọn và hoàn cảnh.
2. Làm sâu sắc thêm các giá trị văn hóa châu Phi vốn đã được lưu giữ trong khái niệm Giáo hội như là gia đình của Thiên Chúa kể từ Thượng hội đồng châu Phi đầu tiên vào năm 1995, không coi nhẹ Giáo lý của Giáo hội.
3. Xem xét văn hóa cộng đồng châu Phi được thể hiện trong các triết lý như Ubuntu, Ujamaa, Indaba và Palaver trong đó tinh thần đồng trách nhiệm và sự bổ trợ là những nguyên tắc chính yếu.
4. Cam kết đấu tranh chống việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vốn thường dẫn đến chiến tranh và xung đột xã hội tại lục địa.
5. Thúc đẩy canh tân phụng vụ để các tín hữu tham gia tích cực vào các hướng dẫn thờ phượng Thiên Chúa.
6. Đào tạo dân Chúa trong đó khái niệm về sự bao gồm được nhấn mạnh như một cách thúc đẩy tính hiệp hành trong việc quản trị Giáo hội.
7. Thúc đẩy sự hòa nhập của phụ nữ, giới trẻ và tất cả các nhóm dân Chúa cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội.
8. Công lý sinh thái và việc quản lý sinh thái như một cách sống một sự thay đổi có tính hiệp hành để giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái.
Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau
Vào cuối phiên họp cuối cùng kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ, các vị lãnh đạo Giáo hội có mặt tại hội nghị thay phiên nhau phát biểu bế mạc.
Về phần mình, Đức Tổng Giám mục Địa phận Addis Ababa và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ethiopia, nơi tổ chức sự kiện này, Đức Hồng y Berhanayesus Souraphiel, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Hội nghị chuyên đề của Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM) vì “đã chọn Addis Ababa làm địa điểm tổ chức hội nghị Thượng Hội đồng Công giáo để các đại biểu cùng nhau suy tư và đối thoại về về các vấn đề nhằm trình bày một tài liệu ở cấp độ lục địa và toàn cầu”.
Phó chủ tịch thứ nhất của SECAM, Đức Giám mục Mozambique Lucio Muadula, người chủ trì toàn bộ quá trình bao gồm hai phiên họp chuẩn bị diễn ra ở Accra (Ghana) và Nairobi (Kenya) trước hội nghị, đã đề cập đến đoạn Kinh Thánh: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau, như dầu quý đổ trên đầu xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron” (Tv 133). Đức Giám mục Muadula cho biết đoạn văn đã tóm tắt kinh nghiệm trong cuộc họp Thượng Hội đồng lục địa châu Phi.
Hiệp hành, Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ
Phát biểu trước các đại biểu, Đức Hồng Y Hollerich, Tổng tường trình viên của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, đã đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của hội nghị, nhất là trong quá trình thảo luận về văn bản dự thảo. Ngài nói: “Anh chị em thân mến, tôi muốn tạ ơn Chúa và cám ơn toàn thể anh chị em vì thời gian lắng nghe tuyệt vời này. Tôi bày tỏ lòng biết ơn từ tận đáy lòng về tất cả những gì anh chị em đã trình bày và thảo luận ở đây. Tính Hiệp hành, Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ thực sự rất quan trọng”.
Với tư cách là Chủ tịch của SECAM, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo cuối cùng đã bế mạc hội nghị, ngài đã cảm ơn chính phủ Ethiopia, Giáo hội Công giáo địa phương và người dân Ethiopia vì lòng hiếu khách của họ. Đức Hồng Y Ambongo cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị khách đến từ Vatican, SECAM và nhóm chuyên gia kỹ thuật bao gồm tất cả các đại biểu từ khắp Châu Phi và các Quần đảo của nó đã đến tham dự hội nghị.
Một “thời điểm thích hợp”
“Đây là cuộc họp đầu tiên, một ‘thời điểm thích hợp’ (Kairos) để đổi mới Giáo hội ở Châu Phi. Nó đã trở thành thời điểm để học hỏi cũng như để thể hiện tinh thần hiệp hành. Nó đã trở thành thời điểm để trải nghiệm cảm giác về gia đình của Thiên Chúa ở Châu Phi. Nó đã trở thành thời điểm để lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe Chúa Thánh Thần về những vấn đề tế nhị ảnh hưởng đến Lục địa Châu Phi. Đó là một hội nghị hiệp hành để cùng đổi mới sứ mạng của chúng ta ở đây tại Châu Phi”, Đức Hồng Y Ambongo nhận xét.
Giờ đây giai đoạn lục địa châu Phi đã kết thúc, tiến trình Thượng Hội đồng sẽ tiếp tục ở cấp độ toàn cầu. Có lẽ không có đủ thời gian để giải quyết các vấn đề nan giải như chủ nghĩa cực đoan về ý thức hệ tôn giáo vốn đang gia tăng và là ngọn nguồn gây ra những lo ngại đáng kể cho Giáo hội và người dân Châu Phi.
Và đỉnh điểm của việc bế mạc hội nghị Thượng Hội đồng lục địa là việc cử hành Thánh Thể tại Giáo xứ Công giáo Thánh Gabriel hôm Chúa nhật, ngày 5 tháng 3 năm 2023.
Thiên Ân (theo Vatican News)