Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế người Sri Lanka, Cha Vimal Tirimanna, người giảng dạy môn Thần học luân lý tại Rôma và Sri Lanka, là một trong các tham dự viên được mời tại Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục Lục địa Á Châu vừa bế mạc về tiến trình Hiệp hành hiện tại. Năm 2021, Cha Tirimanna đã được Ban thư ký cho các Thượng Hội đồng của Vatican bổ nhiệm vào Ủy ban Thần học của tiến trình Hiệp hành hiện tại. Từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2022, Cha Tirimanna cũng đã phục vụ trong nhóm 20 thành viên do Vatican chỉ định để đọc các câu trả lời bảng câu hỏi khảo sát về tiến trình Hiệp hành được gửi về từ khắp nơi trên thế giới tại Frascati, Ý, điều mà cuối cùng đã hình thành Tài liệu Giai đoạn Lục địa (CSD). Dưới đây là một báo cáo ngắn gọn mà Cha Tirimanna đã gửi cho chúng tôi về Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục Lục địa Á Châu:
Như anh chị em biết, tiến trình Hiệp hành hiện tại đã trải qua nhiều giai đoạn kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc vào tháng 10 năm 2021 tại Rôma. Mỗi giai đoạn của tiến trình này đã được Ban thư ký của Vatican sắp xếp tỉ mỉ để thu hút tất cả những người đã được rửa tội (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) tham gia để những gì Chúa Thánh Thần ngỏ lời qua họ có thể được khai thác cẩn thận. Điều này là do niềm tin Công giáo truyền thống ấp ủ rằng Chúa Thánh Thần nói qua tất cả những người đã được rửa tội. Sau khi đọc kỹ và phân định các câu trả lời của những người đã được rửa tội trên toàn thế giới (ở cấp cơ sở của Giáo hội – tại các Giáo xứ và các cộng đoàn Giáo hội khác) đối với bảng câu hỏi khảo sát, và sau đó, đối chiếu chúng với tài liệu được gọi là Tài liệu Giai đoạn Lục địa (CDS), ngay lúc này đây, tiến trình Hiệp hành đang ở giai đoạn lục địa, trong đó mỗi khu vực trong số 7 khu vực địa lý (được gọi là “lục địa” trong tiến trình này) phải đọc CDS trong tâm tình cầu nguyện và phân định cẩn thận những gì Chúa Thánh Thần đang nói với các Giáo hội ở các lục địa cụ thể.
Giai đoạn lục địa Á châu của tiến trình Hiệp hành được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 2 năm 2023 tại Samphran, Thái Lan với một Hội đồng Giáo hội bao gồm các đại biểu từ khắp châu Á – giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Mặc dù các Giáo hội ở Châu Á đã quen với các Hội đồng Giám mục, nhưng đây là lần đầu tiên (kể từ những thế kỷ đầu) một Hội đồng Giáo hội đại diện cho toàn thể Dân Chúa được tổ chức ở Châu Á. Có khoảng 80 tham dự viên người châu Á đến từ 29 quốc gia cấu thành FABC (Liên Hội đồng Giám mục Á châu). Họ bao gồm đủ mọi thành phần Dân Chúa – 6 Hồng y, 5 Tổng Giám mục, 18 Giám mục, 28 Linh mục, 4 Nữ tu, và 19 giáo dân (7 nam và 12 nữ). Nhiệm vụ chính của họ là đọc CSD trong bối cảnh châu Á và đưa ra phản hồi. Điều truyền cảm hứng nhất trong toàn bộ Hội đồng là làm thế nào để sau mỗi ý kiến đóng góp và thảo luận, các đại biểu được yêu cầu dành thời gian trong nhà nguyện để thành tâm suy ngẫm về những gì họ đã nghe. Ngoài ra, các đại biểu được chia thành 12 nhóm nhỏ, trong đó tất cả mọi người (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) đều có cơ hội chia sẻ quan điểm của mình. Khi kết thúc một vài phát biểu chia sẻ trong các nhóm nhỏ này, tất cả mọi người cùng nhau thinh lặng trong 2 phút để cẩn thận lắng nghe Chúa Thánh Thần, và sau đó, cùng nhau suy tư và phân định những gì Ngài mong muốn đối với các cộng đồng Kitô hữu Châu Á của chúng ta ngày nay. Do đó, những gì đã được phân định lỹ lưỡng tại Hội đồng với sự tham gia tích cực của tất cả các tham dự viên, giờ đây sẽ được đối chiếu và đưa vào tài liệu chung kết của lục địa châu Á. Chính tài liệu đặc biệt này (cùng với những tài liệu từ 6 lục địa khác) sẽ giúp ban soạn thảo của Vatican trong việc chuẩn bị tài liệu làm việc hoặc chương trình nghị sự cho Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma vào tháng 10 năm 2023. Điều đó có nghĩa là những tiếng nói đại diện cho tất cả những người đã được rửa tội (Dân Chúa) từ khắp nơi trên thế giới đã được khai thác để chuẩn bị cho chương trình nghị sự này.
Do đó, toàn bộ tiến trình Hiệp hành hiện nay là một nỗ lực để lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần bằng cách lắng nghe những gì cùng một Chúa Thánh Thần ngỏ lời qua tất cả những người đã được rửa tội. Khi (như mong đợi) tiến trình hiệp hành này trở thành một lối sống trong tất cả các lĩnh vực của đời sống Giáo hội trong những năm tới, nó sẽ thay đổi một cách triệt để cách thức đưa ra quyết định hiện tại trong Giáo hội mà hiện nay chỉ do hàng giáo sĩ thống trị. Dựa trên Sách Công vụ Tông đồ, hy vọng trong tương lai, nó sẽ mở đường cho một nền văn hóa Giáo hội, trong đó hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân sẽ tham gia một cách đầy đủ và tích cực vào công việc điều hành Giáo hội. Điều này chắc chắn sẽ đóng vai trò như một liều thuốc giải độc hiệu nghiệm cho các vụ bê bối tràn lan của hàng giáo sĩ và những khám phá gần đây về việc giáo sĩ lạm dụng quyền bính trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống Giáo hội. Hy vọng rằng sau đó, Giáo hội, Dân Chúa, sẽ bước đi trên cuộc hành trình lữ hành của mình trên trái đất này theo mệnh lệnh của Chúa Thánh Thần.
Minh Tuệ (theo Scala News)