Vào ngày 3/6 và 4/6 sắp tới, sẽ có một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có giữa các chuyên gia pháp lý để thảo luận về nạn buôn người, mafia, buôn bán ma túy, nạn bóc lột mại dâm và trẻ vị thành niên, vấn nạn người di cư và những người bị buộc phải di tản. Đó là các vấn đề được xác định có những lỗ hổng trong luật pháp quốc gia và quốc tế, vốn được lập ra để chống lại bọn tội phạm có tổ chức ở cấp độ toàn cầu và “cơ cấu tội lỗi” của chúng.
Một hội nghị thượng đỉnh ngoại thường sẽ được tổ chức tại Vatican vào thứ Sáu và thứ Bảy cuối tuần này: “Hội nghị thượng đỉnh của các Thẩm phán về nạn buôn người và các tội phạm có tổ chức”, được thúc đẩy bởi Viện Hàn Lâm Giáo hoàng về Khoa học xã hội, dự kiến sau đó cũng sẽ có buổi hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô.
Cụ thể hơn, 100 vị thẩm phán, công tố viên, đại diện của các tổ chức tư pháp và các tổ chức khác trên toàn thế giới –là những người đang tham gia cuộc chiến chống lại các hoạt động tội phạm khác nhau – sẽ có mặt tại biệt thự Casina Pio IV tại thành Vatican để thảo luận về những vấn đề nóng bỏng khác nhau hiện nay, trong đó có nạn buôn người, buôn bán ma túy, sự lây lan toàn cầu của các tổ chức tội phạm và mafia, nạn bóc lột mại dâm, buôn bán nội tạng, và nhiều vấn đề khác. Đây là những vấn nạn mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh nhiều lần. Ngài cũng đã kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế về các vấn nạn này trong bài phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York vào cuối tháng Chín năm ngoái.
Trong văn bản triệu tập Hội nghị thượng đỉnh của Hàn Lâm Viện Vatican, Đức ông Marcelo Sanchez Sorondo, Chưởng Ấn Hàn Lâm Viện, giải thích: “Xu thế xã hội toàn cầu ngày nay là tìm kiếm lợi nhuận từ tất cả mọi thứ. Xu thế đó đã tạo nên một nền văn hóa loại trừ – như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án trong Thông điệp ‘Evangeli Gaudium’ và ‘Laudato sì’. Chính điều này cũng đã tạo ra vô số những người bị gạt bỏ và loại trừ”. “Trong thế giới chỉ dựa trên lợi nhuận thuần túy”, Ngài nói thêm, “khi công bố tổng sản phẩm quốc gia, người ta kể luôn vào đó cả thu nhập ‘không chính thức’ được tiếp nhận bởi các tổ chức mafia quốc tế và những tội phạm có tổ chức, ước tính chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu”. Đây là những nguồn tài nguyên – Ngài tiếp tục khẳng định – mà mặc dù một số quốc gia đã chính thức tuyên bố không công nhận, thế nhưng chúng vẫn được xem xét trong cách tính tổng sản phẩm trong nước của họ.
Đức Ông Sorondo cho biết thêm: “Ngày nay người ta biết đến một sự thực là đã có đến 40 triệu người bị ảnh hưởng từ các hình thức mới của chế độ nô lệ và nạn buôn người”, trong đó gồm rất nhiều những tệ nạn, chẳng hạn như cưỡng bức lao động, mại dâm, bán nội tạng, và buôn bán ma túy. Đồng thời, do hậu quả của các cuộc chiến tranh, nạn khủng bố và biến đổi khí hậu, đã có 60 triệu người phải di dời và 130 triệu người tị nạn chính là những mầm mống làm phát sinh nạn buôn người. Hiện nay, các tổ chức và hệ thống quốc tế không có các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp để giải quyết những thách thức đối với sự thờ ơ trên toàn cầu khi phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng mà chúng tôi vừa mới đề cập ở trên. Trong khi đó, những kẻ buôn ma túy và bọn trùm mafia đang tận dụng những lỗ hổng như vậy trong quản trị và luật pháp quốc tế nhằm khai thác “cơ cấu tội lỗi” quốc gia và quốc tế trên quy mô toàn cầu một cách rất hiệu quả. Chính vì thế, bọn chúng đang kiếm tiền bằng cách bắt những người dễ bị tổn thương nhất làm nô lệ”.
Trong một xã hội toàn cầu hóa, chúng ta phải bắt đầu bằng công lý, Đức Ông Sanchez Sorondo tiếp tục. “Các thẩm phán được mời gọi với sự nhận thức đầy đủ về thách thức này, để chia sẻ kinh nghiệm của họ và cùng làm việc với nhau để mở ra lối đi mới cho vấn đề công lý và thúc đẩy nhân phẩm, tự do, trách nhiệm, hạnh phúc và hòa bình”.
Vị Chưởng Ấn Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội sẽ phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh lần này, sau đó sẽ là ông Margaret Archer – Chủ tịch của tổ chức này, và cuối cùng là nhà kinh tế Jeffrey Sachs – một chuyên gia của Liên Hợp Quốc về nạn buôn người và ma túy cũng sẽ có đôi lời phát biểu tại hội nghị. Tất cả những vấn đề được đem ra bàn luận trong hội nghị thượng đỉnh lần này đều rất phù hợp với ý muốn của Đức Thánh Cha.
Trong số tham dự viên, có ông Gustavo Vera – một người đến từ Argentina giống như Đức Ông Sorondo và đồng thời cũng là một người bạn của Đức Bergoglio. Ngoài ra ông cũng là người đứng đầu của tổ chức Alameda tham gia vào việc chống lại nạn nô lệ lao động, lao động trẻ em và buôn bán ma túy; ông Vera cũng đại diện cho phong trào “Common Good” trong chính quyền thành phố Buenos Aires. Một nhóm những người Argentina sẽ có mặt tại hội nghị này. Thành phần đặc biệt của nhóm này bao gồm các thẩm phán và các công tố viên sẽ đến Vatican, dẫn đầu bởi ông Ricardo Lorenzetti – chủ tịch của Tòa án tối cao Argentina – ông cũng sẽ phát biểu về vấn đề vai trò của Tòa án tối cao trong việc chống lại nạn buôn bán ma túy.
Ngoài ra, trong những ngày gần đây, Đức ông Sanchez Sorondo và ông Gustavo Vera đã có cuộc gặp gỡ tại Madrid để thảo luận về những vấn đề liên quan đến những người di cư và người tị nạn với ông Manuela Carmena – thị trưởng thủ đô Tây Ban Nha. Nhưng mục đích của buổi phỏng vấn này là chủ yếu để phát triển các sáng kiến khoa học quốc tế về vấn đề di cư bắt buộc và những người tị nạn, với mục tiêu đạt được sự đồng thuận cơ bản về các nguyên tắc nhân đạo được nêu trong thông điệp ‘Laudato sì’.
Minh Tuệ (theo vaticaninsider)