Các chuyên gia giáo dân hàng đầu và các quan chức cao cấp của Vatican đã cùng nhau quy tụ vào tuần này để thảo luận về những cách thức mà họ có thể cùng cộng tác với nhau trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng thời hiện đại, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người giáo dân.
“Ngay từ trước Công Đồng Vatican II, Giáo Hội đã xác quyết rằng việc tham gia của giáo dân trong những lãnh vực nhất định của cuộc sống, đặc biệt là về chính trị và xã hội, là điều tất yếu không thể thiếu được”, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher phát biểu với CNA hôm 11 tháng 12.
Tầm quan trọng của người giáo dân “ngày nay trở nên khá rõ ràng”, Đức TGM Gallagher nói, đồng thời ngài cũng giải thích rằng nếu không có các hoạt động cũng như việc vận động chính trị và xã hội của họ, Giáo hội sẽ đánh mất đi tiếng nói của mình.
“Đúng là một điều tối quan trọng, cực kì quan trọng đối với tương lai của sự tham gia của Giáo hội với xã hội, là những người giáo dân cần phải được chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ đó, cần phải hết sức can đảm trong việc thực hiện điều đó, và cần phải có một ý muốn lớn lao là mang tiếng nói của Đức Kitô vào trong lĩnh vực chính trị và lĩnh vực xã hội, ở cấp địa phương cũng như cấp độ quốc tế”, Đức TGM Gallagher nói.
“Tôi thiết nghĩ họ có thể mang lại một sự phục vụ tuyệt vời cho Giáo hội và thế giới theo cách thức này”, Đức TGM Gallagher nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng “bất kỳ hình thức tham gia nào” cũng nên được khuyến khích.
Đức TGM Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, đã phát biểu trước khi cử hành Thánh Lễ vào đêm khai mạc của một hội nghị diễn ra từ ngày 11/12 đến ngày 13/12 được tổ chức bởi Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ được truyền cảm hứng bởi Công giáo với chủ đề “Những Người Cổ vỗ Nhân đạo trong Thế giới đang đổi mới”.
Hội nghị, vốn đã thu hút sự tham gia của hàng loạt đại diện từ các tổ chức phi chính phủ khác nhau trên toàn thế giới, bao gồm cả những tổ chức không Công giáo, đã tập trung vào việc các tổ chức được lấy cảm hứng từ Công giáo có thể giúp bảo vệ các giá trị cốt lõi chẳng hạn như tự do tôn giáo và gia đình, và đồng thời đảm bảo rằng sự phát triển con người toàn diện phải đạt được trong bối cảnh của một xã hội toàn cầu đang thay đổi một cách nhanh chóng.
Trong bài phát biểu của mình tại hội nghị, Đức TGM Gallagher cho biết Tòa Thánh và các tổ chức phi chính phủ được lấy cảm hứng từ Công giáo có thể cùng nhau làm việc để đạt được “lý tưởng về tình huynh đệ của con người và một phương tiện cho việc hiện thực hóa điều đó một cách tốt hơn”.
Đức TGM Gallagher nhấn mạnh rằng Tòa Thánh không “kiểm soát” diễn đàn, nhưng các thành viên và các nhà lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ mới chính là những nhân vật chính thực sự, vì họ mang lại “những kinh nghiệm thực tế và chuyên môn” cho hội nghị thông qua các công việc của họ.
Trong số những “nhân vật chính” có mặt tại hội nghị đó là bà Helen Alvare, giáo sư về luật gia đình, luật pháp và tôn giáo, và luật về tài sản tại Trường Luật Antonin Scalia, Đại học George Mason. Bà cũng là người đồng sáng lập tổ chức “Women Speak for Themselves”, chủ tịch của nhóm truyền thông phi lợi nhuận “Reconnect Media” và là cố vấn của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.
Trong những lời nhận xét với CNA, bà Alvare cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của người giáo dân, đặc biệt là phụ nữ và người nghèo, trong việc ủng hộ những vấn đề quan trọng trong Giáo hội, đặc biệt là liên quan đến gia đình.
Thông qua các tổ chức mà bà tham gia, bà Alvare đã tập trung vào việc mang lại tiếng nói cho người dân ở cấp cơ sở và trao quyền cho họ trong việc đóng một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo cũng như những giá trị gia đình đã bị đánh mất trong cuộc cách mạng tình dục. Bà nhấn mạnh rằng những vấn đề về tình dục “không thể tách rời với những vấn đề về phúc lợi kinh tế cũng như tình trạng nghèo nàn và hạnh phúc của con người”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành một tiếng nói hàng đầu ủng hộ phụ nữ và người nghèo, bà Alvare nói. Tuy nhiên, mặc dù ĐTC Phanxicô đã đặt ra “một phong thái tuyệt vời” đối với những vấn đề này, bà tin rằng “một trong những dấu hiệu của thời đại là nó không thể xuất phát từ trên xuống trong Giáo Hội”.
“Bất kể một phong thái tuyệt vời như thế nào mà ĐTC Phanxicô đã đặt ra đối với việc trao quyền cho phụ nữ và người nghèo, khi mà các chủ đề đã chuyển sang vấn đề giới tính, hôn nhân và việc nuôi dạy con cái, những người có quyền hạn không muốn lắng nghe Đức Thánh Cha hay Giáo hội ở bất cứ cấp độ nào”, bà Alvare nói.
Thay vào đó, lập luận này cần xuất phát từ những người được cho là được trao quyền bởi cuộc cách mạng tình dục – giáo dân, và đặc biệt là những người phụ nữ giáo dân.
Khi hàng giáo phẩm của Giáo hội cùng hiệp lực với giáo dân và các tu sĩ trong Giáo hội, họ có thể có được một sự ảnh hưởng mạnh mẽ, bà Alvare nói, và điều này bao gồm việc tiếp cận với những người được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc cách mạng tình dục.
Phát biểu về mối quan hệ đối tác mà Tòa Thánh có thể có với các tổ chức phi chính phủ và những người điều hành chúng, Đức TGM Gallagher trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh một số lĩnh vực hợp tác quan trọng, lĩnh vực đầu tiên nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững 2030, mà ĐTC Phanxicô đã gọi là “một dấu hiệu quan trọng của niềm hy vọng” và phần lớn đó là nhằm mục đích chấm dứt đói nghèo, bảo vệ môi trường, và thúc đẩy giáo dục.
Đức TGM Gallagher cũng đã đề cập đến các vấn đề về di dân cưỡng bức và bị buộc phải di dời đã dẫn đến “sự thay đổi dân số chưa từng có”, đồng thời đề cập cụ thể đến các thỏa ước toàn cầu của LHQ năm 2018 về vấn đề di dân và người tị nạn.
Các lĩnh vực quan trọng khác, theo Đức TGM Gallagher, là vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy một hệ sinh thái con người toàn diện; tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, vốn bao gồm việc bận tâm đến việc kì thị tôn giáo và bách hại tôn giáo; tự do ngôn luận, cũng như tự do chuyển đổi tôn giáo.
Mặc dù bối cảnh toàn cầu dưới ánh sáng của những vấn đề này có vẻ như “rộng lớn và phức tạp”, Đức TGM Gallagher cho biết rằng nó cũng đầy hứa hẹn, bởi vì các nỗ lực vốn dường như nhỏ bé, luôn có khả năng “phát triển và đạt được những kết quả vì lợi ích của vấn đề công ích chung cho tất cả mọi người”.
Trong một cuộc trao đổi ngắn gọn theo lối hỏi đáp, Đức TGM Gallagher đã khuyến khích các thành viên của các tổ chức phi chính phủ hoạt động và tham gia vào các cuộc tranh luận về những vấn đề có liên quan thuộc thẩm quyền của họ, giữ liên kết các vị đại diện của Đức Giáo Hoàng trong vòng đàm phán và đồng thời tìm kiếm sự cố vấn hoặc cung cấp tài liệu đầu vào từ Tòa Thánh khi cần thiết.
“Một phần của vấn đề về tự trị là không nên chờ đợi sự hướng dẫn”, Đức TGM Gallagher nói. “Đó là việc cùng nhau chung tay làm việc, cùng cộng tác với nhau”, Đức TGM Gallagher nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng đó không phải là tìm “một tiếng nói xuất phát từ bên trên rằng ‘Hãy làm a, b, c'”.
Trả lời câu hỏi về lời khuyên của ngài đối với các bác sỹ Công giáo và các nhân viên y tế làm việc với các tổ chức y tế được lấy cảm hứng từ Công giáo, Đức TGM Gallagher cho biết đặc điểm quan trọng nhất cần có ngày hôm nay đó chính là “một sự can đảm và hy sinh to lớn”.
Một phần của lòng dũng cảm này đồng nghĩa với việc thực hiện các quyền theo lương tâm của mình. “Chúng tôi hy vọng quý vị sẽ khẳng định quyền lương tâm của quý vị và của các đồng nghiệp dễ bị tổn thương hơn của quý vị”. Đức TGM Gallagher cũng cho biết thêm rằng vai trò của lương tâm đối với những người làm việc trong lĩnh vực y khoa hiện nay “hoàn toàn là một nguyên tắc cơ bản”.
Minh Tuệ (theo CNA)