
ĐTC Phanxicô phát biểu tại Loppiano, Ý hôm 10 tháng Năm. Ngài khuyến khích các thành viên và bạn bè của phong trào Focolare giữ đúng sứ mạng của người sáng lập phong trào và tấm gương của Chúa Giêsu trong việc trở nên gần gũi với tất cả mọi người (Ảnh: CNS)
NEW YORK – Cách đây 100 năm trước, một phụ nữ trẻ người Ý được sinh ra trong một gia đình đã phải chịu cảnh nghèo đói và sự tàn phá của chiến tranh. Giữa tất cả những sự việc ấy, một kinh nghiệm tôn giáo đã thay đổi cuộc đời của chị, dẫn dắt chị hình thành nên phong trào được gọi là phong trào Focolare, dành riêng để thúc đẩy hòa bình và sự liên đới.
Cuối tuần tới tại San Antonio, Texas, các thành viên của phong trào, cùng với bạn bè thân hữu, sẽ cùng nhau quy tụ để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người sáng lập phong trào, tập trung vào sự thống nhất trong thời đại của sự phân cực.
Hội nghị, “Một tổ ấm cho gia đình nhân loại”, sẽ tập trung vào một nền kinh tế cho tất cả mọi người, giúp đẩy mạnh hơn nữa tầm nhìn của ĐTC Phanxicô trong một nền kinh tế vốn có thể “mang lại linh hồn cho nền kinh tế trong tương lai”.
Trước thềm hội nghị, Crux đã có cuộc trò chuyện với các nhà tổ chức như Amy Uelmen, Carlos Bajo và Elizabeth Garlow về hy vọng của họ đối với sự kiện này.
Crux: Hội nghị này có ý nghĩa kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare. Nói một cách đơn giản, tại sao chị lại quan trọng với người Công giáo Mỹ?
Amy Uelmen: Nhiều người lo ngại về việc những sự chia rẽ trong Giáo hội và trong xã hội ngăn chặn khả năng của chúng ta để đưa ra một lời chứng về cách tình yêu Kitô giáo có thể giúp chữa lành những tổn thương trong thời đại của chúng ta. Đặc sủng của sự hiệp nhất, món quà mà chị Chiara Lubich đã chia sẻ với Giáo hội và thế giới, là liều thuốc mạnh mẽ cho những vết thương này.
Trong thời đại của sự chia rẽ xã hội, tài sản tinh thần của Focolare cung cấp các công cụ thực tế để xây dựng các cộng đồng cụ thể dựa trên tình yêu thương lẫn nhau, vượt qua tất cả mọi hình thức của sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa và chính trị. Trong thời đại của sự lo lắng và cô lập gia tăng, chúng tôi cố gắng tạo ra các mạng lưới hỗ trợ để giúp mọi người tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của họ, thậm chí ngay cả giữa những đau khổ và khó khăn thử thách.
Về phương diện cá nhân và chuyên nghiệp, tôi đã được truyền cảm hứng từ tầm nhìn của chị Chiara về sự đoàn kết của gia đình nhân loại và được duy trì bởi các thực tiễn vốn đã giúp tôi biến tầm nhìn này trở thành hiện thực trong cuộc sống hàng ngày của mình. Là một công dân Mỹ, tôi đánh giá cao cả tầm nhìn rộng lớn và các công cụ thực tế.
Ai sẽ tham gia sự kiện này và họ được triệu tập như thế nào? Và nó không chỉ dành cho người Công giáo, phải không?
Carlos Bajo: Sự kiện quy tụ các nhà xây dựng cộng đồng cấp cơ sở, các doanh nhân và các học giả đến từ các lĩnh vực khác nhau. Trong tất cả các dự án của chúng tôi, chúng tôi cố gắng mang sự khôn ngoan hiểu biết xuất hiện từ việc đưa Tin Mừng vào thực tiễn cùng với suy tư về kinh nghiệm sống đó. Chúng tôi hướng đến việc luôn luôn giữ những người trẻ tuổi ở tiền tuyến, để những vấn đề của họ và cảm giác về sự cấp bách của họ có thể mang lại năng lượng thúc đẩy cho những điều chúng tôi đang cùng nhau thực hiện. Và những người thuộc các giáo phái Kitô giáo khác nhau và các tôn giáo khác, cũng như những người không có niềm tin tôn giáo, chính là các tham dự viên không thể thiếu. Chúng tôi thậm chí không thể hình dung công việc của mình sẽ thế nào nếu như không có sự đối thoại và hợp tác sáng tạo đó. Chúng tôi cũng sẽ nhân dịp này để ra mắt Diễn đàn Focolare về Đối thoại & Văn hóa mới của chúng tôi như một phương tiện nhằm tạo sự hỗ trợ, gắn kết và liên tục hơn cho công việc của chúng tôi cùng với nhau.
Kinh tế sẽ trở thành trung tâm của sự chú ý tại hội nghị này. “Nền kinh tế Hiệp thông” (Economy of Communion) là gì?
Elizabeth Garlow: Vâng, hội nghị cũng bao trùm cuộc họp mặt thường niên của Hiệp hội Kinh tế Hiệp thông Bắc Mỹ (EOC). EOC xuất hiện vào năm 1991, trong chuyến thăm của chị Chiara Lubich đến Brazil, khi chị cùng với các cộng đồng địa phương suy nghĩ về cách thức đáp ứng nhu cầu vật chất cơ bản của các thành viên cộng đồng.
Cùng nhau suy ngẫm về Thông điệp “Cent Centimimus annus” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ý tưởng đã xuất hiện để khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp mang lại lợi nhuận vốn có thể tạo ra cơ hội công ăn việc làm phù hợp phẩm giá con người: (1) trực tiếp hỗ trợ những người nghèo khổ thiếu thốn; (2) các dự án giáo dục nhằm giúp thúc đẩy “văn hóa trao ban”; và (3) sự phát triển liên tục của doanh nghiệp. EOC cũng đã giúp thấm nhuần những suy tư trong Thông điệp “Caritas in veritate” của Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI về các mô hình kinh doanh “hỗn thuyết”.
Theo thời gian, các tham dự viên EOC ngày càng chú ý đến cách thức công việc của chúng tôi có thể phù hợp với các mục tiêu bền vững về môi trường. Ngoài ra, chúng tôi đã hợp tác với các mối liên hệ của trường đại học nhằm giúp truyền cảm hứng cho các chương trình giảng dạy kinh doanh mới và các cơ hội giáo dục cho những sinh viên tìm kiếm những thói quen thay thế trong kinh doanh và kinh tế. Các dự án khác bao gồm việc hỗ trợ cho các vườn ươm doanh nghiệp cho các doanh nhân trẻ ở Châu Phi và những nơi khác.
Tôi may mắn được có mặt vào tháng 2 năm 2017 khi ĐTC Phanxicô gặp gỡ các tham dự viên EOC nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập và Ngài khuyến khích chúng tôi lưu tâm đến việc nỗ lực nhỏ bé nhưng đầy tinh thần hăng hái của chúng tôi có thể giúp tạo ra một nền kinh tế toàn diện hơn và thậm chí thay đổi “các quy tắc của trò chơi trong hệ thống kinh tế xã hội”. Khi tôi dành thời gian chuyên nghiệp và nỗ lực của mình cho các lĩnh vực kinh doanh xã hội và đầu tư tác động, những lời của ĐTC Phanxicô đã truyền cảm hứng cho tôi để tiếp tục vươn tới những biên giới mới để thúc đẩy sự hiệp thông đích thực trên thị trường.
ĐTC Phanxicô sẽ tới Assisi vào tháng 3 tới để tham dự một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế quan trọng khác. Mục đích của chuyến đi đó là gì và phong trào Focolare có liên quan như thế nào?
Elizabeth Garlow: Thánh Phanxicô Assisi đã đối mặt với sự bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng bằng cách tước bỏ mọi vướng bận trần tục, trở nên nghèo với người nghèo, và khi làm như vậy, Ngài cũng đã đưa ra một tầm nhìn mới về đời sống kinh tế. Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 3 sắp tới, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ xây dựng dựa trên di sản này bằng cách quy tụ các nhà kinh tế và các doanh nhân trẻ tại Assisi để “bước vào ‘một giao ước’ để thay đổi nền kinh tế ngày hôm nay và mang lại linh hồn cho nền kinh tế trong tương lai”.
Dự án EOC quốc tế là một trong những nhà tổ chức chính thức của sự kiện, cùng với thị trấn và Giáo phận Assisi và Serafico, phối hợp với các Gia đình Phan Sinh tại Assisi và Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican. Luigino Bruni, giám đốc của dự án EOC quốc tế là chủ tịch của ủy ban về nội dung. Tại Hoa Kỳ, các sự kiện đang được lên kế hoạch để quy tụ các nhà kinh tế, các doanh nhân, các nhà thần học, các Tu sĩ sống đời tận hiến và nhiều người khác để cùng nhau tham dự một cuộc trò chuyện thiết thực về phản ứng của chúng ta đối với lời kêu gọi này vì một nền kinh tế đạo đức.
Di cư cũng sẽ là một chủ đề chính trong cuộc trò chuyện. Làm thế nào để nó được tính đến trong một nền kinh tế dành cho tất cả mọi người?
Carlos Bajo: Chúng tôi thừa nhận rằng những căng thẳng về kinh tế và chính trị là hết sức quyết liệt và không phải lúc nào cũng dễ dàng giải quyết. Nhưng trong các cuộc thảo luận được đánh dấu bởi việc sợ “tha nhân” và đánh mất bản sắc riêng, chúng tôi hy vọng sẽ thay đổi cách thức chúng ta suy nghĩ về sự hòa nhập kinh tế và xã hội.
Khi chúng ta sống tương thân tương ái với nhau – khả năng đánh giá những đóng góp mà mọi người có thể mang lại cho một xã hội – thì lúc đó những người bị gạt ra bên lề xã hội không còn bị coi như là những gánh nặng. Sự tương thân tương ái giúp chúng ta chào đón nhau như những con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và tôn vinh món quà của mọi người, và điều này đưa chúng ta vượt xa hoạt động từ thiện bác ái và hướng tới một cuộc sống “hiệp thông”.
Chương trình hội nghị sẽ không chỉ đề cao những ví dụ về phản ứng của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng ở biên giới phía nam của chúng ta, mà còn là cách thức các cộng đồng Focolare của chúng ta ở Hoa Kỳ, Canada và trên toàn cầu, được làm phong phú bởi kinh nghiệm di cư mà tỏng đó chúng ta hoan nghênh lời mời gọi của Thiên Chúa để chăm sóc lẫn nhau như một biểu hiện của sự hiệp nhất của gia đình nhân loại.
Minh Tuệ (theo Crux)