Hội nghị London về Dalits: phân biệt đối xử là một 'sự sỉ nhục' đối với xã hội

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 11-05-2017 | 15:14:44

Hội nghị do Mạng Lưới Kitô Giáo Chống Phân Biệt Đối Xử Đẳng Cấp tổ chức. Hệ thống đẳng cấp là một vấn đề lớn hiện nay ở Ấn Độ, ngay cả trong Giáo Hội. Đa số Dalits là người Công giáo. “Vatican tỏ ra quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, qua sự hiện diện của Đức Hồng y Turkson”.

dalit-caste“Việc phân biệt đối xử chống lại bất kỳ người nào ở bất cứ nơi nào đều là một sự sỉ nhục đối với xã hội.” Cha Z. Devasagayaraj, thư ký Văn phòng của Hội đồng Giám mục Ấn Độ về giai cấp Dalit và các giai cấp bị thiệt thòi, nói với AsiaNews như vậy. Ngài phát biểu bên lề một hội nghị về “Trách nhiệm của người Kitô hữu đói với những người Dalits và sự phân biệt giai cấp” được tổ chức ở Southwark (London), tại Nhà thờ St. George. Theo ngài, “cả thế giới phải lên án chủ nghĩa chủng tộc, nạn bài ngoại và nạn phân biệt chủng tộc. Chúng ta không thể ở yên không làm gì khi hiện tượng đó xảy ra ở đâu đó trên thế giới.”

Hội nghị đã diễn ra ngày 9 và ngày 10 tháng năm, do Mạng Lưới Kitô Giáo Chống Phân Biệt Đối Xử Đẳng Cấp (CNACD) tổ chức. Khách mời danh dự là Đức Hồng Y Peter Turkson, lãnh đạo Bộ Thúc Đẩy Sự Phát Triển Con Người Toàn Diện của Tòa Thánh vatican.

Ở Ấn Độ, vấn đề phân biệt đối xử đẳng cấp, đặc biệt là chống lại Dalits (tức là các “tiện dân”), là một vấn đề vẫn còn rất thời sự ngay cả trong hàng ngũ Giáo Hội Công Giáo. Đây là lý do tại sao năm ngoái các giám mục lần đầu tiên đã phải đưa ra một kế hoạch chính trị nhằm vượt qua sự loại trừ và giúp hội nhập các Dalits, vốn đa số là người Công giáo (12 triệu trong tổng số 19 triệu người).

Cha Devasagayaraj tuyên bố rằng “chúng ta phải lên án hệ thống giai cấp và những hành động kỳ thị, ngay cả trong lãnh vực việc làm. Vấn đề đẳng cấp không chỉ là một vấn đề của Ấn Độ, mà là của nhiều nước Nam Á, tức là bất cứ nơi nào có những người di cư”. Ngài nói thêm: “Chúng tôi rất tiếc rằng nhiều người vẫn phải chịu những sự đối xử phân biệt đẳng cấp.” Do đó việc tổ chức các hội thảo quốc tế về vấn đề đẳng cấp là rất quan trọng, vì nhờ đó, ánh sáng sẽ được soi vào sự phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại nặng nề không chỉ trong chính quyền, mà còn cả ngay trong cộng đồng Kitô giáo.”

Theo Đức Cha Sarat Chandra Nayak, Giám mục Berhampur, “vấn đề là quá lớn và chúng ta không thể xóa bỏ tội ác này mà không có sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Và điều quan trọng là các thiết chế làm tăng sự tập trung vào vấn đề này.” Các sự phân biệt đối xử đẳng cấp, ngài cho biết thêm, “tiếp tục là phổ biến và dai dẳng. Không chỉ vậy, với toàn cầu hóa, vấn đề đã được xuất khẩu và cùng với nó là những thách đố phải giải quyết. Bởi bây giờ nó đã trở thành một hiện tượng toàn cầu.”

Cha Bosco SJ, nhà hoạt động vì những người Dalit, tin rằng “áp lực quốc tế có thể ảnh hưởng lớn đến Giáo Hội và đất nước Ấn Độ.” Vị Cố vấn của Hội đồng Quốc gia về Dalit Kitô hữu kết luận rằng thật là ý nghĩa khi “Vatican quan tâm đến vấn đề này thông qua sự hiện diện của Đức Hồng y Turkson. Vatican cần phải giải quyết nhiều hơn nữa vấn đề Dalits, bởi vì hệ thống phẩm trật Giáo Hội thường quên rằng tội ác phân biệt đối xử này cũng hiện diện ngay trong hàng ngũ các giáo sĩ Ấn Độ.”

Ngọc Huỳnh (theo AsiaNews)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết