Hai năm sau khi được công bố, Thông điệp “Laudato Si” của ĐTC Phanxicô tiếp tục là một điểm tham chiếu có tác động mạnh mẽ đối với tất cả những ai đang tìm kiếm những phương thế nhằm bảo vệ tốt hơn Hành tinh Trái đất cho các thế hệ tương lai.
Tài liệu về ‘Chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta’ vốn được chờ đợi một cách nồng nhiệt đã được ĐTC Phanxicô ký vào ngày 24 tháng 5 năm 2015 và đã được trình bày tại một cuộc họp báo đặc biệt tại Vatican ba tuần lễ sau đó.
Hồi đầu tháng này, Đức Cha Paul Tighe người Ái Nhĩ Lan – Phụ tá Thư Kí Hội đồng Giáo Hoàng về Văn hoá, và bà Kerry Robinson – Giám đốc điều hành của Hội nghị lãnh đạo Quốc gia Hoa Kỳ về Quản lý Giáo hội, đã cùng nhau nhóm họp tại Trung tâm giáo dân tại Rome để thảo luận về tác động của tài liệu.
Tại hội nghị, với chủ đề “Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, chăm sóc lẫn nhau”, họ đã cùng tham gia với các thành viên thuộc ngoại giao đoàn của Tòa Thánh và các sinh viên của Trường Đại học Hồi giáo Cambridge Anh quốc và từ Trung tâm Thần học Hồi giáo tại Đại học Tübingen của Đức.
Trước sự kiện này, chúng tôi đã đề nghị Filipe Dominguez của Trung tâm giáo dân phát biểu với bà Kerry Robinson về tầm ảnh hưởng của ‘Laudato Si’ đối với Giáo hội tại Hoa Kỳ ….
Bà Robinson cho biết mạng lưới bao gồm các tu sĩ đã được thụ phong và các nhà lãnh đạo giáo dân mà bà cùng cộng tác đã tập trung vào những thách đố phức tạp trong việc quản lý mà Giáo hội Công giáo ngày nay hiện đang phải đối mặt. Những người này – bà Robinson cho biết – đã phản ứng một cách tích cực với tài liệu này, coi đây là “yếu tố thúc đẩy chúng ta tiếp tục củng cố Giáo hội”. Bà lưu ý rằng Thông điệp được viết cho “tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng cho người Công giáo, nâng cao nhu cầu quan trọng đối với tất cả chúng ta để trở nên những người quản lý tốt hơn đối với trái đất”.
ĐTC Phanxicô – bà Robinson nói – “đã làm một công việc khôn ngoan trong việc nối kết nhiều tệ nạn xã hội trong văn kiện này”, vì vậy, Thông điệp không chỉ bàn về trái đất và sự thay đổi khí hậu, mà còn về sự bất bình đẳng về của cải và một sự phê phán đối với chủ nghĩa tư bản phi tự do, cũng như “một tiếng kêu thúc giục” về sự ảnh hưởng không cân xứng đối với những người nghèo mà việc biến đổi khí hậu đã gây ra”.
Tập trung vào con người, chứ không phải lợi nhuận
Bà Robinson lưu ý rằng một số doanh nhân đã nhận thấy tài liệu này là một “thách đố mang tính cá nhân” nhưng hầu hết đều xem nó như là “một khởi đầu quan trọng của việc đối thoại”, mà qua đó họ có một điều rất vô cùng giá trị để đóng góp. ĐTC Phanxicô – bà Robinson nhấn mạnh – “mời gọi tất cả mọi người hãy cùng gặp gỡ những người khác, để tự vấn lương tâm mỗi người chúng ta và cùng nhau đưa ra các giải pháp”, không chỉ tập trung vào vấn đề lợi nhuận cho các cổ đông mà còn quan tâm đến vấn đề phẩm giá con người.
Bản chất tiền bạc tốt hay xấu?
Bà Robinson chia sẻ rằng bà đã dành “tất cả quãng đời của một người trưởng thành của mình để suy ngẫm về vai trò của tiền bạc, vậy bản chất của tiền bạc là tốt hay xấu?”. Có một sự mâu thuẫn nội tại về mặt thần học đối với vấn đề tiền bạc – bà Robinson nói – và trong khi bà không có câu trả lời, bà chia sẻ rằng bà biết câu hỏi là một trong những điều quan trọng để đấu tranh.
Các cộng đồng tín ngưỡng cùng quy tụ với nhau
Khi xem xét những vấn đề về các hệ sinh thái mỏng manh, nạn buôn người, tình trạng di dân cưỡng bức và cảnh đói nghèo cùng cực – bà Robinson nói – có một khuynh hướng đó là người ta rất dễ bị tuyệt vọng. Tuy nhiên, hành động của các nhà lãnh đạo của tất cả các tôn giáo, khi cùng nhau quy tụ quanh những mối bận tâm chung này mà thế giới chúng ta hiên nay đang phải đối diện là một dấu hiệu của niềm hy vọng đối với những người có hoặc không có đức tin.
Sự sợ hãi không được dùng để gây nguy hiểm cho người khác
Bà Robinson nói rằng bà “tự hào là một công dân Hoa Kỳ” nhưng bà cũng bận tâm đến những đau khổ mà bà đã chứng kiến xung quanh bà và phản ứng của nền chính trị dân chủ vào lúc này. “Khi tôi nhìn thấy nỗi sợ hãi là yếu tố thúc đẩy chính để ngăn cách mọi người, hoặc gây nguy hiểm lẫn nhau, tôi biết điều đó không thuộc về Thần Khí”, bà Robinson nói.
Minh Tuệ chuyển ngữ