Hội nghị khoáng đại của Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên

Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên (PCPM) đã họp phiên khoáng đại vào tuần trước, diễn ra từ ngày 8/9 đến 11/9 tập trung sự chú ý vào ba lĩnh vực chính yếu như: Giáo dục, việc thành lập ‘Ngày cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ lạm dụng’ và Tự sắc (Motu Proprio) “Như mẹ hiền yêu thương” của Đức Thánh Cha, về trách nhiệm lãnh đạo của Giáo Hội.

20160914 Hoi NghiPhiên họp khoáng đại cũng nhận ra tầm quan trọng của nền công nghệ kỹ thuật số đồng thời công bố Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên sẽ ra mắt trang web riêng của mình.

Các nhóm làm việc tập trung vào việc cập nhật những dự án hiện tại đồng thời khai triển những dự thảo đề xuất với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Dưới đây là bản tuyên bố tại phiên họp của Hội Đồng Giáo Hoàng:

Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên đã nỗ lực làm việc trong suốt năm qua và họ đã có mặt tại Rôma từ ngày 5/9 đến 11/9 vừa qua để gặp gỡ các Nhóm làm việc và tham dự phiên họp khoáng đại.

Các nhóm làm việc tập trung vào việc cập nhật những dự án hiện tại đồng thời khai triển những dự thảo đề xuất với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chẳng hạn như, Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên đã phát triển một khuôn mẫu nhằm thực hiện việc hướng dẫn trong việc bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên cũng như những người trưởng thành dễ bị tổn thương, mà chúng tôi sẽ sớm trình lên Đức Thánh Cha xem xét phê duyệt.

Đào tạo là một vấn đề chính yếu

Điểm nổi bật của phiên họp khoáng đại này đó là báo cáo của các thành viên về tiến độ đang diễn ra của các chương trình giáo dục, cả ở cấp độ địa phương lẫn tại Vatican.

Những sáng kiến này là một phần trong những nỗ lực của Hội đồng Giáo Hoàng nhằm phục vụ Đức Thánh Cha bằng cách dùng những chuyên môn của họ để phục vụ tại các Giáo Hội địa phương với tư cách là những người lãnh đạo giáo hội. Các thành viên thuộc Hội đồng Giáo Hoàng cũng được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại nhiều cuộc hội thảo khác nhau tại tất cả năm châu lục trên thế giới.

Các cuộc hội thảo này bao gồm: buổi nói chuyện và hội thảo được tổ chức tại Úc, thuộc Tổng Giáo Phận Melbourne; ở Nam Phi (SACBC), một chương trình định hướng cho các nhà truyền giáo mới; tại Philippines [CBCP], một hội thảo dành cho Tổng Giáo Phận Manila; tại Colombia, một buổi nói chuyện với các hàng giáo sĩ thuộc Tổng Giáo Phận Bogotá, một hội thảo với các cộng đoàn các tu sĩ, buổi hội thảo với các Đại Chủng Viện và buổi hội thảo với các nhà lãnh đạo truyền giáo; tại Mỹ, một buổi nói chuyện với “các điều phối viên Quốc gia Hoa Kỳ về Môi trường an toàn và hỗ trợ các nạn nhân”; một buổi hội thảo tại Fiji; New Zealand, một loạt các cuộc hội đàm và hội thảo với các Giám mục và các nhà lãnh đạo tôn giáo; tại Ghana, một buổi họp với các Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Phi Châu và Madagascar; một cuộc họp tại Tanzania với các học viên bảo vệ trẻ em đến từ Hiệp hội các Hội thành viên trực thuộc Hội đồng Giám Mục Đông Phi [AMECEA] tại Argentina, một buổi thảo luận với các chủng sinh và giáo sĩ thuộc Giáo phận Moron, Buenos Aires; tại Santo Domingo, một cuộc họp với năm mươi thành viên đến từ mười ba quốc gia khác nhau thuộc Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh [CELAM]; một cuộc họp với Giám Mục và các Tiến sĩ giáo luật của Slovakia và Cộng hòa Séc; tại Ý, một cuộc hội thảo với các Bề trên các Tu viện thuộc Dòng Thánh Benedictine và tham dự Hội nghị về Bảo vệ cộng đồng những người nói tiếng Anh.

Trong bối cảnh của Tòa Thánh, các thành viên thuộc Hội Đồng Giáo Hoàng đã được mời phát biểu tại những buổi hội nghị của Học viện Giáo hoàng và Thánh Bộ Về Đời Sống Thánh Hiến.

Trong những tuần tới, thành viên thuộc Hội đồng Giáo Hoàng cũng đã được mời để phát biểu tại buổi huấn luyện dành cho các Tân Giám mục mới do Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc tổ chức, một Hội nghị của Bộ Giáo Sĩ và buổi huấn luyện dành cho các Tân Giám mục do Bộ Giám Mục tổ chức.

Các chương trình đào tạo khác cũng đã được lên kế hoạch trong những tháng tới bao gồm các buổi hội thảo tại Mexico, Ecuador và với Hội đồng Giám mục Colombia.

Hội Đồng cũng đã được mời phát biểu tại Hội nghị các Bề tại Hoa Kì và tổ chức hội thảo dành cho Liên đoàn các Giám mục Châu Á [FABC].

Ngày cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ lạm dụng

Một nạn nhân của nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em đã đề nghị Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên thành lập ‘Ngày cầu nguyện cho các nạn nhân’. Hội đồng tin rằng việc cầu nguyện chính là một phần trong quá trình chữa lành đối với các nạn nhân cũng như cộng đồng các tín hữu. Việc cầu nguyện công cộng cũng là một phương thế quan trọng trong việc nâng cao nhận thức trong Giáo Hội.

Đức Thánh Cha đã yêu cầu Hội Đồng Giám Mục quốc gia chọn một ngày thích hợp để cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục như một phần trong sáng kiến của Ngày thế giới cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ lạm dụng.

Hội Đồng Giáo Hoàng đã rất vui mừng khi nhận thấy rằng nhiều Hội Đồng Giám Mục đã thực hiện việc ban hành sáng kiến này.

Chúng tôi được biết rằng tại Australia, Giáo Hội trong cả nước đã đánh dấu Ngày Cầu Nguyện cho các nạn nhân của những vụ lạm dụng vào ngày Chúa nhật 11/9, kết hợp với ngày Quốc khánh của họ để cầu nguyện cho việc bảo vệ trẻ em.

Các Giám mục Philippines cũng đã bắt đầu thảo luận về những phương thế tốt nhất để có thể thực hiện ngày cầu nguyện này và sẽ sớm công bố một ngày cụ thể.

Hội đồng Giám mục Nam Phi [SACBC] đã chấp nhận việc đề nghị dành ba ngày – từ thứ Sáu ngày 2/12 đến Chúa Nhật 4/12 Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng – để  cầu nguyện cho các nạn nhân. Các giáo xứ sẽ dành ngày Thứ Sáu cho việc ăn chay, đồng thời, sẽ có một buổi cầu nguyện sám hối vào ngày thứ bảy và vào ngày Chúa nhật, một lá thư mục vụ do Hội đồng Giám mục Nam Phi biên soạn, sẽ được đọc ra tại tất cả các giáo xứ.

Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên đã chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực cũng như mọi thứ cần thiết cho Ngày thế giới cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ lạm dụng, đồng thời, Hội Đồng Giáo Hoàng cảm thấy rất vui mừng vì sáng kiến này đã nhận được nhiều sự ủng hộ.

Tự sắc “Như mẹ hiền yêu thương”

Tự sắc “Như mẹ hiền yêu thương” của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đem ra bàn luận. Trách nhiệm trong việc đối diện với những vụ bê bối lạm dụng tình dục trẻ em bởi hàng giáo sĩ đã trở thành một mối bận tâm đối với Hội Đồng Giáo Hoàng.

Vào tháng Hai năm 2015, Hội Đồng Giáo Hoàng đã đề nghị với Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến trách nhiệm của các Giám mục. Trong tự sắc “Như mẹ hiền yêu thương”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vượt ra khỏi trách nhiệm của các Giám mục và xem điều này như nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên đã hoan nghênh chủ trương này.

Sắp ra mắt website của Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên

Sự hiện diện của chúng ta trong thế giới kỹ thuật số được xem như một chìa khóa nhằm thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực của Hội Đồng Giáo Hoàng trong việc hợp tác với các Giáo Hội địa phương cũng như phổ biến tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người trưởng thành vốn dễ bị tổn thương. Trong những tháng tới, Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên sẽ ra mắt trang web riêng của mình. Đó cũng là niềm hy vọng của mỗi người chúng ta vì đây sẽ là một nguồn hữu ích đối với toàn Giáo Hội cũng như tất cả những người thành tâm thiện chí hướng tới công ích chung, từ đó, Giáo Hội cũng như xã hội chúng ta sẽ trở thành một ngôi nhà an toàn đối với tất cả mọi người. Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên đã được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào tháng Ba năm 2014. Văn kiện chính thức của Đức Thánh Cha trình bày cụ thể: “Nhiệm vụ cụ thể của Hội Đồng Giáo Hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên đó là nhằm cùng với tôi đưa ra những sáng kiến thuận lợi nhất cho việc bảo vệ trẻ vị thành niên cũng như những người trưởng thành vốn dễ bị tổn thương, để chúng ta có thể nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo những vụ bê bối lạm dụng tình dụng như đã từng xảy ra sẽ không lặp lại trong Giáo Hội nữa. Hội Đồng Giáo Hoàng này có nhiệm vụ thúc đẩy trách nhiệm của địa phương tại các Giáo Hội địa phương, nỗ lực cùng với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin trong việc bảo vệ tất cả những trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương”.

Minh Tuệ (theo Radio Vatican)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết