Hội nghị Dòng Tên Châu Phi kêu gọi hòa bình tại Cameroon

Một phụ nữ di dời nội bộ từ phía tây bắc Cameroon (AFP hoặc người cấp phép)

Một phụ nữ bị buộc di tản đến từ Tây Bắc Cameroon (Ảnh: AFP)

Hội nghị Dòng Tên của Châu Phi và Madagascar đã lên tiếng về cuộc đối thoại hòa bình toàn diện tại tây bắc Cameroon, giữa bối cảnh của những cuộc đụng độ bạo lực làm thiệt mạng hàng chục người.

Bề trên Thượng cấp Dòng Tên của Châu Phi và Madagascar đã phát hành một thông cáo báo chí ủng hộ hòa bình và đối thoại toàn diện ở khu vực Tây Bắc và Tây Nam của Cameroon.

Thông cáo báo chí đã được ban hành do mối lo ngại ngày càng gia tăng về tình trạng bạo lực và các vụ thiệt mạng ở khu vực nói tiếng Anh của Cameroon kể từ năm 2016, do cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và phe ly khai đang tìm cách tạo ra một nhà nước nói tiếng Anh độc lập có tên là “Ambazonia”.

Tuyên bố được ký bởi Linh mục Agbonkhianmeghe Orobator SJ., Chủ tịch Hội nghị Dòng Tên của Châu Phi và Madagascar (JCAM), đã lên án việc liên tục sử dụng vũ lực bởi các nhóm dân quân chính phủ Cameroon, đồng thời cũng cho biết rằng nó đã dẫn đến các vụ thiệt mạng của những thường dân vô tội.

Tuyên bố được đưa ra gần đây sau vụ tấn công vào ngày 14 tháng 2 tại làng Ngar-buh thuộc Phân khu Donga Mantung ở Tây Bắc Cameroon, nơi có ít nhất 30 người, trong đó có 10 trẻ em và một số phụ nữ mang thai bị giết hại và nhiều ngôi nhà bị đốt cháy.

JCAM kêu gọi Tổng thống Cameroon Paul Biya và chính phủ của ông “vượt qua các biện pháp đàn áp và chịu trách nhiệm trong việc tìm kiếm giải pháp lâu dài hơn cho cuộc khủng hoảng thông qua các cuộc đàm phán qua trung gian”.

Hòa bình thông qua đối thoại

“Cuộc đối thoại toàn diện liên quan đến những phần tử ly khai Anglophone là giải pháp bền vững duy nhất đối với tình trạng bạo lực”, tuyên bố cho biết.

Đề xuất các giải pháp thay thế cho tình trạng bạo lực, Hội nghị Dòng Tên đã chỉ ra “Sáng kiến Thụy Sĩ” (Swiss Initiative) như là một cơ hội cho cuộc đối thoại chân thành. “Swiss Initiative”, một tổ chức phi chính phủ khởi xướng và hỗ trợ các dự án văn hóa ở các nước xung đột, được hỗ trợ bởi một nhóm bao gồm các Giám mục Công giáo từ khắp nơi trên thế giới và đồng thời tìm cách đưa các nhóm ly khai vào cuộc đối thoại để có được giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng.

JCAM cũng kêu gọi chính phủ Cameroon “bảo đảm việc tôn trọng nhân quyền và quyền tự do ngôn luận và quyền tự do bày tỏ”.

Lời kêu gọi hòa bình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Trong thông điệp của mình nhân Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 53, được cử hành vào ngày 1 tháng 1 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý rằng, “cộng đồng nhân loại của chúng ta đã phải chịu đựng, trong ký ức và trong chính thân mình của nó, những vết sẹo của những cuộc chiến tranh và xung đột tàn khốc hơn vốn ảnh hưởng đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương” trong khi kêu gọi hòa bình trên thế giới.

Nhắc lại sự bận tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô, các Tu sĩ Dòng Tên ở Châu Phi lưu ý rằng “Hòa bình chỉ có thể đạt được trên cơ sở luân lý của tinh thần liên đới và sự hợp tác toàn cầu trong việc phục vụ một tương lai được định hình bởi sự phụ thuộc lẫn nhau và tinh thần trách nhiệm chung trong toàn thể đại gia đình nhân loại hôm nay và ngày mai”.

Tình hình tại Cameroon

Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1961 và sự thống nhất của Cameroon thuộc Pháp và Anh, mối quan hệ giữa cộng đồng Pháp ngữ chiếm đa số và cộng đồng Anh ngữ chiếm thiểu số đã trở nên căng thẳng.

Năm 2016, mối quan hệ của họ đã leo thang trở thành các cuộc đụng độ bạo lực sau khi tổng thống cố gắng áp đặt tiếng Pháp trong các khu vực nói tiếng Anh.

Kể từ đó, tình trạng bạo lực liên tục gián đoạn đã nổ ra ở nước này và dẫn đến ước tính 2.000 người chết và hàng trăm ngàn người bị buộc phải di tản sang quốc gia láng giềng Nigeria.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết