
Đức Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga thả một con chim bồ câu mừng Lễ Truyền Tin trước Lễ Phục sinh Chính thống giáo trước Nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Moscow, Nga, thứ Năm, ngày 7 tháng 4 năm 2022 (Ảnh: AP / Alexander Zemlianichenko)
Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC) đang chịu áp lực phải loại bỏ Giáo hội Chính thống Nga (ROC) khỏi hàng ngũ của mình, với những người gièm pha lập luận rằng nhà lãnh đạo của Giáo hội này, Thượng phụ Kirill, đã bác bỏ tư cách thành viên của mình bằng cách ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine và lôi kéo Giáo hội này vào âm mưu chính trị toàn cầu của Tổng thống Nga Putin.
Cuộc tranh luận đã nhận được phản hồi hôm thứ Hai ngày 11 tháng 4 từ Linh mục Ioan Sauca, Quyền Tổng thư ký của WCC, tổ chức tuyên bố có 352 Giáo hội thành viên đại diện cho khoảng 580 triệu Kitô hữu trên khắp thế giới.
Cha Sauca, một Linh mục thuộc Giáo hội Chính thống Romania, người đã đến thăm những người tị nạn Ukraine và công khai chỉ trích phản ứng của Đức Thượng phụ Kirill đối với cuộc xâm lược, đã bác bỏ đề xuất trục xuất ROC, đồng thời cho rằng việc làm như vậy sẽ đi chệch khỏi sứ mmạng lịch sử của WCC là tăng cường đối thoại đại kết.
“Loại trừ và tuyệt thông thì dễ; nhưng chúng ta được mời gọi với tư cách là WCC để sử dụng một nền tảng của sự gặp gỡ và đối thoại tự do và thận trọng để gặp gỡ và lắng nghe lẫn nhau thậm chí ngay cả khi và khi chúng tôi không đồng thuận”, Linh mục Sauca nói trong một loạt những tuyên bố dài đăng trên trang web của WCC.
“Đây luôn là sứ mạng của WCC, và tôi sẽ rất đau khổ nếu trong thời gian của tôi, ơn gọi này sẽ bị mất đi và bản chất của WCC thay đổi”.
Nhưng Linh mục Sauca có thể đang phải đối mặt với những cơn gió ngược ngày càng tăng khi WCC, một nhóm đại kết Kitô giáo toàn cầu được thành lập vào năm 1948 sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chuẩn bị cho một cuộc họp quan trọng của ủy ban trung ương vào tháng Sáu tới. Với cuộc chiến tiếp tục hoành hành ở Ukraine, nơi các lực lượng Nga bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh chống lại dân thường, một sự đồng thanh ngày càng tăng của những tiếng nói Kitô giáo đang đặt vấn đề liệu WCC có nên cắt đứt quan hệ với những gì được coi là đồng lõa với ROC hay không.
Vào cuối tháng 3, thần học gia, Mục sư và nhà lãnh đạo đại kết người Séc Pavel Cerný đã xuất bản một bài xã luận nhấn mạnh rằng ROC từ lâu đã tìm cách lợi dụng WCC cho các mục đích riêng của mình. Trước sự ủng hộ của Đức Thượng phụ Kirill đối với cuộc xâm lược Ukraine, Mục sư Cerný cho biết rằng “không nên cho phép ROC tiếp tục là thành viên của WCC cho đến khi họ thoát ra khỏi con đường sai lầm của chủ nghĩa dân tộc tôn giáo”.
Hai ngày sau, Mục sư Rob Schenck, một Kitô hữu Tin lành và là Chủ tịch của Viện Dietrich Bonhoeffer ở Washington, D.C., đã xuất bản bài xã luận cá nhân trên trang RNS, kêu gọi WCC trừng phạt Đức Thượng phụ Kirill và coi ông là “một công cụ tuyên truyền cho Putin”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill vỗ tay trong buổi lễ khánh thành tượng đài Vladimir Đại đế nhân Ngày Thống nhất Quốc gia bên ngoài Điện Kremlin ở Moscow, Nga, thứ Sáu, ngày 4 tháng 11 năm 2016 (Ảnh AP / Alexander Zemlianichenko)
“Những người ủng hộ nỗ lực trục xuất Thượng phụ Kirill khỏi WCC tin rằng ông đã tự loại bỏ tư cách thành viên của thực thể Giáo hội mà ông đại diện bằng cách thực sự tán thành chiến dịch quân sự của Putin nhằm thôn tính Ukraine và không phản đối bạo lực hàng loạt kèm theo chống lại một quốc gia hòa bình”, Mục sư Schenck viết.
Những lời của Mục sư Schenck đã được nhắc lại ngay sau đó Đức nguyên Tổng Giám mục Rowan Williams Địa phận Canterbury, người từng là người đứng đầu Hiệp hội Anh giáo, người phát biểu với BBC rằng có một “chứng cớ mạnh mẽ” cho việc loại bỏ Giáo hội Nga khỏi WCC.
“Khi một Giáo hội đang tích cực ủng hộ một cuộc chiến tranh xâm lược, không lên án những vi phạm rõ ràng một cách trần trụi trong bất kỳ hình thức ứng xử đạo đức nào trong thời chiến, thì các Giáo hội khác có quyền đặt vấn đề và phản đối Giáo hội này và nói: ‘Trừ khi bạn có thể nói… một điều gì đó mang tinh thần Kitô giáo có thể được nhận biết về điều này, chúng tôi phải xem xét lại tư cách thành viên của bạn”, Đức Tổng Giám mục Williams nói.
Sự phản đối này là một phần của làn sóng chỉ trích rộng lớn hơn nhắm vào Đức Thượng phụ Kirill, người từ lâu đã ủng hộ tham vọng chính trị của Putin và đặt nền tảng tâm linh để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Những lời hùng biện của Đức Thượng phụ Kirill, kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu – chẳng hạn như ám chỉ kẻ thù của Nga ở Ukraine là “những thế lực xấu xa” và cho rằng cuộc chiến là một phần của cuộc chiến “siêu hình” lớn hơn chống lại phương Tây và “các cuộc diễu hành đồng tính” – đã gây ra sự phẫn nộ giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới, bao gồm cả chính Linh mục Sauca, Quyền Tổng thư ký của WCC.

Linh mục Giáo sư Tiến sĩ Ioan Sauca, Quyền Tổng thư ký, Hội đồng các Giáo hội Thế giới (Ảnh: Ivars Kupcis / WCC)
“Tôi viết thư cho ngài Thượng phụ với tư cách là Quyền Tổng thư ký của WCC nhưng cũng với tư cách là một Linh mục Chính thống giáo”, Linh mục Sauca viết trong một bức thư ngỏ gửi Đức Thượng phụ Kirill vào tháng Ba. “Xin hãy lên tiếng và nói thay cho những anh chị em đang đau khổ, hầu hết họ cũng là những thành viên trung thành của Giáo hội Chính thống của chúng ta”.
Đức Thượng phụ Kirill, người không nói nhiều về những lời chỉ trích chống lại mình, đã trả lời Linh mục Sauca vài ngày sau đó – nhưng tỏ ra không lay chuyển trước những lập luận đó. Thay vào đó, Đức Thượng phụ Kirill lại nhấn mạnh: “Tòa Thượng phụ tuyên bố trách nhiệm đối với cuộc chiến không nằm ở Nga mà là do “các mối quan hệ giữa phương Tây và Nga”.
Cuộc đối thoại phù hợp với mối quan hệ đôi khi căng thẳng giữa ROC và WCC đã có từ nhiều thập kỷ trước. Trên thực tế, Giáo hội Chính thống Nga từng đe dọa rút khỏi WCC vào năm 1997: đại diện của ROC khi đó cáo buộc WCC đã đi theo hướng quá tự do, đồng thời chỉ trích “việc họ chấp nhận các nữ Linh mục” và “thái độ của họ đối với người đồng tính”.
Bà Sarah Riccardi-Swartz, một chuyên gia về Giáo hội Chính thống Nga và là nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Đại học Bang Arizona về ‘Tìm lại Sự thật: Tôn giáo, Báo chí và Dân chủ trong dự án kỷ nguyên Hậu Sự thật’, đã lưu ý “chính trị mang tính đại kết, quân bình và thường cấp tiến của WCC đã mâu thuẫn với chính trị xã hội chát tai và thế giới quan đạo đức của ROC”.
Mặc dù vậy, những chia rẽ gần đây trong cộng đồng Kitô giáo Chính thống giáo rộng lớn hơn – đặc biệt là căng thẳng giữa Đức Thượng phụ Kirill và Đức Thượng phụ Bartholomew I của Constantinople thuộc Giáo hội Chính thống Đông phương – làm gia tăng nguy cơ rời WCC. Nhiều nhà thờ thuộc ROC trước đây ở Ukraine đã tuyên bố độc lập khỏi Giáo hội vào năm 2018, và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc kể từ cuộc xâm lược: Một số nhà thờ Chính thống giáo Nga ở Ukraine đã không còn nhắc đến tên của Đức Thượng phụ Kirill trong các nghi lễ của họ hoặc thảo luận về việc ly khai, và ít nhất một nhà thờ thuộc ROC ở Amsterdam đã bắt đầu quá trình rời bỏ truyền thống.
“Vấn đề về việc rời bỏ hay tiếp tục tư cách thành viên với ROC, một phần phải đặt ra câu hỏi lớn hơn về sự hiệp thông trong Chính thống giáo”, bà Riccardi-Swartz phát biểuvới RNS. “Việc rời khỏi WCC có thể báo hiệu sự thắt chặt các cơ chế thần học nộ bộ của ROC, dẫn đến một cuộc chia rẽ tiềm tàng với thế giới Chính thống giáo rộng lớn hơn”.
George E. Demacopoulos, Giáo sư thần học và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo Chính thống tại Đại học Fordham, đồng tình với ý kiến trên.
“Mong muốn tiếp tục ở lại WCC của ROC, bất chấp những lời phản đối khoa trương liên tục rằng mọi thứ ở phương Tây đều xấu xa, rằng các Giáo hội Chính thống giáo khác đang hoạt động ở đó và họ không muốn bị bỏ rơi”, Giáo sư Demacopoulos cho biết trong một email. “Họ không muốn Giáo hội Công giáo La Mã hoặc Anh giáo, hoặc bất kỳ ai khác… nói thay cho Chính thống giáo, họ muốn trở thành người phát ngôn cho Chính thống giáo, mặc dù thực tế là họ chỉ nói thay cho lớp vỏ thể chế của Giáo hội Nga”.
WCC đã triệu tập một phiên họp bàn tròn đặc biệt về chủ đề Ukraine vào cuối tháng Ba. Mặc dù đại diện của Ukraine và Nga không thể tham dự, nhóm tập hợp đã đưa ra tuyên bố tố cáo “hành động xâm lược quân sự do lãnh đạo Liên bang Nga phát động chống lại người dân của quốc gia Ukraine có chủ quyền” và đồng thời khẳng định quyền của người Ukraine được “tự vệ chống lại hành động gây hấn này”.
“Chúng tôi chia sẻ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng không có cách thức nào hợp pháp mà hành động gây hấn có vũ trang và những hậu quả khủng khiếp của nó có thể được biện minh hoặc dung thứ từ quan điểm của các nguyên tắc đức tin Kitô giáo nền tảng nhất của chúng ta”, theo nội dung tuyên bố.
Trong khi đó, Đức Thượng phụ Kirill tiếp tục đối mặt với sự phản đối gay gắt từ nhiều nhà lãnh đạo Kitô giáo, từ Đức Thánh Cha Phanxicô cho đến một số Linh mục Chính thống giáo Nga thuộc Tòa Thượng phụ này.
Đối với vấn đề về việc trục xuất, phát ngôn viên của WCC phát biểu với RNS rằng chỉ có ủy ban trung ương của nhóm, nhóm họp tại Geneva từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 6, mới có thể trục xuất một giáo phái thành viên. Cơ sở để đình chỉ được nêu trong Hiến pháp của WCC: “Ủy ban trung ương có thể đình chỉ tư cách thành viên của một Giáo hội: (i) theo yêu cầu của Giáo hội đó; (ii) vì nền tảng, hoặc các tiêu chí thần học, của tư cách thành viên không được Giáo hội đó duy trì hoặc; (iii) bởi vì Giáo hội đó đã liên tục lơ là trách nhiệm thành viên của mình”.
Trong những phát biểu gần đây của mình, Linh mục Sauca lưu ý rằng rất hiếm khi có trường hợp nào bị trục xuất khỏi WCC. Linh mục Sauca đã chỉ ra các cuộc tranh luận trong quá khứ, chẳng hạn như khi các nhà lãnh đạo thảo luận về việc có nên loại bỏ Giáo hội Cải cách Hà Lan do ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi hay không. Cuối cùng, Linh mục Sauca nói, Giáo hội này đã tự mình cắt đứt quan hệ với WCC, chỉ có thể được thông qua sau đó.
Linh mục Sauca lưu ý rằng cũng có cuộc tranh luận gay gắt về Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất khi các nhà lãnh đạo WCC tập hợp vào năm 1991, với nhiều phái đoàn chỉ trích đến từ Giáo hội Anh và các Giáo hội có trụ sở tại Hoa Kỳ.
“WCC đã không chọn một giải pháp triệt để, hoặc quyết định loại trừ những Giáo hội đó”, Linh mục Sauca nói.
Linh mục Sauca lưu ý rằng Giáo hội duy nhất bị xóa khỏi WCC trong những năm gần đây là Giáo hội Kimbanguist, một truyền thống có trụ sở tại Cộng hòa Dân chủ Congo mà WCC đã đình chỉ do những bất đồng liên quan đến cách giải thích của họ về Chúa Ba Ngôi, một khái niệm Kitô giáo liên quan đến bản chất của Thiên Chúa.
Minh Tuệ (theo RNS)