Năm ngoái Hoa Kỳ một lần nữa đứng đầu toàn cầu về doanh số bán vũ khí, ký các hợp đồng khoảng 40 tỷ $, tức là ½ thỏa thuận mua bán tại các chợ buôn bán vũ khí trên toàn thế giới, và vượt xa nước Pháp, quốc gia đứng thứ 2 với 15 tỷ $ doanh số bán vũ khí, theo một nghiên cứu mới đây.
Các quốc gia đang phát triển tiếp tục là khách hàng mua vũ khí lớn nhất trong năm 2015. Qatar ký các hợp đồng mua vũ khí tổng cộng hơn 17 tỷ $ năm ngoái; tiếp theo là Ai Cập, nước đồng ý mua gần 12 tỷ $, và Ả Rập Saudi, với hơn 8 tỷ $.
Mặc dù vậy, nghiên cứu cho thấy, các căng thẳng trên toàn cầu và các mối đe dọa khủng bố đã có vài dấu hiệu suy giảm, tổng doanh số của thương mại vũ khí toàn cầu giảm xuống còn khoảng 80 tỷ $ trong năm 2015 từ tổng số 89 tỷ $ vào năm 2014. Các quốc gia đang phát triển đã mua 65 tỷ $ vũ khí trong năm 2015, thấp hơn so với tổng cộng 79 tỷ $ của năm trước.
Hoa Kỳ và Pháp tăng doanh thu bán vũ khí cho nước ngoài vào năm 2015. Doanh thu của Hoa Kỳ đã tăng khoảng 4 tỷ $ và giao dịch của Pháp tăng hơn 9 tỷ $.
Bản báo cáo, “Vũ khí thông thường chuyển đến các nước đang phát triển, 2008-2015”, đã được thực hiện bởi Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Hoa Kỳ, một bộ phận phi đảng phái của Thư viện Quốc hội, và đã được đệ trình cho các nhà lập pháp Hoa Kỳ vào tuần trước. Đây là bản đánh giá hàng năm được coi là bản đánh giá toàn diện nhất về doanh số bán vũ khí toàn cầu, trong hình thức không phân biệt các loại vũ khí. Báo cáo có tính đến các mức độ lạm phát, do đó tổng số bán hàng có thể được so sánh theo từng năm.
Việc bán vũ khí ra nước ngoài có suy giảm, “một phần là do tình trạng suy yếu của nền kinh tế toàn cầu”, Catherine A. Theohary, một chuyên gia chính sách an ninh quốc gia tại Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Hoa Kỳ và là tác giả của nghiên cứu, đã viết.
“Những lo ngại về các vấn đề ngân sách trong nước đã khiến nhiều quốc gia phải hoãn việc mua hoặc hạn chế việc mua các hệ thống vũ khí mới” – bà nói thêm. “Một số quốc gia đã lựa chọn hạn chế mua vũ khí để nâng cấp các hệ thống hiện có cũng như các dịch vụ đào tạo và hỗ trợ.”
Nga, một quyền lực thống trị khác trong thị trường vũ khí toàn cầu, đã cho thấy một sự suy giảm nhẹ trong đơn đặt hàng vũ khí của họ, giảm còn 11,1 tỷ $ trong doanh thu từ tổng số 11,2 tỷ $ của năm 2014. Các quốc gia Mỹ Latinh, đặc biệt là Venezuela, đã trở thành một điểm nhấn trong tiếp thị vũ khí của Nga, nghiên cứu cho thấy.
Trung Quốc kiếm được 6 tỷ $ trong việc bán vũ khí, tăng so với tổng số trên 3 tỷ $ của năm 2014.
Ngoài ra, trong số các nhà sản xuất vũ khí là các đồng minh NATO, nước Đức đã thành công trong việc tiếp thị hệ thống hải quân cho các nước đang phát triển, trong khi nước Anh đã làm điều tương tự với máy bay chiến đấu, theo báo cáo này.
Việc bán vũ khí ở nước ngoài có ý nghĩa nhất đối với Hoa Kỳ vào năm ngoái, bao gồm các thỏa thuận mới với Ả Rập Saudi, Iraq, Qatar và Hàn Quốc.
Hơn tất cả, những khách hàng lớn nhất của thị trường vũ khí vào năm 2015 trong thế giới đang phát triển là Qatar, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Hàn Quốc, Pakistan, Israel, Vương quốc Ả Rập thống nhât và Iraq. Sau Hoa Kỳ, Pháp, Nga và Trung Quốc, nghiên cứu cho thấy các nhà cung cấp vũ khí toàn cầu chính yếu là Thụy Điển, Ý, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Israel.
Thom Shankerdec (The New York Times)
Vũ Minh dịch