“Làm từ thiện, để làm gì? Để làm gì?” – Một câu hỏi gây tổn thương cho những ai có lương tri
Làm từ thiện vì ai, làm vì động cơ nào? Đó là nội dung hai lần phát sóng trên VTV1 trong “60 phút mở” đã gây nên cơn “bão”, làm nhiều người bàng hoàng, cảm thấy bị tổn thương vì sự ác độc, tính phi nhân và vô văn hóa của nó. Dù dây là “không gian mở” cho mọi luồng ý kiến được tự do phát biểu, nhưng những phát biểu cũng phải dựa trên những chuẩn mực đạo đức, trên lương tri và lương tâm của “Con Người” trước vấn đề nghèo khổ của đồng bào, đồng loại, chứ không phải của những “Con vật có dạng Người”! Vì thế nhiều người đã cho rằng: những người làm chương trình này có vấn đề về mặt nhân cách.
“Phẩm giá của sự sống con người đang bị đe dọa… Lòng thương xót đích thực không tìm cách cách ly, nhục mạ hoặc loại trừ kẻ khác, nhân danh lòng thương xót “giả hình” hay chỉ nghĩ đến việc đem lại lợi nhuận cho bản thân.
Lòng thương xót không có nghĩa là thương hại, mà nó có nghĩa là “cùng chịu đau khổ với ai đó”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh điều này trong cuộc gặp gỡ với các chuyên gia y tế đến từ Tây Ban Nha và châu Mỹ Latin hôm 9/6. Ngài còn thêm: “Phẩm giá của ơn gọi dấn thân trong nghành y tế cũng đang bị đe dọa. Qúy vị phải làm thế nào để không gì có thể ngăn cản quý vị khỏi việc đặt hết cái tâm lương y như từ mẫu vào đôi tay của mình”.
Lòng nhân đạo cần phải ưu tiên hơn mọi giá trị, mọi lãnh vực khác, dù đang trong một cuộc chiến, dù bất đồng về ý thức hệ, về lập trường, quan điểm, dù là cường quốc, là quốc gia đang phát triển hay còn chậm phát triển, dù điều kiện kinh tế “không” cho phép, hoặc cần giữ gìn bản sắc dân tộc… Nếu viện mọi lý do để từ khước thực thi tình thương, lòng nhân ái, thì những giá trị nói trên chỉ là thứ “rác rưởi”.
Lòng thương xót là “cùng chịu đau khổ với ai đó”. Cái thiện nằm ở tâm, tâm nằm trong con người. Chúa tạo dựng con người giống “hình ảnh” Chúa, hình ảnh đó là tình thương, là thiện tâm, là thứ làm cho con người trở nên khác và vượt trội hơn những loài động vật. Nếu con vật thấy đồng loại bị thương còn tìm đến, thì “con gì” chuyên lợi dụng sự đau khổ của người khác để kinh doanh, trục lợi, đánh bóng tên tuổi mình hoặc để đàm tiếu? Như thế là bất nhân và bất nhẫn.
Thế mà, duy trì tình trạng của những con người nghèo khổ ấy, ngăn cản những nhóm từ thiện tự phát, những tổ chức thiện nguyện, và tôn giáo trợ giúp họ trong những hoàn cảnh cấp thiết lại như vẫn đang là chuyện “bình thường” của nhà cầm quyền cộng sản trên đất nước này!
Không ai được đứng ra làm từ thiện trực tiếp nếu không qua chính quyền; phải “phối hợp” với chính quyền hoặc giao cho Mặt Trận Tổ Quốc phân phối. Điều ai cũng biết là những món quà cứu trợ đó ít khi nào còn đầy đủ khi đến tay người nghèo, nhưng lại hay “lạc vào nhà quan”. Bao đoàn từ thiện đã phải dùng cách thức “đánh du kích” hoặc ngậm ngùi chở hàng cứu trợ về, vì không muốn những món quà tình nghĩa chia sẻ khổ đau ấy lọt vào hàm của những “con mối mọt” chuyên gặm nhấm và trục lợi.
Rất nhiều người băn khoăn, thắc mắc không hiểu tại sao lòng tốt lại bị chối từ, vì sao chính quyền không đoái hoài đến những người cùng khổ, “không cùng chịu đau khổ” với chính người dân mà họ phải có trách nhiệm?
Chẳng qua là vì nhà cầm quyền có chủ ý muốn độc quyền việc làm từ thiện, để cho thế giới và mọi người thấy không ai lo cho dân bằng đảng, không ai tốt bằng nhà nước. Họ quan liêu, nguyên tắc và lạnh lùng vì họ chẳng bao giờ có được niềm vui của sự cho đi, mà chỉ có “khoái lạc” vơ mọi thứ về mình; họ tàn nhẫn vì họ không có thiện tâm, nên họ cấm hoặc không tạo điều kiện để nhiều người đến chia sẻ. Họ không có tấm lòng, làm sao có thể cảm nhận và hiểu thấu được những nỗi đau khổ của người khác?
Hội chứng tê liệt và miễn dịch với những bi kịch của con người: giải mã cho thói vô cảm của con người thời nay
Con người vô cảm, đám đông vô cảm. Đó không phải là những từ ngữ sáo rỗng, nhưng để minh họa cho câu nói đó, là hình ảnh những vụ bạo hành có thật hằng ngày vẫn được đăng tải lên mạng truyền thông. Những vụ bạo hành bằng bạo lực bao trùm lên mọi lãnh vực của đời sống, của mọi giới, của mọi mối tương quan. Trong đó sự dữ và sự ác được làm nổi bật bởi một đám đông vô cảm làm nền.
Nhưng nếu nhìn theo góc cạnh khác, phải chăng chính sự dữ và sự ác ấy đang làm “nền” cho sự dửng dưng của đám đông, có thể trong đó có chính chúng ta, trong những hoàn cảnh ta đang sống? Phải chăng những việc chính quyền trên khắp mọi miền đất nước cố tình ngăn chặn những người, những nhóm thiện nguyện chia sẻ cơm áo cho người nghèo, hoặc những chương trình như “60 phút mở” của VTV1, chính là “bức họa hiện sinh” của vấn đề này, khi cái ác được tán dương, tán thưởng bằng sự vô cảm của đám đông, bằng sự lạnh lùng, dửng dưng của chính quyền?
Hôm thứ Hai 13/6/2016, khi lần đầu tiên một vị Giáo hoàng ghé thăm trụ sở của Chương trình Lương thực Thế giới tại Roma, Đức Phanxicô nói: “Đừng “quan liêu hóa” đau khổ. Ngài nhấn mạnh: đối với các cuộc chiến tranh, các cuộc di cư và các tình huống đói kém trên thế giới, cần phải nhớ đến những “khuôn mặt” và những “câu chuyện” của các nạn nhân.”
Những “câu chuyện và những khuôn mặt của các nạn nhân” mà Đức Phanxicô nói đến có cả những khuôn mặt của cái đám đông vô cảm tưởng như vô danh ấy, thật ra lại “có danh, có phận” hẳn hoi. Nhiều người còn giữ cho mình có lòng nhân đạo đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy những người đã từng đói khổ, từng là nạn nhân của bạo hành, của bất công, áp bức, bóc lột mà nay, thay vì đồng cảm, lên tiếng và có những thái độ binh vực những nạn nhân như họ, lại trở nên vô cảm cách tàn nhẫn và sung sướng hỉ hoan vì sự ác độc của mình!
Phải chăng đó là những thương tổn trầm trọng trong tâm hồn con người, ngày càng lở loét và không bao giờ được chữa lành?
Đức Phanxicô nói: “Chúng ta có thể tiếp xúc gần như đồng thời với những gì đang xảy ra ở phía bên kia của hành tinh”, nhưng “sự dư thừa thông tin đã dần tạo ra những “sự tự nhiên hóa” đói nghèo. Đó là, từng chút một, chúng ta trở nên miễn dịch với những bi kịch của những người khác và coi những bi kịch đó như một cái gì “tự nhiên”. Có rất nhiều hình ảnh được truyền tải đến chúng ta giúp chúng ta nhìn thấy rõ những nỗi khổ đau nhưng chúng ta “không chạm” vào những nỗi khổ đau đó, chúng ta nghe được tiếng khóc nhưng không an ủi những người khóc, chúng ta thấy sự đói khát nhưng không giúp làm cho người ta được khỏi đói khát. Bằng cách đó, rất nhiều cuộc đời trở thành một phần của một tin tức mà trong một thời gian ngắn sẽ được thay thế bởi một tin tức khác. Và, trong khi những tin tức thay đổi, thì những đau đớn, đói khát không thay đổi, chúng vẫn còn đó.”
“Không đủ – Đức Thánh Cha nói – nếu chỉ dài dòng suy tư hay dấn mình vào những cuộc thảo luận bất tận về những sự đói khổ, khi lặp đi lặp lại những lập luận mà mọi người đếu biết. Điều cần là – xin lỗi vì một từ mới – phải “phi – tự nhiên hóa” sự khốn cùng và thôi không coi nó như là một dữ kiện của thực tại giữa các dữ kiện khác. Tại sao? Bởi vì sự khốn cùng có “một khuôn mặt”. Nó có khuôn mặt của một đứa trẻ, có khuôn mặt của một gia đình, có khuôn mặt của người trẻ và của người già. Nó có khuôn mặt của sự thiếu cơ hội và thiếu công việc của rất nhiều người, nó có khuôn mặt của những cuộc di dân bắt buộc, của những ngôi nhà bị bỏ hoang hoặc bị phá hủy. Chúng ta không thể “tự nhiên hóa” sự đói khát của rất nhiều người, sẽ là sai khi nói rằng tình hình của họ là kết quả của số phận mù quáng mà chúng ta không thể làm bất cứ điều gì khi phải đối diện. Khi đau khổ không còn có một khuôn mặt, chúng ta có thể bị cám dỗ bắt đầu nói chuyện và thảo luận về “đói”, về “lương thực”, về “bạo lực” mà bỏ qua một bên những chủ thể cụ thể và thực tế, nghĩa là những người vẫn gõ cửa nhà chúng ta. Khi thiếu những khuôn mặt và những câu chuyện, cuộc sống bắt đầu trở thành những con số và do đó, từng chút một tại mỗi thời điểm, chúng ta có nguy cơ quan liêu trước nỗi đau của người khác. Chúng ta quan liêu đối phó với thực tế, tuy nhiên, lòng từ bi mới là điều biết bao người đang cần.”
Đề cập một cách sống động vào vấn nạn đói, Đức Phanxicô nói: “Cho phép tôi được nói rõ ràng: việc thiếu lương thực không phải là điều tự nhiên, không phải là một dữ kiện hiển nhiên cũng không phải là một dữ kiện rõ ràng. Hôm nay, trong thế kỷ hai mươi mốt, rất nhiều người vẫn còn phải chịu đựng tai họa này, thì đó là do sự phân bố ích kỷ và xấu xa các nguồn tài nguyên, một sự “thương mại hóa” thực phẩm.” “Sẽ là rất tốt khi nhắc nhớ, Đức Giáo hoàng tiếp tục, “rằng thực phẩm bạn đang lãng phí chính là thực phẩm bạn ăn cắp từ bàn ăn của người nghèo, của những người đang đói.”
Nói ra những lời này trong con tim quặn thắt, phải chăng Đức Phanxicô đã giải mã cho thói vô cảm của con người thời nay về “Hội chứng tê liệt và miễn dịch với những bi kịch của con người”?
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.