Câu chuyện về bà Setsuko Hattori, một bà cụ 92 tuổi sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử. Do căn bệnh về tủy xương, bà Setsuko sẽ không thể tham dự Thánh lễ do ĐTC Phanxicô chủ sự vào ngày 24 tháng 11. “Qua cuộc sống nghèo khổ của tôi, nhiều người đã biết đến Giáo hội Công giáo”.
Hiroshima (AsiaNews) – “Tôi chờ đợi phép lành của ĐTC Phanxicô nhiều hơn những lời Ngài sẽ phát biểu tại Hiroshima. Tôi rất vui mừng khi Ngài đến Hiroshima. Và tôi chắc chắn sẽ theo dõi Ngài qua việc cầu nguyện”. Đây chính là niềm hy vọng được thể hiện bởi bà Setsuko Hattori, một bà cụ đã 92 tuổi, một “hibakusha” (người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử). Do căn bệnh, bà Hattori đã nằm liệt giường và sẽ không thể hiện diện trong Thánh lễ mà ĐTC hoàng Phanxicô sẽ cử hành tại thành phố Hiroshima vào ngày 24 tháng 11. Sau vụ nổ bom, vào ngày 6/8/1945, người phụ nữ này đã trở thành một tín hữu Công giáo. “Qua cuộc sống nghèo khó của tôi – bà Hattori nói – một số người đã biết đến Giáo hội Công giáo”. Dưới đây là lời chứng của bà Setsuko Hattori.
Tôi sinh ra tại Hiroshima thuộc quận Hakushima, cách trung tâm vụ nổ 2 km về phía bắc. Tôi đã luôn sống ở đây, trước và sau chiến tranh, và thậm chí sau khi kết hôn.
Năm 1945, tôi học lớp ba trường nữ sinh, nhưng thay vì đến trường, chúng tôi phải đến nhà máy để sản xuất đạn đại bác. Vào ngày xảy ra vụ đánh bom nguyên tử, đó là ngày thứ Hai ngày 6 tháng 8, tôi ở nhà do hệ thống thay đổi, vì vậy tôi đã có thể thảnh thơi tận hưởng bữa sáng. Nhưng khi tôi đang dùng bữa, vụ nổ nguyên tử xảy ra. Trong ngôi nhà của chúng tôi có rất nhiều cửa sổ lớn, tất cả đều bị vỡ vụn và ngôi nhà bỗng chốc sụp đổ hoàn toàn.
Mẹ tôi và tôi đã thoát ra ngoài một cách an toàn từ bên dưới rất nhiều cột gỗ mặc dù có rất nhiều mảnh vỡ thủy tinh bị kẹt lại ngay bên phải cơ thể tôi. Mảnh thủy tinh bị bể lớn nhất đã đập vào tôi, với kích thước của một hình vuông 15-20 cm, để lại dấu ấn cho cả cuộc đời tôi.
Cha tôi, mặt khác, có một cửa hàng tổng hợp. Nhưng, vì không có hàng hóa trong chiến tranh, ông ấy cũng phải đi làm việc trong nhà máy. Buổi sáng hôm đó cha tôi phải đi lấy một số gỗ vẫn còn nguyên vẹn từ những ngôi nhà đã bị phá hủy, để sử dụng chúng cho nhà bếp và đun nóng nước tắm. Có người nói với chúng tôi rằng bố tôi lúc đó đẩy chiếc xe đẩy vào trung tâm thành phố. Kể từ đó, chúng tôi không được nghe bất kỳ tin tức gì thêm về ông ấy. Chúng tôi thậm chí không nhìn thấy cơ thể của ông ấy.
Khoảng năm 1950-1951, sau giờ làm việc, tôi bắt đầu theo học trường âm nhạc Công giáo (vốn phát xuất từ trường đại học âm nhạc Elisabeth). Tại đây, tôi đã gặp một người bạn và chúng tôi đã cùng nhau ca hát với niềm vui: đó là một cách để xóa đi tất cả những ký ức đau buồn tồi tệ của chúng tôi. Một ngày nọ, trước giờ học, tôi bước vào một nhà thờ vốn đã thu hút sự quan tâm của tôi trong một khoảng thời gian trước đây. Tôi đã gặp Linh mục Hubert Cieslik ở đó và tôi đã nói với ngài rằng: “Tôi đến đây để gặp một người”. Và vị Linh mục, với một nụ cười rạng rỡ, ngài nói với tôi: “Hãy cứ đến đây”. Vì vậy, tôi bắt đầu đến đây ngày một nhiều hơn nữa. Vào tháng 7, nhân dịp Lễ Thánh Inhaxiô Loyola, tôi đã được Rửa tội cùng với với 9 bé gái khác.
Năm 1953, tôi ngã bệnh và rất sợ hãi. Nhưng, Cha Toyota đã luôn đến và cho tôi rước Mình Thánh Chúa, trên chiếc xe máy của ông ấy. Quả là Bí tích Thánh Thể đã khích lệ tôi biết bao nhiêu! Bằng cách này, mỗi khi tôi được rước Chúa, tôi cảm thấy rằng đức tin của tôi ngày một gia tăng.
Sau này tôi gặp anh trai của một người bạn của tôi, người mà sau này trở thành chồng của tôi. Chúng tôi có một cô con gái và ba đứa con trai.
Tôi nhớ rất rõ khoảnh khắc khi tôi lần đầu tiên được rước Mình Thánh Chúa. Sáng hôm sau, tôi nhận ra rằng tất cả mọi thứ đã thay đổi – màu của nền trời, màu xanh của lá cây, tất cả mọi thứ trở nên tuyệt vời.
Đến nay, chưa bao giờ có ngày nào mà tôi không mắc phải những khiếm khuyết hay lầm lỗi. Nhưng tôi đã học cách cầu nguyện: “Tôi muốn cố gắng thêm một lần nữa, ngày mai tôi sẽ trở nên tốt hơn”. Tôi nghĩ rằng việc cầu nguyện luôn là điều quan trọng đầu tiên, như các linh mục đã dạy tôi. Giờ đây, tôi mắc phải căn bệnh tủy xương nghiêm trọng và cả ngày hầu như tôi luôn phải nằm trên giường. Nhưng tôi vẫn còn một điều quý giá và đó là cầu nguyện.
Như ĐTC Phanxicô luôn luôn tha thiết mời gọi, tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho hòa bình và cho việc chấm dứt các loại vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, tôi không thể quên cầu nguyện cho phẩm giá con người của mỗi người.
Sau khi tôi được rửa tội, nhiều người đã nói với tôi: “Bạn đã trở nên vui vẻ hơn” và tôi luôn trả lời: “Chắc chắn là như vậy, đây chính là những gì xảy ra khi bạn được Thiên Chúa đón nhận vào lòng!”. Theo cách thức này, qua cuộc sống nghèo khó của tôi, nhiều người khác nhau đã có thể biết đến Giáo hội Công giáo.
Tôi chờ đợi phép lành của ĐTC Phanxicô và những lời chia sẻ của Ngài với chúng tôi tại Hiroshima. Tôi cũng rất vui khi Ngài đến thăm Hiroshima. Và tôi chắc chắn sẽ theo dõi Ngài với lời cầu nguyện của mình.
Thiên Ân (theo Asia News)