Hội đồng các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đang thúc giục người Công giáo kêu gọi Quốc hội và yêu cầu họ hành động thay mặt cho các “Dreamers”, những người nhập cư không có giấy tờ đã đến Hoa Kỳ từ khi còn là trẻ vị thành niên nhưng đã được phép ở lại Hoa Kỳ theo Chương trình DACA, một chính sách thời chính quyền Obama vốn bảo vệ họ khỏi việc bị trục xuất.
Chính quyền Trump đã công bố vào hồi tháng Chín rằng họ sẽ chấm dứt DACA.
“Chúng tôi rất thất vọng vì Thượng viện đã không thể cùng sát cánh với nhau theo một phương pháp lưỡng đảng nhằm đảm bảo việc bảo vệ lập pháp cho các Dreamers”, Đức Hồng y Daniel DiNardo Địa phận Austin, Texas, Chủ tịch hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, và Đức Tổng Giám mục José H. Gomez Địa phận Los Angeles, Hoa Kỳ.C.C. Phó chủ tịch HĐGM, cho biết trong một tuyên bố chung hôm 19 tháng 2. “Chúng tôi lại một lần nữa đề nghị rằng các thành viên của Quốc hội hãy cho thấy sự lãnh đạo cần thiết để tìm ra một giải pháp công bằng và nhân văn cho những người trẻ tuổi này, những người mà hàng ngày cứ phải đối mặt với sự lo lắng cũng như sự vô định”, các Giám mục cho biết trong một tuyên bố, đồng thời công bố ngày quốc gia kêu gọi bảo vệ cho các Dreamers vào ngày 26/2 sắp tới. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Thượng viện đã thất bại trong việc thông qua một dự luật vào tuần trước.
Cuối tuần sau, các Giám mục Hoa Kỳ sẽ kêu gọi các tín hữu Công giáo hành động thay mặt cho các Dreamers. Các Giám mục đang kêu gọi việc lập pháp vốn bảo vệ vĩnh viễn các Dreamers khỏi việc bị trục xuất và đồng thời cung cấp cho họ một lộ trình hướng tới việc được trao quyền công dân. Quá trình lập pháp như vậy không được tước đi “sự bảo vệ hiện có đối với các gia đình và những người vị thành niên không có thân nhân đi cùng”, các Giám mục cho biết.
“Đức tin của chúng ta đòi buộc chúng ta phải sát cánh cùng với những người dễ bị tổn thương, kể cả các anh chị em nhập cư của chúng ta”, các Giám mục nhấn mạnh. “Chúng ta đã không ngừng thực hiện điều này, nhưng giờ đây chúng ta cần phải thể hiện sự ủng hộ và tinh thần liên đới của mình một cách đặc biệt. Giờ đây đã đến lúc cần phải hành động”.
Ước tính có khoảng 800.000 Dreamers đã được bảo vệ bởi chương trình DACA, tuy nhiên Trung tâm Nghiên cứu Di dân tại New York ước tính rằng hơn 2,2 triệu Dreamers hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Các quyết định gần đây của toà án đã tạm thời ngăn cản chính quyền của Trump khỏi việc chấm dứt DACA vào ngày 5 tháng 3 Tuy nhiên, các phán quyết chỉ ảnh hưởng đến việc gia hạn DACA và không yêu cầu các đơn mới được chấp nhận.
Chính quyền Trump đã đưa ra một đề xuất bao gồm một lộ trình dẫn đến việc trao quyền công dân cho các Dreamers nhưng đồng thời cũng sẽ tăng cường vấn đề an ninh biên giới, hạn chế việc di cư theo diện gia đình và loại bỏ chương trình thị thực đa dạng, vốn đưa một số lượng hạn chế người từ nhiều khu vực trên thế giới với số lượng tương đối ít di dân sang Hoa Kỳ. Tuần trước, Đức Tổng Giám mục Gomez đã thừa nhận sự cần thiết cần phải có các khu vực biên giới an toàn, nhưng không đồng tình đối với việc hạn chế việc nhập cư theo diện gia đình, mà chính quyền Trump đã ám chỉ như là “chuỗi di dân”. Hoa Kỳ đã giới hạn số lượng thị thực theo diện gia đình được cấp mỗi năm.
Kevin Appleby, Giám đốc cấp cao về chính sách nhập cư quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Di dân, cho biết thành công của bất kỳ nỗ lực lập pháp nào cũng sẽ phụ thuộc phần lớn vào những gì mà chính quyền Trump sẽ chấp nhận.
“Điều đó chưa phải là chấm dứt”, ông Appleby cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ America. “Sẽ có một nỗ lực khác để thông qua một điều gì đó thông qua Thượng viện, một điều gì đó có lẽ là giới hạn hơn, đối với các Dreamers và vấn đề an ninh biên giới”.
Lời kêu gọi vào ngày 26 tháng 2 chính là một thời điểm tốt, ông Appleby nói, bởi vì các thành viên của Quốc hội sẽ trở lại sau kì nghỉ vào ngày hôm đó. Ông tin rằng nó sẽ tạo ra một cảm thức mới về sự cấp thiết.
“Nếu có một vị tổng thống sẵn sàng ký một dự luật hợp lý, thì sẽ có những biểu quyết”, ông Appleby nói. “Liệu Trump có thực sự muốn giúp đỡ cho các Dreamers hay không? Bởi vì ông ta sẽ nhận được một điều gì đó bù lại. Liệu ông ta có muốn chất thêm gánh nặng khi trục xuất những người trẻ tuổi này không?”.
Ashley Feasley, giám đốc chính sách nhập cư và các vấn đề công cộng của HĐGM Công giáo Hoa Kỳ, hy vọng lời kêu gọi đối với Quốc hội sẽ giúp vượt qua sự bế tắc về lập pháp vào hồi tuần trước. Các biện pháp vốn sẽ có thể được chấp thuận thông qua một văn phòng của Quốc hội đã không thể được thông qua bởi bên kia, và chính quyền Trump đã chỉ trích các dự luật thỏa hiệp.
“Điều đang xảy ra đó chính là chúng ta đang cắt đứt liên hệ với những hậu quả của con người đối với vấn đề này”, bà Feasley nói, đồng thời bà cũng cho biết thêm rằng các nhà lãnh đạo giáo hội khắp đất nước đang lắng nghe từ các Dreamers. “Chúng ta phải nỗ lực làm việc hết sức có thể để Quốc hội có thể đưa ra một động thái”.
Khi người Công giáo kêu gọi các văn phòng đại diện của họ, họ giúp cho việc nói lên quan điểm của hơn 70% công dân Hoa Kỳ ủng hộ luật pháp vốn cho phép các Dreamers ở lại Hoa Kỳ.
“Các Giám mục đang đề nghị các tín hữu ủng hộ lời kêu gọi này. Họ sẽ tiếp tục thúc đẩy đối với việc đưa ra một giải pháp cho vấn đề này”, bà Feasley nói. “Nó không đơn giản chỉ là việc nhấn một nút trên chiếc máy tính của quý vị. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này”.
Minh Tuệ chuyển ngữ