‘Hãy vượt qua sự thờ ơ để xây dựng một nền văn hóa của sự gặp gỡ’

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết “việc gặp gỡ với Chúa Giêsu sẽ giúp mỗi chúng ta có thể vượt qua sự thờ ơ”, đồng thời Ngài cảnh báo chống lại những thói quen xấu – thậm chí ngay cả trong một gia đình – vốn ngăn cản chúng ta khỏi việc thực sự lắng nghe người khác và cảm thông với họ.

Đó là những chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Thánh Lễ hôm thứ ba 13/9 tại nơi nhà nguyện Thánh Marta.

Lấy cảm hứng từ bài đọc Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu làm cho người con trai duy nhất của một bà góa từ cõi chết sống lại, Đức Thánh Cha cho biết thường khi người ta gặp nhau “mỗi người trong số họ chỉ suy nghĩ về mình, họ có thể nhìn thấy người đối diện nhưng không thực sự nhìn sâu vào tâm hồn họ, họ có thể nghe thấy người khác nhưng không cảm nhận được họ”.

“Một cuộc gặp gỡ phải là một điều gì đó khác hơn. Đó là những gì bài Phúc Âm hôm nay tuyên bố với chúng ta: đó chính là một cuộc gặp gỡ; một cuộc gặp gỡ giữa một người đàn ông và một người góa phụ, giữa một người con trai duy nhất còn sống và một người con trai duy nhất đã qua đời; giữa một đám đông vui mừng vì họ đã được gặp Chúa Giêsu và đang tiến bước theo Ngài và một nhóm người đang than van khóc lóc cùng với một bà góa trên đường đưa tiễn đứa con trai duy nhất của bà về nơi an nghỉ cuối cùng; một cuộc gặp gỡ giữa lối ra và lối vào cửa thành. Những ánh mắt đã chạm đến nhau. Đó là một cuộc gặp gỡ khiến mỗi người chúng ta suy ngẫm về cách chúng ta tương tác với nhau”.

Theo Tin Mừng – Đức Thánh Cha tiếp tục – chúng ta nhận thấy rằng Chúa Giêsu “đã nhìn thấy bà, và chạnh lòng thương”. Đức Thánh Cha cho biết hành động Chúa Giêsu ‘chạnh lòng thương’ không giống như kiểu chúng ta khi đang đi ngoài đường, bất chợt chúng ta thấy một điều gì đó buồn và thốt lên ‘thật là tội nghiệp!’. Chúa Giêsu đã không lướt qua đám đông đó, thê những Ngài đã ‘chạnh lòng thương’. Chúa Giêsu tiến gần đến bà góa để rồi thực hiện một cuộc gặp gỡ thực sự, và sau đó, một phép lạ vĩ đại đã xảy ra.

Việc gặp gỡ với Chúa Giêsu giúp con người vượt qua sự thờ ơ và phục hồi phẩm giá con người

Qua cuộc gặp gỡ trong bài Tin Mừng hôm nay – Đức Thánh Cha giải thích – chúng ta không chỉ nhìn thấy lòng nhân hậu của Chúa Giêsu mà còn nhận thấy kết quả của cuộc gặp gỡ đó đã khôi phục con người.

“Chúng ta đã quen với nền văn hóa của sự thờ ơ và chúng ta phải nỗ lực không ngừng đồng thời xin ơn Chúa giúp sức để chúng ta có thể xây dựng một nền văn hóa của sự gặp gỡ, một nền văn hóa của những cuộc gặp gỡ đầy hoa trái, một nền văn hóa của sự gặp gỡ giúp hồi phục phẩm giá con người với địa vị con cái Thiên Chúa, phẩm giá của một con người đang sống. Chúng ta đã quen với sự thờ ơ này, khi chúng ta nhìn thấy những thảm họa trên thế giới hay những sự việc nhỏ nhoi khác: ‘Những người nghèo khổ thật là tội nghiệp, trông họ mới khổ sở làm sao’, thế rồi, chúng ta lại vẫn tiếp tục làm ngơ và bước đi. Đó cũng là một cuộc gặp gỡ. Và nếu tôi không nhìn, tôi sẽ không thể thấy, không có, vì vậy tôi phải nhìn – nếu tôi không dừng lại, nếu tôi không ngước nhìn, nếu tôi không chạm tới, nếu tôi không ngỏ lời, tôi không thể có được sự gặp gỡ đồng thời tôi không thể xây dựng một nền văn hóa của sự gặp gỡ”.

Nơi mỗi gia đình, chúng ta phải thực hiện một sự gặp gỡ thực sự và khi dùng bữa chung, chúng ta phải lắng nghe lẫn nhau

Qua bài đọc Tin Mừng hôm nay, xuất phát từ cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với bà góa cùng với đám đông dân chúng, mỗi chúng ta cũng được mời gọi để bước vào cuộc gặp gỡ với tha nhân và với chính Chúa Giêsu.

“Nơi mỗi gia đình chúng ta đang sống, mỗi khi dùng bữa chung với nhau, biết bao nhiêu lần chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào màn hình tivi hay ôm khư khư lấy cái điện thoại để rồi luôn bận rôn với việc trả lời tin nhắn. Đó chính là thái độ thờ ơ với cuộc gặp gỡ đó. Thậm chí ngay cả nơi trung tâm của xã hội, đó là mỗi gia đình, mà còn không có những cuộc gặp gỡ với nhau thì huống chi là ngoài xã hội. Ước chi những thực trạng này giúp mỗi chúng ta bừng tỉnh để rồi biết nỗ lực xây dựng nền văn hóa của sự gặp gỡ như Chúa Giêsu đã thực hiện. Không chỉ là liếc mắt nhìn nhau mà phải là một ánh mắt quan tâm thực sự. Không chỉ đơn thuần là nghe thôi mà là lắng nghe để có thể cảm thông với nhau. Không chỉ là nhìn thấy nhau để rồi lướt qua nhau nhưng là biết dừng lại để giúp đỡ. Và không chỉ đơn thuần thốt lên ‘những người nghèo khổ trông thật tội nghiệp’ mà phải biết động lòng và ‘chạnh lòng thương’. Để rồi sau đó biết đến gần, chạm vào những con người thống khổ ấy và nói với họ bằng thứ ngôn ngữ xuất phát từ chính trái tim biết thương xót: ‘Đừng khóc’, để rồi đưa tay cứu giúp”.

Minh Tuệ (theo Radio Vaticana)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết