“Hãy tha thứ”, lời mời gọi vượt lên chính mình.

Nếu con người không phải con thú thản nhiên chải bộ lông của mình trước nỗi đau của đồng loại, thì càng không thể cổ xúy cho những giải pháp bạo lực để thắng hung tàn!

Những cánh tay thù hận vung lên, những thân người đổ xuống, máu và nước mắt đã chảy, những tiếng la hét, chửi bới quyện với những tiếng khóc, tiếng kinh cầu vang lên trong ngày đau xót ấy, ngày 14.2.2017 mà nhiều người gọi là “ngày lễ máu”, ngày người dân Song Ngọc Nghệ An cùng với Linh mục JB Nguyễn Đình Thục quyết chí đến Tòa án ND Kỳ Anh Hà tĩnh để khiếu kiện Formosa phải bồi thường cho ngư dân, trong đó có ngư dân tỉnh Nghệ An.

Thông tin, hình ảnh, những video clip lan truyền trên mạng Internet như vũ bão về diễn biến cuộc hành trình khiếu kiện, về những nạn nhân bị bạo hành của nhà cầm quyền cộng sản, làm sục sôi tâm hồn những người còn quan tâm đến việc đòi hỏi công lý và công bằng, giải quyết thảm hoạ môi trường miền Trung, sự sống cũng như kế mưu sinh của đồng bào tại đây.

song-ngoc-len-duong-bach-hong-quyenLo ngại cho sự an toàn của các tín hữu, có thể chặng đường đến Tòa án ND Kỳ Anh sẽ trở nên “con đường máu”, sáng ngày 15.2, Đức Cha Phao Lô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Giáo Phận Vinh, đã yêu cầu đoàn khiếu kiện trở về và cắt cử người đại diện đi nộp đơn, đồng thời Ủy ban Công lý và Hòa bình Tòa Giám mục Vinh ngày 17/2/2017 cũng ra thông cáo tố cáo nhà cầm quyền dùng bạo lực ngăn chặn người dân nộp đơn kiện Formosa.

Lòng người uất nghẹn.

Nếu con người không phải con thú thản nhiên chải bộ lông của mình trước nỗi đau của đồng loại, thì lại càng không thể cổ xúy cho những giải pháp bạo lực để thắng hung tàn! Như thế có khác gì con thú đâu. Nhưng như lời Đức Giêsu dạy:“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

Ðức Giêsu không hề hoang tưởng khi nói “Hãy yêu kẻ thù”. Vì Người không muốn người ta đối xử với nhau như những con vật, hạ giá phẩm tính mình ngang với loài vật vô tri và đưa nhau đến chỗ diệt vong, sau khi gây ra biết bao đau thương tàn khốc, nhưng muốn người ta trở nên con cái của Thiên Chúa, dù biết áp dụng điều đó thật khó khăn, ngược với bản tính tự nhiên, là bản tính đã hư hỏng bởi tội lỗi (x.Rm 3,23). Hơn nữa, chính Người đã thực thi điều đó, khi dám hiến thân để chết thay cho con người tội lỗi và tha thứ cho những kẻ giết mình (x.Lc 23,34).

Xã hội Việt Nam đang trong cơn khủng hoảng về đạo đức và nhân cách. Hàng ngày, bao biến cố xảy ra cho thấy người ta đang đang bị cuốn đi trong cơn lốc bạo lực, hận thù, ăn miếng trả miếng, mà hậu quả tất yếu là diệt vong và trầm luân. Bao người mất quá nhiều thời gian, công sức, lao vào hiểm nguy khi đi theo một đường lối khác với lộ trình của Đức Giêsu, khi “hả hê” với sự trả thù bằng cái ác, để xem cách ấy có dẫn họ đi đến bình an, an lành, hoặc ngập sâu vào hận thù và bạo lực, trong sự xáo trộn và hỗn loạn?. Việc quá nhấn mạnh đến lòng thù hận, khai thác quá đáng những tổn thương của những người bị hại sẽ tạo nên một sự âm ỉ dồn nén những bức xúc, chứa đựng những sức mạnh nguy hiểm, đến độ có thể mất đi sự công tâm, nhận thức khách quan và phản ứng dễ theo cảm tính hơn là lý trí.

Nếu đoàn khiếu kiện ở Song Ngọc Nghệ An biến thành một đội quân tiến vào Formosa, điều gì sẽ xẩy ra? Ai sẽ đồng hành với họ và hậu quả thế nào? Cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng có còn chính danh và hợp hiến?. Nếu muốn cứu mình và cứu nhân loại này, chỉ có một con đường là yêu thương và tha thứ. Vì yêu thương có sức lay tỉnh lòng người và tha thứ là cánh cửa luôn mở để đón nhận kẻ hối lỗi trở về.

Lộ trình này giúp cho cả hai bên, người bị hại và kẻ gây hại hiểu thấu đáo thế nào những nỗi đau, những áp bức, bất công và sự đày ải như một gánh nặng đè nén. Cần một sự giải thoát trong một bầu khí hòa giải để đối thoại thẳng thắn với lòng tôn trọng và sự suy phục lẽ phải, đó là thái độ của người biết yêu kẻ thù, biết can đảm vượt qua sự uất hận, dù những vết thương vẫn còn đó, để mở ngỏ cho một sự cảm thông đối với những người khiếm khuyết về nhân cách và thiếu hiểu biết, bị nhồi sọ đến độ u mê trong những xác tín sai lầm, vì “khoảng cách giữa tội lỗi và thánh thiện hẹp đến nỗi chỉ vừa đủ chỗ cho hoàn cảnh chen vào” (Borowd).

Nhân vô thập toàn, “Mỗi thánh đều có một dĩ vãng, và mỗi tội nhân đều có một tương lai” (Oscar Wilde). Đó là một khởi đầu mới, để thiết lập một tương quan mới. Khi nhìn kẻ thù trong ánh sáng mới này, chúng ta nhận ra sự ghét bỏ, hận thù nơi họ xuất phát từ sự sợ hãi, kiêu căng, ngu dốt, tiên kiến và hiểu lầm. Dù họ có là gì, họ vẫn là đối tượng ơn Cứu Chuộc của Chúa, vẫn được lòng Chúa xót thương. Vì vậy, việc đi ngược lại lộ trình này, dễ thấy nơi những thái độ hằn học, châm biếm, nhục mạ, nguyền rủa, thậm chí đe dọa họ, vừa hạ thấp phẩm giá, tư cách chúng ta ngang bằng và thậm chí thua kém cả họ, vừa xây nên những bức tường bất khoan dung, trang bị với những ụ pháo mà đạn đã lên nòng.

Lộ trình yêu thương và tha thứ này có sức mạnh hoán cải con người. Không ai là không có một quả tim, nếu tiếng lương tâm bị những cái sai, xấu, cái hiểu lầm, ngu dốt bóp nghẹt, vẫn còn tiếng nói của con tim rung cảm trước những hành vi quảng đại và khoan dung, những thái độ trân trọng và yêu mến. Thánh Phaolô có lý khi bảo: “đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa Phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.” (Rm 12, 19-21)

Vì thế, lộ trình này còn cần được tưới đẫm bằng lời cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi mình, không phải để họ có sức mạnh đàn áp dữ dội hơn, nhưng kiên định trong đức tin để Chúa uốn nắn lòng dạ họ, hướng dẫn thiện tâm của họ tới chỗ quy phục chân lý.

Như vậy, lộ trình “yêu kẻ thù” của ta mới đạt đích và sáng tỏ tư cách độc đáo, là “được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng cho kẻ xấu lẫn người tốt và cho mưa xuống trên những người công chính cũng như những kẻ bất chính”.

Muốn vậy, cần liên lỷ khiêm tốn cầu xin ơn sức mạnh của Chúa giúp, để phối hợp với đại nghĩa mà thắng hung tàn, với chí nhân mà thay cường bạo trong lý trí của chính ta, và lấy tình yêu thay cho hận thù, biến thù thành bạn, hơn thế, còn cho họ biết về một Người Cha luôn yêu thương họ, Người Cha có tên là Thiên Chúa; biết về một Vị Chúa đã cứu chuộc họ, vị Chúa có tên là Đức Giêsu Kitô; còn chúng ta là anh em của nhau.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết