Hãy Nhìn Như Mẹ Hằng Cứu Giúp

Theo kinh nghiệm cá nhân tôi với sự dâng hiến này đã diễn ra tại nhà thờ giáo xứ Rosario (Santa Fe, Argentina), được đặt tên là giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tại đó, ở trung tâm là một bàn thờ lớn và xinh đẹp, tôn vinh  Đấng Cứu Thế, là một hình ảnh đơn giản và nổi bật của Mẹ chúng ta. Nhiều lần trước hình ảnh đó, tôi cầu nguyện, than khóc và suy tư về cuộc sống của bản thân và tất cả những người khốn khó nơi tận đáy lòng mình.

Điều đó đã và đang tiếp diễn, một nơi mang tính tôn giáo vô cùng ý nghĩa trong hành trình đức tin của tôi. Một nơi mà tôi có thể trở về với bản chất con người mình bất cứ khi nào có thể thông qua việc biện phân thường xuyên. Ở đó, tôi tìm thấy nhân tố đặc biệt làm mới mình trong những giây phút đầu tiên của đức tin non trẻ, mở ra chân trời mới và cho phép tôi giang rộng mình hướng đến sự tự do. Khi tôi chiêm ngắm bức linh ảnh, ánh mắt của tôi bị quyến rũ bởi ánh mắt của Mẹ Hằng Cứu Giúp. Điều tương tự này đã xảy ra khi tôi cử hành thánh lễ sáng trong nhà thờ ở Rome, nơi có bức linh ảnh gốc Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nó gần như không thể cưỡng lại. Đôi mắt của Mẹ chìm đắm và thấu vào, dẫn đưa tôi đến tận sâu trong bản thân mình cả thực tế bên ngoài lẫn bên trong nơi tôi tìm thấy chính mình.

Vì vậy, sau tất cả các khía cạnh thần học và lịch sử mà bức linh ảnh này có thể mang đến, và theo các tác phẩm của nhiều tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế khác đã, trong bối cảnh hân hoan này, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm và suy tư của riêng mình từ ánh nhìn của Mẹ Hằng Cứu Giúp. Và tôi sẽ làm điều đó theo cách thế và tác phong của một thừa sai DCCT. Bằng cách xem xét hình ảnh thông qua lối nhìn này, cho phép tôi kết nối các khía cạnh biểu lộ lòng chạnh thương với tất cả lòng thương xót nơi Mẹ của Đấng Cứu Thế. Theo nghĩa này, tôi sẽ lưu tâm đến các yếu tố đặc trưng linh đạo DCCT, và hơn thế nữa, những yếu tố nổi trội từ Năm Thánh Lòng Thương Xót, được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố, trong đó Năm Thánh của chúng ta cũng diễn ra.

Ánh mắt của Đức Maria trong bức linh ảnh

Nếu chúng ta nhìn thẳng và tập trung chú ý vào ánh mắt của Đức Maria, chúng ta thấy đôi mắt lớn của Mẹ, phảng phất sự thanh thản, phiền não và đau khổ mà chúng ta khó diễn tả; kèm theo ánh mắt là hàng lông mi đi xung quanh làm mở rộng đôi mắt. Ánh nhìn của Mẹ không hướng đến Con Mẹ, Người mà Mẹ nắm chặt trên cánh tay trái của mình, trong khi Mẹ chỉ vào Người con ấy bằng tay phải của mình. Ánh nhìn của Mẹ hướng về những người nhìn mình, về phía chúng ta, về thế giới.

Chúng ta ngay lập tức tự hỏi: Đức Maria đang nhìn gì? Tại sao Mẹ lại hướng nhìn như thế? Nếu đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, của sự thân mật, nói cho chúng ta, những gì đang xảy ra trong nội tâm của Mẹ? Ánh nhìn của Mẹ là gì? Mẹ đang nghĩ gì ? Mẹ mời chúng ta làm gì? Mẹ muốn nói gì với chúng ta?

Đối với Mẹ, ánh nhìn của Mẹ dường như luôn luôn là cái nhìn thanh thản và dịu dàng của một người yêu thương từ nỗi đau và nhìn chúng ta bằng lòng chạnh thương, với sự thấu hiểu. Cứ như thể Mẹ đang nói với chúng ta rằng, như là hình ảnh và sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa, Mẹ sống nỗi đau trong thân xác mình, Mẹ cảm nhận cách sống động và sâu sắc. Bằng cảm nhận đó trong tất cả sự đau đớn, Mẹ thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau của người khác. Vì lý do này, ánh nhìn của Mẹ mách bảo cho chúng ta về sự gần gũi của Mẹ. Đó là một cái nhìn mời gọi sự đáp lại. Mẹ không nhìn chúng ta đơn giản chỉ bởi vì là Mẹ của Đấng Cứu Thế, như làm theo bổn phận hay vị trí là người mẹ. Mẹ nhìn chúng ta bởi vì là người đầu tiên tham gia vào và Mẹ cũng muốn chúng ta tham dự vào.

Về phần mình, đây là cách tôi đã sống và cảm nhận. Ánh nhìn của Mẹ khiến tôi nhìn vào chính mầu nhiệm đời sống cá nhân mình và của cuộc sống. Một cách thực tế hơn và siêu việt hơn cùng một lúc. Tôi không thể lẫn trốn lương tâm mình và khám phá vẻ đẹp lẫn sự yếu hèn của nó. Mọi thứ thật rõ ràng và trung thực trong ánh nhìn của Mẹ. Tôi có thể nhận thấy toàn bộ cuộc đời mình liên quan đến công việc cứu độ. Tôi sẽ cầu nguyện tự phát: Ôi, Lạy Chúa, Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa, mặc dù tất cả tội lỗi và vô tri của con về sự hiện diện của Ngài trong câu chuyện này. Đó là một ánh nhìn làm mới trí nhớ, tăng cường và làm cho nó sâu hơn, và một cách nào đó mang nó vào những đau đớn thực sự của cuộc sống để dâng hiến nó.

Tôi luôn cảm nhận được sự tự tin nhất định, ánh mắt của Mẹ Maria quả là một sự phức tạp. Mẹ mời gọi tôi, theo một cách độc đáo, đi sâu vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa, qua mầu nhiệm cuộc sống mình. Cứ như thể Mẹ đang bảo tôi “đến và xem” (ven y ve in Spanish, khác biệt chỉ với một từ, cả hai hành động cùng lúc). Ánh nhìn khiến tôi chuyển động để thấy mọi thứ khác đi và đi theo những con đường không rõ. Đó là một cái nhìn bao trùm và mời chúng ta tiếp nhận cuộc sống, không sợ hãi, bởi vì Mẹ gìn giữ chúng ta, như khi Mẹ giữ lấy con mình. Mẹ nhận được sự thanh thản và mạnh mẽ “đừng sợ” từ Thiên sứ, và truyền nó cho chúng ta theo cùng cách đó. Đã nhiều lần Mẹ nói với tôi: Đừng sợ, Mẹ cùng với Con Mẹ ở đây. Hãy trở thành một phần của mầu nhiệm này. Chiến thắng của Đấng Cứu độ ngang qua lòng thương xót xoá tan đau khổ đang ở đây.

Đôi mắt Mẹ sâu thẳm, và đó là lý do tại sao hấp dẫn và luôn quyến rũ tôi. Chính sức mạnh của Thiên Chúa hiện diện trong mắt Mẹ, lôi kéo chúng ta. Tôi có thể nói rằng nhìn vào Mẹ, tôi sẽ nhớ những câu thơ từ bài hát: “Bạn đã nhìn vào mắt tôi và gọi tên tôi với một nụ cười.” Thiên Chúa của sự sống nhìn tôi qua ánh mắt của người phụ nữ của sự sống, là Evà mới. Vì vậy, nhìn chúng tôi với đôi mắt của Đấng Cứu độ; con mắt lan toả tình yêu, của sự sáng tạo mới. Đó là ánh nhìn đổi mới tôi nhiều lần. Nó luôn luôn cố gắng để đưa tôi vào con đường để tiếp tục đổi mới bản thân mình cách liên lỉ.

Nơi Mẹ, trong ánh mắt mình, ánh mắt của Thiên Chúa được tỏ hiện cách nhân từ, với sự dịu dàng của người nữ, với sự nhạy cảm nữ tính. Đó là ánh nhìn của một người phụ nữ luôn tìm kiếm và thẩm vấn, nhưng điều đó được nhận biết để làm cho chính nó trở nên rộng lượng hơn khi mọi thứ có vẻ tốt và một lời hứa mạo hiểm (Truyền tin). Mẹ là người luôn luôn tự hỏi về cách tốt nhất để phục vụ làm cho mình nhỏ lại và từ đó nói lên sự khao khát sâu sắc nhất của người khác cho sự tự do (Thăm viếng). Người luôn luôn bận tâm đến niềm vui của giao ước sự sống không bao giờ kết thúc (Tiệc cưới tại Cana). Người nhận biết về sự im lặng và những khoảnh khắc đen tối nhưng vẫn trung thành (Nuôi dưỡng và Đời sống cộng đoàn). Một trong những người được biết đến đã đi đến tận cùng, ngay cả khi kết cuộc tàn nhẫn và khắc nghiệt (Cuộc Vượt qua và Khổ giá). Một trong những người đã hiện diện trong cộng đoàn để tất cả, với và như Mẹ, có thể nhận được sức mạnh đến từ trời cao, để tiếp tục ở trung tâm của câu chuyện này (Lễ Hiện Xuống). Do đó, ánh mắt của Mẹ Maria tập hợp và truyền đạt tất cả quá trình của mầu nhiệm về việc mặc khải ơn giải thoát của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Đó là một ánh nhìn đầy mặc khải.

Đôi mắt cho chúng ta biết rất nhiều về con người, họ là ai và cảm nhận gì. Điều này cũng đúng trong trường hợp của Mẹ Maria, nhưng đôi mắt của Mẹ tiết lộ với chúng ta rằng Mẹ giống như mặt trăng, là sự phản chiếu của một ánh sáng lớn hơn, một ánh nhìn mạnh mẽ và quyền thế hơn, trong đó Mẹ chỉ là một đầy tớ trung thành. Nhìn vào Đức Maria, không thể nào không tiếp xúc với Mầu nhiệm Thiên Chúa, với những gì Ngài có khả năng đạt được trong chúng ta nếu bản thân cho phép mình có một cái nhìn biến đổi.

Ánh mắt Thiên Chúa nơi ánh mắt Đức Maria

face-1Kinh nghiệm của tôi là mỗi lần nhìn đến Đức Maria, tôi lại thấy ánh mắt của Thiên Chúa, một ánh mắt ẩn chứa lòng thương xót. Tôi cảm giác nhìn nhưng không thể kiểm soát hay phán đoán lúc ban đầu. Kinh nghiệm cảm nhận vui lòng, tham dự, được thôi thúc, lôi cuốn đến một nơi có thể nhận chân chính mình theo một cách mới. Chính trong bối cảnh giao thoa này mà cái nhìn thanh thản về những phiền não và hy vọng rằng sẽ không thất bại, trở nên một cách thức kiểm soát và phán đoán chắc chắn nào đó. Nhưng thẩm phán là tình yêu thương xót, nói với tôi rằng: Bạn không thể đi theo lối này được. Không thể lãng phí cuộc sống mình theo cách này. Hãy đến, xem và tận hưởng hoa trái của Ơn cứu độ, của sự sống mới thật tốt đẹp dường bao.

Đức Hồng Y Bergoglio đã lấy làm nguồn hứng khởi khi nói chính xác về ánh mắt của Đức Maria, Ngài nói rằng: “ánh mắt của Mẹ tiếp nối ánh mắt của Chúa Cha, Đấng đã nhìn Mẹ như một trẻ thơ và ban cho Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa; cũng giống như ánh mắt của Chúa Con từ thập giá, từ nơi Ngài đã trối Mẹ làm Mẹ chúng ta; cùng là ánh mắt mà Mẹ đang nhìn chúng ta.” Sau đó, Đức Hồng Y nói thêm rằng “ánh mắt của Đức Trinh Nữ giúp chúng ta nhìn nhau theo một cách khác. Chúng ta học được cách thế để trở nên con người hơn, bởi vì mẹ nhìn chúng ta. Trở thành ánh mắt của sự tìm kiếm để cứu vớt, đồng hành và bảo vệ. Chúng ta học cách nhìn thấy chính mình trong ánh mắt của Mẹ.”[1] Đây là những gì tôi đã luôn luôn sống để chiêm ngắm linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Mẹ Hằng Cứu Giúp mang chúng ta đến gần Thiên Chúa, Đấng hằng luôn luôn cứu giúp chúng ta, ngang qua Mẹ, chính xác là Mẹ của Đấng Hằng Cứu Giúp, chính là Đức Giêsu. Ngài là Đấng Cứu Chuộc và Ngài là Đấng Hằng Cứu Giúp (tức là cứu độ). [2] Đức Maria chỉ thông chuyển, hay đúng hơn, là kết nối chúng ta với nguồn gốc của sự cứu độ, ơn cứu chuộc, trợ giúp, giải thoát của chúng ta, tuy nhiên, chúng ta gọi đây là Mầu nhiệm. Mẹ mang Con Thiên Chúa đến gần chúng ta hơn; Mẹ ban cho chúng ta, Đức Giêsu, như là Thiên-Chúa-làm-người. Đó là cách Mẹ mang Ngài đến với chúng ta nơi trần thế, giúp Ngài sống giữa chúng ta. Mẹ bảo vệ, dưỡng nuôi và che chở Con Thiên Chúa, và với lý do này, Mẹ cũng làm như vậy với chúng ta. Chúng ta nhận thấy tất cả điều này trong sự lộng lẫy sâu sắc và giản đơn nơi bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Khi tôi nhìn vào ánh mắt Đức Maria và nơi Mẹ, đó cũng là Thiên Chúa, cả hai dẫn tôi đến hoa quả ân phúc, Đức Giêsu, Đấng Cứu Chuộc, Đấng giải thoát, Đấng Hằng Cứu Giúp thực sự của nhân loại. Đức Maria là sự Hằng Cứu Giúp bởi vì Mẹ cho chúng ta thấy ai là Đấng Hằng Cứu Giúp thực sự. Chúng ta nhìn ra và nhận thấy điều này trong tổng thể diễn tả nơi linh ảnh. Ánh mắt của Mẹ mở ra cho chúng ta một cửa sổ cho sự mặc khải trọn vẹn của Chúa Giêsu.

Chúng ta chỉ được cứu độ “trong” Đức Giêsu (Cv 4:12; Rm 10: 9-10). Trong danh Ngài, Chúa Cha ban cho chúng ta những gì chúng ta cần (Ga 14:14, 16:23). Ngài là Đấng Hằng Cứu Giúp của chúng ta. Đức Maria nhắc nhở chúng ta về sự thật này bằng cách thu hút sự chú ý của chúng ta vào ánh mắt của người mẹ. Mẹ của Đấng trợ giúp và của những người được trợ giúp. “Trong” Chúa Giêsu có nghĩa là tình yêu tha thứ, “trong” ơn cứu độ chứa chan, “trong” ơn hòa giải, “trong” sự hiệp thông, “trong” việc hiến dâng, “trong” mầu nhiệm nhập thể, v.v… Đây là toàn thể danh thánh Đức Giêsu, Thiên Chúa-ở cùng- chúng ta-Đấng-cứu vớt/ trợ giúp-chúng ta, và trong mọi tình trạng tội lỗi, từ mọi nơi, để hướng dẫn chúng ta đến vinh quang chiến thắng sự dữ. [3] Đó là lý do tại sao Đức Maria đăm đăm nhìn chúng ta, để chúng ta có thể dõi theo ánh nhìn đó, nhìn như thế, cho phép bản thân ta được dẫn dắt bởi ánh nhìn đó, đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, luôn luôn hướng đến con đường công chính, vì thế mà được chúc phúc (Mt 5; Lk 6).

Sứ mạng thừa sai DCCT từ ánh nhìn của Đức Maria

Chúng ta là những thừa sai DCCT, được mời gọi để loan báo về “Ơn Cứu Chuộc nơi Ngài chan chứa” (HP, số 6). Do đó, chúng ta được kêu gọi để nhận ra sự sống của mọi người như Chúa Giêsu, đặc biệt như ánh mắt của Đức Maria mời gọi chúng ta đến xem. Điều này, theo lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô,

Với đôi mắt đăm đăm nơi Chúa Giêsu của chúng ta và ánh nhìn xót thương của Ngài, chúng ta trải nghiệm tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Sứ mệnh mà Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha là mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu thần thiêng. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Jn 4: 8,16), Gioan khẳng định đầu tiên và duy nhất trong tất cả Kinh Thánh. Tình yêu này bây giờ đã được hiển thị và hữu hình trong toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu. Nhân vị của Ngài chẳng là gì ngoài tình yêu, một tình yêu trao ban cách nhưng không. Các mối liên kết mà Ngài thiết lập với những người tiến đến Ngài biểu hiện một cái gì đó hoàn toàn độc đáo và không thể thuật lại. Những dấu chỉ mà Ngài làm, đặc biệt là nơi những người tội lỗi, người nghèo, người bị thiệt thòi, người đau ốm, và những đau khổ, đều có nghĩa là để thể hiện lòng thương xót. Tất cả mọi sự trong Ngài nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Ngài là không lòng chạnh thương. (Tông huấn Dung Nhan Lòng Thương Xót – Misericordiae Vultus [MV] số 8)

Là thừa sai DCCT, chúng ta có thể học hỏi từ ánh mắt của Đức Maria (HP, số 32), và theo cách này phát huy trong bản sắc mình. Mẹ nhìn với sự dịu dàng và lòng chạnh thương của Thiên Chúa thể hiện trong khuôn mặt con người. Đây sẽ là cách chúng ta nhìn vào thực tại. Giống như Mẹ, chúng ta đặt mình vào thân xác hiến tế của Chúa Giêsu hướng về quê trời và Ơn Cứu chuộc, ôm lấy Ngài trong vòng tay mình. Đây là lý do tại sao chúng ta đến với người nghèo bị bỏ rơi nhất (HP, các số 3-5, 14). Ở đó, ơn cứu chuộc, đã diễn ra, cần phải được thể hiện như một đối tượng của sự sống (HP, số 12). Đây là một cái nhìn suy tư cho phép chúng ta “nhìn thấy Thiên Chúa trong con người và sự kiện hàng ngày; để nhận thức thực sự trong ánh sáng Kế hoạch cứu độ của Ngài, và phân biệt giữa thực tại và ảo ảnh” (HP, số 24). Với tư thế luôn luôn trau dồi, từ nền tảng ban đầu của mình, là “tìm kiếm Thiên Chúa mọi lúc, giải thích các dấu hiệu của thời đại, thấy Đức Kitô trong mọi người và có sự đánh giá đúng đắn về các giá trị con người” (HP, số 83). Vì lý do này, ánh mắt của Đức Maria chưa thể diễn tả hết nhưng củng cố niềm tin của chúng ta để trở thành những đầy tớ của “Tin Mừng của lòng Chúa thương xót” (HP, số 12) ngang qua “thừa tác vụ của Ơn hòa giải” (HP, số 11).

Ánh nhìn của Đức Maria dẫn dắt chúng ta, cũng như Mẹ, luôn luôn “chú ý đến những dấu hiệu của thời đại” (HP, các số 2, 24, 73, 83). Ánh nhìn của Mẹ Hằng Cứu Giúp là “khiêm nhường và can đảm” (HP, số 6) cùng một lúc. Khiêm tốn bởi vì Mẹ biết mình là một người đầy tớ và Can đảm bởi vì Mẹ dâng hiến cuộc sống của mình, phải đối mặt với Mầu nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm con người, ở giao điểm vĩ đại. Ở đó, Mẹ hiện diện, lặng đứng, nắm giữ, chỉ hướng, đắm nhìn và hiển thị thái độ, cử chỉ và dáng vẻ tốt nhất. Đây là lý do tại sao, từ ánh mắt của Mẹ, chúng ta có thể hiểu Hiến pháp: “Tất cả thừa sai DCCT, luôn tuân theo giáo huấn của Giáo Hội, phải là những người tôi tớ khiêm hạ và can trường của Tin mừng Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế và là Chúa, là người đứng đầu và mẫu mực của nhân loại mới ”(HP, số 6). Mẹ là một dấu chỉ và nguồn gốc của nhân loại mới đó, cưu mang trong đơn sơ, nhỏ bé; nhưng đồng thời, thấu hiểu và giải thoát sâu sắc. Ánh mắt của Mẹ giải thoát và mời gọi chúng ta là một phần của một câu chuyện giải thoát, sự cứu thoát thật sự và toàn diện (HP, các số 5, 6).

Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng sự điềm tĩnh và thông hiệp của Mẹ với sự yếu đuối của con người đến từ những gì nơi Mẹ được hình thành bởi sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần. Mẹ là người phụ nữ của Thánh Thần bởi vì Mẹ đã hiến dâng con người của mình trở thành biểu hiện của sức mạnh thánh hoá và giải thoát của Thánh Thần, đó là tình yêu, sự hiệp thông, tình yêu phổ quát. [4] Mẹ mời gọi chúng ta để cho điều này xảy ra nơi bản thân mình, thừa sai DCCT. Chúng ta biết rất rõ rằng “Chúa Thánh Thần chỉ huy mọi tình huống, đặt lời lẽ thích hợp trên môi của ngườin rao giảng và mở lòng người để đón nhận” (HP, số 10). Như trong Đức Maria, Thánh Thần là tác giả chính và nhân vật chính vào thời điểm hiện thân của Ngôi Lời nhập thể và làm cho Ngài được biết đến bằng chứng từ trong cuộc sống.

Trái ngược với những gì biểu tượng của Trinh nữ đặt ở vị thế tĩnh nhất định, được phác hoạ cho mọi người thấy, có thể gợi hứng, kinh nghiệm cá nhân tôi là nơi Mẹ, đặc biệt trong ánh mắt, tôi đã khám phá ra “tính năng động tông đồ” (HP, các số 13 -17). Đó là một ánh nhìn thu hút sự chú ý của chúng ta và dẫn chúng ta một cách linh động đến Mầu nhiệm ơn cứu độ. Dưới khía cạnh này, Mẹ mời gọi chúng ta trở nên tôi tớ Thiên Chúa, với một thái độ của người mẹ, nữ tính và trung tín. Vì vậy, Mẹ giúp chúng ta “[phấn đấu] một cách nghiêm túc để thực hiện sứ mạng của mình với sự chủ động mạnh mẽ và cống hiến hết lòng” để chúng ta có thể “[phát triển] và [thích nghi] hình thức hoạt động truyền giáo [của mình]” (HP, số 13). Mẹ giúp chúng ta “tự do và không bị ngăn trở trong việc chọn những nhóm người để loan báo Tin mừng và chọn các phương thế cần sử dụng trong sứ mạng cứu độ” (HP, số 15). Đây là những thái độ của người mẹ, sự dịu dàng và sự chú tâm của phụ nữ, ít bảo thủ và mạo hiểm hơn cho tình yêu, vì nhu cầu cần thiết phải phục vụ những người cần giúp đỡ. Đó là công việc của Chúa Cha qua ánh mắt của Mẹ và hành động của Con. Tất cả điều này đều trong bức linh ảnh. Đây là lý do tại sao chúng ta muốn dấn thân, không chỉ trong Năm thánh, cũng không “chỉ trong hôm nay” nơi cuộc sống mình, để hiểu lòng thương xót này là “quy luật nền tảng ngự trong lòng mọi người, xác định lối nhìn của người chân thành nhìn vào mắt của anh chị em của mình trên hành trình cuộc sống ” (Tông huấn Dung Nhan Lòng Thương Xót – Misericordiae Vultus [MV] số 2).

Kết luận: Ánh mắt Mẹ Maria về lợi ích của Năm Thánh lòng thương xót

Ánh mắt Mẹ Maria đã dạy tôi cách nhìn và nhất là bản thân mình, để thấy trong mắt mọi người một cửa sổ bí ẩn sâu sắc nhất của cuộc sống, trong mọi người và trong mọi thực tại lịch sử. Một ánh nhìn vượt qua đau khổ và từ bi thương xót, một cái nhìn chính diện và liên lỉ trong đời sống tông đồ của mình, trong mọi nỗ lực loan báo, vì đó là những mũi nhọn sứ mạng của chúng ta (Tông huấn Dung Nhan Lòng Thương Xót – Misericordiae Vultus [MV] số 10).

Được dìu dắt bởi bàn tay Mẹ Hằng Cứu Giúp và được dẫn đưa bởi ánh mắt của Mẹ, Năm thánh này cùng với Năm Thánh Lòng thương xót, giúp chúng ta thêm can đảm và nhận chân ra căn tính và sứ mang của mình, vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rất rõ: “Đối với Giáo hội, đã đến lúc tái dành thời gian để công bố một cách vui mừng về sự tha thứ. Đây chính là thời gian để tái trở về lại với những gì là căn bản và chính yếu, cũng như để đón nhận những người yếu đuối, những người đang gặp khó khăn nhất trong số những người anh chị em của chúng ta. Lòng thương xót chính là một sức mạnh làm cho tái sinh để trở thành một cuộc sống mới, cũng như trao tặng sự can đảm để hướng cái nhìn về tương lai một cách tràn đầy hy vọng.” (Tông huấn Dung Nhan Lòng Thương Xót – Misericordiae Vultus [MV] số 10).

 

[1] Bài giảng ngày 10 tháng 10 năm 1999 (arzbaires.org). Xem thêm bài giảng của ngày 22 tháng 9 năm 2013 (vatican.va).

[2] Tiêu đề “Hằng Cứu Giúp” của linh ảnh trước tiên được áp dụng cho Đức Maria, nhưng cũng cho Chúa Giêsu, người duy nhất thực sự trợ giúp (tức là cứu giúp) (Cepedal, Perpetuo Socorro [Madrid, 1995] 47-50).

[3] “Danh thánh ‘Chúa Giê-su’ có nghĩa rằng chính là danh Thiên Chúa hiện diện trong con người của Con Ngài, làm người vì ơn cứu chuộc và giải khoát khỏi tội lỗi. Đó là cái tên thiêng liêng chỉ mình Ngài mang đến sự cứu độ, và từ đó tất cả đều có thể gọi tên Ngài, vì Chúa Giêsu đã nối kết mình cho tất cả mọi người qua mầu nhiệm Nhập thể, để ‘không có danh nào khác dưới vòm trời được trao cho những người nhờ đó chúng ta được cứu độ’ ”. (GLHTCG, số 432).

[4] Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Suy nghĩ của tôi giờ đã trở thành Mẹ của Lòng thương xót. Nguyện sự ngọt ngào cậy trông của Mẹ dõi theo chúng ta trong Năm Thánh này, để tất cả chúng ta có thể tái khám phá niềm vui nơi sự dịu dàng của Thiên Chúa. Không có bất cứ một ai khác giống như Đức Maria đã học biết về sự thẳm sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa Làm Người. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ đều được khắc ghi bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và cũng là Thân Mẫu của Đấng Phục Sinh đã bước vào trong thánh địa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vì Mẹ có sự tham dự thật sâu xa vào với mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa.  ” (MV 24).

Antonio Fidalgo, C.Ss.R. (Province of Buenos Aires)

Tịnh Trí Thiên theo cssr.news

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết