'Hãy đến cùng Giuse': Các Đức Giáo hoàng từ Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX đến Đức Phanxicô nói gì về Thánh Cả Giuse?

d

Việc Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Thánh Giuse vào tháng 12 năm 2020 trùng với dịp kỷ niệm 150 năm Chân Phước Giáo hoàng Piô IX công bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ vào ngày 8 tháng 12 năm 1870.

“Chúa Giêsu Kitô… Đấng mà vô số các vị vua chúa và tiên tri đã mong muốn được chiêm ngắm, Thánh Giuse không chỉ chiêm ngắm mà còn trò chuyện, ôm ấp và hôn hít với tình cảm trìu mến của một người cha. Thánh Giuse đã cần mẫn nuôi dạy Chúa Giêsu, Đấng mà các tín hữu sẽ đón nhận như bánh từ trời xuống, nhờ đó họ có thể có được sự sống vĩnh cửu”, Sắc lệnh “Quemadmodum Deus năm 1870 nêu rõ.

Người kế vị của Đức Chân Phước Giáo hoàng Piô IX, Đức Giáo hoàng Lêô XIII, đã tiếp tục viết Thông điệp Quamquam Pluries” bày tỏ lòng sùng kính đối với Thánh Giuse.

“Thánh Giuse đã trở thành người giám hộ, coi sóc và bảo vệ hợp pháp của ngôi nhà thiêng liêng mà Ngài là trụ cột”, Đức Lêô XIII viết trong Thông điệp xuất bản năm 1889.

“Giờ đây ngôi nhà thiêng liêng mà Thánh Giuse cai trị với thẩm quyền của một người cha, nằm trong giới hạn của nó là Giáo hội”, Đức Lêô XIII viết.

Đức Lêô XIII đã giới thiệu Thánh Giuse như một hình mẫu vào thời điểm khi mà thế giới và Giáo hội đang phải vật lộn với những thách thức do thời hiện đại đặt ra. Một vài năm sau, Đức Lêô XIII tiếp tục xuất bản Thông Điệp “Rerum Novarum”, Thông điệp về vốn và lao động, trong đó vạch ra các nguyên tắc nhằm đảm bảo phẩm giá của người lao động.

Trong 150 năm qua, gần như mọi Giáo hoàng đều thực hiện các bước để tiếp tục cổ võ lòng sùng kính Thánh Giuse trong Giáo hội và sử dụng người Cha khiêm nhường và người thợ mộc làm nhân chứng cho thế giới hiện đại.

“Nếu anh chị em muốn gần gũi với Đức Kitô, tôi lặp lại với anh chị em:  ‘Ite ad Joseph’ – Hãy đến cùng Giuse”, Đấng Đáng Kính Piô XII nói vào năm 1955 khi Ngài thiết lập lễ Thánh Giuse Thợ, được cử hành vào ngày 1 tháng Năm.

Ngày lễ mới được chủ ý đặt vào lịch Phụng vụ để chống lại các cuộc biểu tình vào Ngày Quốc tế Lao động của cộng sản. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Giáo hội trình bày mẫu gương của Thánh Giuse như một con đường thay thế hướng tới phẩm giá của người lao động.

Năm 1889, Hội nghị xã hội chủ nghĩa quốc tế đã thiết lập ngày 1 tháng 5 là ngày nghỉ lễ để tưởng nhớ các cuộc biểu tình liên quan đến “Vụ bạo động Haymarket” ở Chicago. Cũng trong năm đó, Đức Lêô XIII đã cảnh báo người nghèo về những lời hứa hão huyền của “những người đàn ông nổi loạn”, thay vào đó kêu gọi họ quay hướng đến Thánh Giuse, với lời nhắc nhở rằng Mẹ Giáo hội “mỗi ngày đều có lòng trắc ẩn ngày càng thêm nhiều đối với họ” .

Theo Đức Lêô XIII, bằng chứng về cuộc đời của Thánh Giuse đã dạy cho người giàu về “thứ của cải được mong muốn nhất là gì”, trong khi người lao động có thể khẳng định việc chạy đến kêu cầu Thánh Giuse là “quyền đặc biệt của họ, và Thánh Giuse chính là mẫu gương để họ noi gương bắt chước”.

“Vậy thì đúng là thân phận của những người thấp kém chẳng có gì đáng xấu hổ cả, và công việc của người lao động chẳng những không đáng xấu hổ mà còn có thể được tôn vinh một cách đặc biệt”, Đức Lêô XIII viết trong Thông điệp Quamquam Pluries”.

Năm 1920, Đức Bênêđíctô XV đã tuyên bố Thánh Giuse làm “Đấng hướng dẫn đặc biệt” và “Đấng bảo trợ trên trời” cho những người lao động “để giúp họ tránh khỏi sự lây nhiễm của chủ nghĩa xã hội, kẻ thù cay đắng của các nguyên tắc Kitô giáo”.

Và, trong Thông điệp Divini Redemptoris năm 1937 về chủ nghĩa cộng sản vô thần, Đức Piô XI đã đặt “chiến dịch rộng lớn của Giáo hội chống lại chủ nghĩa cộng sản thế giới dưới chân Thánh Cả Giuse, Đấng Bảo vệ đầy quyền thế của Mẹ Giáo hội”.

“Thánh Cả Giuse thuộc tầng lớp lao động, và chính Ngài đã mang lấy gánh nặng của sự cơ bần và Gia đình Thánh gia, mà trong đó Ngài là trụ cột luôn ân cần chăm sóc một cách cẩn trọng. Hài nhi Giêsu được trao phó cho Thánh Giuse khi Vua Hêrôđê đang tìm cách hạ sát Ngài”, Đức Piô XI tiếp tục. “Thánh Cả Giuse đã được trao cho danh hiệu ‘Đấng công chính’, vì thế, Ngài đóng vai trò như một hình mẫu sống động của công lý Kitô giáo vốn sẽ ngự trị trong đời sống xã hội”.

Tuy nhiên, mặc dù Giáo hội thế kỷ 20 nhấn mạnh đến Thánh Giuse Thợ, cuộc đời của Thánh Giuse không chỉ được xác định bởi cuộc đời lao tác, mà còn bởi ơn gọi làm Cha của Ngài.

“Đối với Thánh Giuse, cuộc sống cùng với Chúa Giêsu là một sự khám phá liên tục về ơn gọi làm Cha của chính mình”, Thánh Gioan Phaolô II viết trong cuốn sách năm 2004 “Hãy trỗi dậy, chúng ta hãy bước đi trên con đường của mình” (Rise, Let Us Be On Our Way).

Thánh Gioan Phaolô II tiếp tục: “Chính Chúa Giêsu, với tư cách là một con người, đã trải nghiệm tình phụ tử của Thiên Chúa qua mối tương quan cha con với Thánh Giuse”.

Thánh Gioan Phaolô II đã trực tiếp chứng kiến những nỗ lực của cộng sản nhằm làm suy yếu đơn vị gia đình và đồng thời làm suy yếu thẩm quyền của cha mẹ ở Ba Lan. Thánh Gioan Phaolô II chia sẻ rằng Ngài hướng đến vai trò làm cha của Thánh Giuse như một hình mẫu cho sứ vụ Linh mục của chính mình.

Năm 1989 – 100 năm sau Thông điệp của Đức Lêô XIII – Thánh Gioan Phaolô II đã viết “Redemptoris Custos, Tông Huấn về con người và sứ mạng của Thánh Giuse trong cuộc đời của Chúa Kitô và của Giáo hội.

Trong công bố về Năm Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Tông Thư “Patris Corde, giải thích rằng Ngài muốn chia sẻ một số “suy tư cá nhân” về người phối ngẫu của Đức Trinh Nữ Maria.

“Mong muốn của tôi để được làm như vậy càng tăng lên trong những tháng đại dịch này”, Thánh Gioan Phaolô II nói, và đồng thời lưu ý rằng nhiều người đã âm thầm hy sinh trong cuộc khủng hoảng để bảo vệ những người khác.

“Mỗi người trong chúng ta đều có thể khám phá nơi Thánh Giuse – một người không được chú ý, hiện diện hàng ngày, một cách âm thầm và ẩn giấu – Đấng chuyển cầu, trợ giúp và hướng dẫn trong những lúc khó khăn”.

“Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng những người xuất hiện ẩn mình hoặc trong bóng tối có thể đóng một vai trò không thể so sánh được trong lịch sử cứu độ”.

Năm Thánh Giuse tạo cơ hội cho người Công giáo lãnh nhận Ơn Toàn Xá bằng cách đọc bất kỳ lời cầu nguyện nào được phê chuẩn hoặc thực hành lòng đạo đức để tôn vinh Thánh Giuse, đặc biệt là vào ngày 19 tháng 3, Lễ Trọng kính Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, và ngày 1 tháng 5, Lễ Thánh Giuse Thợ.

Về lời cầu nguyện được phê chuẩn, các tín hữu có thể sử dụng Kinh Cầu Thánh Giuse, được Thánh Giáo hoàng Piô X chấp thuận cho sử dụng công khai vào năm 1909.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cũng đề nghị rằng lời cầu nguyện sau đây với Thánh Giuse được đọc vào cuối chuỗi Mân Côi trong Thông điệp về Thánh Giuse:

“Lạy ơn Ông Thánh Giuse. Chúng con chạy đến cùng Người, trong cơn gian nan chúng con mắc phải. Chúng con đã kêu van cùng Rất Thánh Đức Bà là Đấng đã làm Bạn cùng Người, phù hộ gìn giữ chúng con, thì chúng con cũng lấy lòng trông cậy cho vững vàng, mà xin Ông Thánh Giuse bầu cử cho chúng con như vậy.

Chúng con xin vì nhân đức kính mến, mà Người làm Bạn cùng Rất Thánh Đồng Trinh là Mẹ Chúa Trời, và là Đấng chẳng mắc phải tội tổ tông truyền, cùng vì lòng thương Người đã ẵm lấy Đức Chúa Giêsu, thì chúng con xin Ông Thánh Giuse ghé mặt lại mà thương đến Hội Thánh, là phần sản nghiệp Đức Chúa Giêsu đã lấy Máu Thánh mình mà chuộc. Lại xin Người dùng sức mạnh thiêng liêng và quyền phép Người, mà giúp đỡ những sự chúng con còn thiếu thốn.

Lạy Đấng đã coi sóc Đức Chúa Giêsu cùng Đức Bà cho cẩn thận, thì chúng con xin Người bênh vực con cái Đức Chúa Giêsu đã chọn. Lạy Cha rất thương yêu! Chúng con xin Người cất mọi sự dối trá cùng mọi tội lỗi, cho chúng con khỏi mắc phải những sự ấy. Lạy Đấng rất mạnh đang ở trên trời hay gìn giữ chúng con, xin Người dủ lòng thương mà che chở chúng con đang khi chiến trận cùng kẻ thù tối tăm là các ma quỉ.

Như xưa Người đã gìn giữ Đức Chúa Giêsu cho khỏi cơn hiểm nghèo thế nào, thì rầy chúng con cũng xin Người cứu chữa lấy Hội Thánh, cho khỏi các mưu kế giặc thù, và các sự gian nan khốn khó như vậy, cùng xin Người hằng bầu cử cho chúng con được bắt chước Người, và trông cậy vì quyền thế Người, cho được giữ đạo cho trọn, cùng được chết lành, và được hưởng phúc vô cùng trên thiên đàng. Amen!”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết