Hãy biến kí ức đau buồn thành sự hòa giải

“Kí ức được đổ tràn bởi tình yêu có khả năng tạo nên những con đường mới và bất ngờ, có thể biến hận thù trở thành sự hòa giải” – Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong chuyến tông du từ ngày 24 – 26/6 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến người dân Armenia một sứ điệp nhắc nhớ họ về một quá đau buồn của dân tộc, nhưng ngài hy vọng Armenia sẽ lấy đó làm cơ hội để xây dựng những cầu nối của sự tha thứ và hòa giải để phục vụ cho công ích chung.

Đánh giá cao những cam kết đầy nhẫn nại và bền bỉ đối với sự hiệp nhất trọn vẹn trong tinh thần của phong trào đại kết của các giáo hội tại đây, Đức Phanxicô nhận thấy sự triển khai các sáng kiến chung và hợp tác giữa tất cả các môn đệ Chúa Kitô như ngọn đèn sáng soi trong đêm tối là những sự khác biệt sẽ rọi sáng bằng những thái độ nhân ái và hiểu biết lẫn nhau, mà đối thoại và sự hợp tác sẽ giải quyết những bất đồng cũng như tôn trọng những giá trị giúp các Giáo hội tiến vững chắc đến sự hiệp nhất hơn.

Đức Giáo hoàng cùng Đức Thượng Phụ chính thống Hy lạp tại Armenia.

Đức Giáo hoàng cùng Đức Thượng Phụ chính thống Hy lạp tại Armenia.

Trong Thánh Lễ tại Gyumri, hôm thứ Bảy 25/6, Đức Phanxicô mời gọi các tín hữu xây dựng nền tảng của đời sống Kitô hữu là “kí ức, đức tin và “lòng thương xót”. Bởi lẽ tình yêu cụ thể chính là tấm danh thiếp của người Kitô hữu, còn những thứ khác có thể dẫn đến những hiểu lầm và thậm chí vô ích, vì “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương” (Ga 13,35). Chúng ta được mời gọi để không ngừng xây dựng lại những con đường của sự hiệp thông nhằm tạo nên những cầu nối của sự hiệp nhất và cùng hợp tác với nhau để vượt qua những chia rẽ”.

Lòng nhân ái tự nó có thể chữa lành những ký ức và băng bó những vết thương quá khứ. Kí ức tự nó có thể xóa bỏ những định kiến và làm cho chúng ta nhận thấy rằng việc mở lòng ra với anh chị em chúng ta có thể gột sạch và nâng cao niềm xác tín của chúng ta”. Noi gương Chúa Giêsu, “chúng ta được mời gọi nhận ra sự can đảm cần thiết để từ bỏ những ý kiến cứng nhắc và những lợi ích cá nhân nhân danh tình yêu, để rồi từ đó, chúng ta biết cúi xuống và trao ban chính mình… nhân danh một tình yêu khiêm nhường và tự hạ”.

Kí ức, được đổ tràn bởi tình yêu có khả năng tạo nên những con đường mới và bất ngờ, có thể biến hận thù trở thành sự hòa giải. Chúng ta sẽ được thừa hưởng từ những nỗ lực để đặt nền móng cho một tương lai vốn luôn bị bủa vây bởi sức mạnh huyền ảo của việc trả thù, một tương lai của những nỗ lực không ngừng nhằm kiến tạo hòa bình: tạo công ăn việc làm cho những người lâm cảnh thất nghiệp, chăm sóc cho những người đang cần sự quan tâm của chúng ta, và trận chiến không ngừng nghỉ tuyên chiến với nạn tham nhũng”.

Sau đó, trong thánh lễ cuối cùng cuộc viếng thăm, Chúa Nhật ngày 26/6, do Thượng phụ Giáo hội tông truyền Catholicos – Karekine II cử hành, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của các Thánh. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của người khiêm nhường và nghèo khó, của rất nhiều những nạn nhân của hận thù đã phải chịu nhiều đau khổ và thậm chí họ đã phải hiến dâng mạng sống mình vì đức tin. Chúng ta phải chú trọng đến các thế hệ trẻ, họ đã phải tìm kiếm cho mình một tương lai tự do từ quá khứ đầy chia rẽ của họ. Từ mảnh đất linh thánh này, mong sao một ánh sáng sẽ chiếu tỏa xa hơn nữa, ánh sáng đức tin đã chiếu rọi mảnh đất này từ thời thánh Gregory – người cha trong Tin mừng của anh em. Nguyện xin cho chúng ta hòa chung trong ánh sáng của tình yêu biết tha thứ và hòa giải”.

Hoà giải thế nào nếu hiện tại vẫn “cung cấp” chất liệu cho ký ức đau buồn?

Dương Khiết Trì thăm Việt Nam, ảnh chụp sáng 27/6/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia

Dương Khiết Trì thăm Việt Nam, ảnh chụp sáng 27/6/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia

Trong thời điểm căng thẳng vì những tranh chấp biển đảo, nhiều tàu cá của ngư dân Việt bị tàu Trung quốc đâm nát và tông chìm, thảm hoạ môi trường, duy trì việc đàn áp, khủng bố các tổ chức dân sự, bí ẩn việc hai chiếc máy bay rơi và mới đây, theo báo Tuổi trẻ, ngày 23/6, bốn tầu Hải cảnh và ba tầu khác của Trung quốc đã rượt đuổi tầu Cảnh sát biển Việt Nam, tấn công tàu kiểm ngư 951 “te tua”, chưa kể những “quả đắng” khác mà Trung quốc, các công ty, thương lái đã gây ra những tổn thất to lớn cho người dân, cho đất nước.

Hôm thứ hai 27/6, tại Hà Nội, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và  Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cùng chủ trì phiên họp thứ 9 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Việt.

Chuyến đi của ông Dương Khiết Trì diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường tuyên truyền trước phán quyết của tòa án quốc tế về vụ Philippines kiện đường “lưỡi bò” của Trung Quốc theo Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc rút khỏi Công ước LHQ về Luật Biển, họ vẫn có bổn phận trước cộng đồng quốc tế.

Mặc dù Việt Nam không tham gia vụ kiện tại The Hague, nhưng Việt Nam cũng  có lợi nếu dám đưa ra những phán quyết tích cực cho Manila và có thể có tiếng nói về việc chống lại Trung Quốc cải tạo đảo, hoạt động tuần tra trên biển và việc Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nhưng than ôi! Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh lại hồ hởi, phấn khởi ra mặt khi: “vui mừng nhận ra quan hệ giữa hai nước qua thời gian tiếp tục phát triển tích cực, mặc dù còn tồn tại một số vấn đề cùng nhau cần giải quyết”.

Theo báo Dân Trí, tại phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và ông Dương Khiết Trì đã đã trao đổi vấn đề trên biển, nhấn mạnh hai bên cần tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, đàm phán và tìm kiếm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được, cùng kiểm soát bất đồng trên biển. Hai bên cũng nhất trí thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Đấy là những vấn đề được giải quyết “thoả đáng” trên bàn họp, còn thực tế?.

Ông Dương Khiết Trì và ông Phạm Bình Minh đã chứng kiến buổi ký kết ba văn kiện hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển, về khoản tín dụng 129 triệu USD Trung Quốc cấp cho Việt Nam để xây cung văn hoá hữu nghị Việt Trung tại Hà Nội và văn kiện về mở Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng.

Chỉ thế thôi sao?

Sau tất cả những gì Trung quốc đã cho Việt Nam “một bài học”, từ năm 1979 đến nay và còn mãi, một bài học mà “trẻ Việt Nam chậm phát triển” học mãi không thông, lại còn “ngô nghê” ngoác miệng cười khi nhận những viên kẹo, không phải làm bằng đường mà bằng “đồng” và hoá chất. Sao lại vội quên đi những đau khổ của dân tộc, cả quá khứ lẫn hiện tại do “Anh bạn vàng” gây ra, và hy vọng hão về cái cơ hội xây dựng sự giao hảo, hợp tác, sự tôn trọng và phục vụ công ích chung?.

Đức Giáo hoàng trong một thánh lễ tại Armenia

Đức Giáo hoàng trong một thánh lễ tại Armenia

Người dân Việt Nam luôn nhẫn nại đến tột cùng, nhưng vẫn không hiểu, hay không chịu hiểu, sự ôn hoà đến mức “nhu nhược” của Nhà cầm quyền đối với Trung quốc và sự tráo trở, gian xảo, ác độc của họ là có nguyên nhân; nguyên nhân ai cũng hiểu, trừ chính quyền mãi “không chịu hiểu”.

Bài học kinh nghiệm về sự liên kết hữu cơ, các sáng kiến chung, sự đối thoại, những thoả thuận và hợp tác, cách giải quyết những bất đồng cũng như tôn trọng những giá trị của nhau giữa Việt Nam và Trung quốc như “răng cắn vào môi” chẳng lẽ lại trở nên “chuyện thường ngày” ở Việt Nam, không có gì ầm ĩ?!

Nhưng ai, bên nào sẽ biến ký ức đau buồn thành sự hoà giải?

Người Việt chuộng hoà bình, thân thiện và hay tha thứ nhưng không thể quên những kí ức sôi động trong lịch sử viết bằng dòng máu hào hùng của tiền nhân trong việc gìn giữ chủ quyền tổ quốc, độc lập dân tộc, và vị thế của một quốc gia, không phải để căm thù, nhưng để nhắc nhớ cẩn trọng với anh bạn láng giềng luôn luôn đói khát, lăm le giở quẻ và tráo trở.

Sự giao hảo “hão” không đáng để đánh đổi vận mệnh quốc gia và dân tộc. Con đường hữu nghị phải lát bằng những phiến đá sự thật và lòng trân trọng những giá trị thật của hai bên, chứ không phải xây dựng bởi xương thịt trộn với máu và nước mắt dân Việt.

Người Việt giầu lòng nhân ái. Ký ức về những vết thương “anh bạn vàng” gây ra có thể chữa lành, có thể xóa bỏ những định kiến, biến hận thù trở thành sự hòa giải nhằm kiến tạo hòa bình, để nắm tay nhau xây dựng tương lai tốt đẹp, nếu Nhà cầm quyền lấy lại “phong độ” của một nước có chủ quyền, tỏ ra có giá trị, hữu ích để xứng đáng với lòng tin yêu của người dân, phải để cho “người láng giềng” phải e dè, phải có lập trường kiên quyết và bất khuất trong tinh thần như bài thơ của danh tướng Lý Thường Kiệt, được coi như Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam diễn tả:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết