Hạn từ "diệt chủng": khi nào ĐTC muốn sử dụng và khi nào không?

Một tuần trước, Đức Phanxicô đã nói ngài không thích áp dụng hạn từ “diệt chủng” cho các cuộc bách hại Kitô hữu tại Trung Đông. Nhưng trong trường hợp Armenia, trái lại, ngài lại cho hạn từ đó là thích hợp.

Đức Thánh Cha và Tổng thống Armenia

Đức Thánh Cha và Tổng thống Armenia

Chỉ một tuần trước đây, trong cuộc đối thoại với những người trẻ của Villa Nazareth, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói ngài không hài lòng với hạn từ “diệt chủng” và đã tuyên bố: “Thảm kịch của các cộng đoàn Kitô hữu lan rộng khắp thế giới: điều này là đúng. Nhưng đó là số phận của Kitô hữu: làm chứng trong các tình huống khó khăn. Tôi không thích, và tôi muốn nói rõ ràng điều đó, tôi không thích người ta nói về một cuộc diệt chủng các Kitô hữu, ví dụ như ở Trung Đông: đây là một đơn giản hóa. Sự thật là một cuộc đàn áp đưa các Kitô hữu đến chỗ trung thành, kiên định trong đức tin của mình. Chúng ta đừng làm một sự đơn giản hóa sự tử đạo – một mầu nhiệm của đức tin, thành một hiện tượng xã hội đơn thuần”. Điều được quy chiếu trong tuyên bố này là việc các Kitô hữu bị bắt bớ nói chung và đặc biệt là số phận của các Kitô hữu ở Trung Đông, chủ yếu là nạn nhân Isis và của các cuộc chiến tranh đang diễn ra từ nhiều năm qua.

Tuyên bố rõ ràng đó đã làm cho nhiều người nghĩ rằng trong chuyến viếng thăm Armenia, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không sử dụng hạn từ “diệt chủng” mà ngài cũng đã từng sử dụng vào tháng 4 năm 2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, nhân dịp kỷ niệm các “nạn nhân của sự kiện Đại Ác”. Khi ấy, Đức Giáo hoàng đã trích dẫn Tuyên bố chung của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Catholicos Karekin II được ký kết vào năm 2001. Hẳn mọi người còn nhớ, sự kiện đó và việc đề cập đến từ “diệt chủng” đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ, và Ankara đã triệu hồi Đại sứ cạnh Tòa thánh.

Nghĩ đến các phản ứng đóng băng về ngoại giao sau sự kiện tháng 4/2015, và nghe lời tuyên bố  Villa Nazareth chỉ khoảng một tuần trước chuyến viếng thăm Armenia, người ta có thể nghĩ rằng Đức Phanxicô sẽ không thốt ra từ “diệt chủng” trong chuyến viếng thăm này.

Trong thực tế, các bản văn được chuẩn bị của hai bài phát biểu trong ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm, là lời chào trong Nhà thờ Etchmiadzin và diễn văn đọc trước các quan chức chính trị và ngoại giao, đã không có hạn từ “diệt chủng” trong đoạn nói về các vụ thảm sát, tức là sự kiện “Đại Ác”. Hạn từ “diệt chủng” không xuất hiện. Nhưng khi đọc diễn văn trước Tổng thống Armenia và các quan chức chính trị, Đức Phanxicô đã đích thân thêm vào hạn từ đó. Nhắc lại “Metz Yeghérn”, sự kiện “Đại Ác”, cuộc hủy diệt một triệu rưỡi người Armenia, được bắt đầu vào năm 1915, Đức Thánh Cha nói rằng “thảm kịch đó, một cuộc diệt chủng mở đầu cho một danh sách buồn của các thảm họa của thế kỷ trước, đã được thực hiện có thể do động cơ chủng tộc quá khích, do ý thức hệ hay tôn giáo, trong đó thủ phạm rắp tâm nhắm mục đích tiêu diệt cả một dân tộc”. “Đó là một sự kiện rất đáng buồn tại Armenia này cũng như trong hai trường hợp khác – Đức Thánh Cha có ý ám chỉ Holocaust và các nạn nhân của chủ nghĩa Stalin”.

Tại sao hạn từ “diệt chủng” được ưa chuộng và thậm chí còn được thêm vào khi nó đã được cố ý không cho xuất hiện, nhưng trong những trường hợp khác thì nó lại không được ưa chuộng? Câu trả lời nằm trong những lời của Đức Bergoglio tại cuộc gặp gỡ Villa Nazareth. Đức Giáo hoàng không thích từ đó được áp dụng vào các cuộc bách hại dành cho các Kitô hữu, là những người “tử vì đạo”. Vì thế, Ngài đã không muốn áp dụng hạn từ đó cho những gì đang xảy ra với các Kitô hữu tại Trung Đông. Nhưng hạn từ đó được coi là chính xác để nói về các vụ thảm sát có hệ thống và trầm trọng như đã xảy ra tại Armenia năm 1915, “nạn diệt chủng đầu tiên của thế kỷ XX”, và tiếp theo đó sẽ là cuộc hủy diệt có hệ thống sáu triệu người Do Thái của Đức quốc xã và cái chết của hàng triệu người do chủ nghĩa Stalin. Trong trường hợp Armenia, mặc dù vẫn có rất nhiều vị tử đạo và không thiếu những sự đàn áp tôn giáo, nhưng đồng thời cũng có những nguyên do chủng tộc và động cơ chính trị làm nên thảm họa. Vì vậy, hạn từ “diệt chủng” đã được Đức Giáo Hoàng coi là phù hợp.

Thanh Tâm (theo vaticaninsider)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết