“Sự giàu có đích thực là tình yêu Thiên Chúa, được chia sẻ cho anh chị em mình. Tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa và làm cho chúng ta biết chia sẻ và giúp đỡ nhau.“
Giầu có bởi sức mình làm ra của cải không phải là tội, nhưng giầu có chỉ để hưởng thụ và vô cảm trước nhưng người anh em nghèo khổ bên cạnh mình, là lời cảnh báo, cảnh báo cho tình trạng không biết xót thương, sẽ không nhận được lòng xót thương của Chúa (x. Mt 5, 7).
Giầu có một cách bất chính đương nhiên là tội, giầu có và hưởng thụ những của bất chính ấy trong sự vô cảm nhẫn tâm bên cạnh nhưng người anh em đồng loại, nhất là khi những người ấy là nạn nhân của sự bóc lột, của sự tước đoạt bất công, là một tội ác, và cái giá của tội ác đó là, trong ngày xuất hiện hiển vinh, Chúa sẽ trả cho họ xứng với những gì họ đã làm, vì lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích gì. (Mt 16, 26-27)
Đức Giêsu không đến thế gian như một nhà chính trị hoặc kinh tế kiệt xuất để đưa ra một giải pháp giải quyết vấn đề giầu nghèo muôn thuở dưới những khía cạnh của xã hội, quốc gia và toàn cầu hoá. Người cũng không “cào bằng” khoảng cách giầu nghèo như những cuộc cách mạng trên thế giới bằng những biện pháp bạo lực thô thiển, bằng những áp bức bạo tàn. Lời Đức Giêsu trong bài dụ ngôn diễn tả hai loại người giầu nghèo khác nhau trong hai tình trạng sống hoàn toàn trái ngược nhau, nếu không tạo ra mối giây liên kết và liên đới, sẽ có kết cuộc tạo nên hai số phận bi thảm hoặc hạnh phúc.
Vô cảm, vô tâm, bàng quan trước những nỗi thống khổ của đồng loại, chỉ biết đến mình, đến những sự hưởng thụ của mình, ngay cả loài thú cũng không xử với nhau như vậy. Thái độ ấy như nói đến sự suy tôn kim tiền tột mức. Còn tiền là còn mình, còn tiền là còn những bạn bè xum xoe chúc tụng, là còn những thú vui, nói cho đúng, là “vui như thú”.
Nhưng cuộc đời sẽ không kéo dài mãi, cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn, giầu có và nghèo khó rồi cũng có lúc như nhau.
Anh nghèo Ladarô đã vạ vật chết trong cảnh nghèo túng quẫn; ông nhà giầu kia cũng chết và được người ta đem đi chôn. Nếu mồ chôn có thể khác nhau, thì số phận hai người chết ấy cũng chẳng giống nhau. Không phải ông nhà giầu, vì giầu mà bị phạt, còn Lararô vì nghèo mà được thưởng, nhưng sự thưởng phạt ở đây là do ông nhà giầu đã không biết sống lòng xót thương qua sự chia sẻ, còn Ladarô chẳng vì nghèo mà làm sự xấu, sự tội mà đánh mất phẩm giá làm người của mình.
Xã hội Việt Nam ngày nay minh hoạ thật rõ nét cho bài dụ ngôn của Đức Giêsu, qua sự phân cấp giầu nghèo thật rộng và sâu, qua sự hưởng thụ xa hoa, phung phí choáng ngợp bên cạnh những mảnh đời khốn khổ như những gam mầu mạnh và đối kháng trong một bức tranh “vân cẩu”, như câu tục ngữ “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.
Nhìn vào thực tế xã hội, không phải chỉ để chỉ trích và lên án, nhưng trước hết, như lời Chúa dạy phải biết mở rộng đôi mắt, vì mắt là đèn soi cho thân thể (x. Mt 6, 22) để thấy mình, tuỳ theo khả năng và trách nhiệm, không được vô cảm với những cảnh nghèo của đồng loại đầy rẫy bên cạnh mình; để thấy nguyên nhân nào gây ra những cảnh cùng quẫn đó; để binh vực người nghèo trước những sự áp bức và góp sức trong việc chặn đứng những bất công gây nên những sự bất bình đẳng giữa người với người trong xã hội.
Đức Phanxicô đã nói: “Mức độ vĩ đại của một xã hội được xác định bởi cách họ đối xử với những người nghèo khổ nhất, những người không có gì ngoài sự nghèo đói của họ”.
Ngài còn cho thấy: “Sự giàu có đích thực là tình yêu Thiên Chúa, được chia sẻ cho anh chị em mình. Tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa và làm cho chúng ta biết chia sẻ và giúp đỡ nhau. Ai có kinh nghiệm này thì được bình an trong tâm hồn và không sợ chết.”
Liên đới giữa người nghèo cùng khổ với Đức Giêsu, Đấng giầu sang phú quý đã trở nên khó nghèo (x. 2Cr 8,9), Đức Phanxicô nói: “ Thánh Giá của Đức Kitô cũng mời gọi chúng ta hãy để cho mình được chinh phục bởi tình yêu của Ngài, trong khi dạy chúng ta luôn luôn nhìn vào những người khác với lòng thương xót và sự dịu dàng, đặc biệt là những người đau khổ, những người đang cần sự giúp đỡ, những người cần một lời nói hay một hành động cụ thể đòi hỏi chúng ta phải bước ra ngoài chính mình để gặp gỡ họ và chìa tay ra với họ.”
Nói với những người trẻ, Đức Phanxicô khuyến khích: “Mang Tin Mừng là mang sức mạnh của Thiên Chúa để . Để kiến tạo một thế giới mới, Chúa Giêsu Kitô hy vọng nơi các bạn!”
Thế giới mới ấy là thế giới của tình thương chân thành, dù có phải “nhổ bỏ và phá hủy sự ác và bạo lực; để phá tan và đạp đổ những hàng rào ích kỷ, không bao dung và oán thù”, thì vẫn phải thực hiện trong lòng xót thương chân thật của Thiên Chúa. Tình thương và sự dịu dàng của Thiên Chúa được Đức Giêsu diễn tả qua lời Tổ phụ Abraham nói với ông nhà giầu: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bấy giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ ”.
Lời này hôm nay vẫn vang vọng cho tất cả mọi người: “Con ơi, hãy nhìn xem, con đang sống sung sướng hơn bao người, đó là phần phước của con đấy; còn những người nghèo sống quanh con suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Nếu con không có lòng thương xót mà giúp đỡ họ, thì những gì con không làm cho những người đó, là các anh em bé mọn nhất của Ta, là các con đã không làm cho chính Ta (x. Mt 25,45). Bây giờ, họ được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Cũng đúng thôi”
Lời Chúa minh định đứt khoát, nếu người ta thấy vấn đề, biết những gì sẽ xẩy ra cho hậu vận mình, khôn ngoan và tỉnh táo, người ta sẽ điều chỉnh hành vi và thái độ sống của mình. Chính Lời Chúa sẽ luôn rọi sáng cho họ con đường sống an vui xứng hợp cho phần phúc dành cho họ trên thiên quốc, bằng không, kể cả có báo mộng, có lên đồng, có gọi hồn, có biết số phận bị trầm luân của những người thân, cũng chẳng thể thay đổi được số phận của kẻ lấy cuộc sống này là trọng, lấy những sự hưởng thụ, sung sướng đời này làm mục đích, và bất cần về “một cuộc sống bên kia cái chết”.
Số phận họ thế nào là do sự lựa chọn của họ, và sự lựa chọn của họ là ngu dại hay khôn ngoan tuỳ thuộc vào sự thức tỉnh của họ trước vận mệnh đời đời của họ, trước cái “phúc” ngắn hạn với cái “hoạ” muôn kiếp.
Ladarô hôm nay chính là thực trạng người dân Việt trong xã hội. Những ông nhà giầu hôm nay chính là những kẻ bất tài, thiếu năng lực, sống vô trách nhiệm mà luôn muốn giữ những vị trí đầy trách nhiệm; những kẻ đang đày ải người dân trong những những dự án giải phóng mặt bằng bằng bạo lực, đẩy người dân vào cảnh lầm than, cơ cực; những quy hoạch treo tạo thời cơ cho mình và cũng tạo ra những giây thòng lọng xiết chặt cổ trên những “Ladarô” khác, và hả hê với những yến tiệc đặc sản được chế biến những bản án bất công, bất minh đối với những người “bạn có lòng thương xót với những Ladarô”, trên mồ hôi nước mắt, trên xương máu, trên sự vô tâm, vô cảm với những nỗi đau của đồng loại.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay kêu gọi thức tỉnh mọi hạng người, giầu cũng như nghèo, sang cũng như hèn. Tình trạng sống của họ thế nào, giầu cũng như nghèo, sang cũng như hèn. Nhưng nếu biết lo cho hậu vận của mình, phúc hay hoạ, chính là thái độ và hành động cụ thể của mỗi người, hôm nay, làm gì, làm gì cho con người, những người nghèo khổ, làm gì cho dân tộc, làm gì cho đất nước, cho quê hương???
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.