Gỡ rối

“Năm học này có gì thay đổi so với năm học trước đó?”, đó là nội dung câu chuyện giữa những ai có con, em đang tuổi đến trường, trong những ngày đầu của năm học 2016-2017.

Hình: Internet

Hình: Internet

Sự quan tâm, lo lắng của những bậc phụ huynh là đúng, bởi tương lai con em họ sẽ như thế nào? Rộng lớn hơn, tương lai xã hội, đất nước, dân tộc này sẽ như thế nào? Cường thịnh hay suy vong, điều đó tùy thuộc vào quá trình giáo dục đào tạo của hệ thống nhà trường ở nước ta hôm nay.

Giáo dục – Đào tạo: “Rối vẫn cứ rối”.

Những bất cập của công tác giáo dục đào tạo như là Cơ quan (Bộ) quản lý, Hệ thống, Nội dung, Chương trình, Phương pháp giáo dục đào tạo, Cơ sở vật chất, Đội ngũ giáo viên, ….., từ bao năm như vẫn còn đó, ngày một trầm trọng hơn.

Nhiều chuyên đề, hội nghị, hội thảo ở đủ mọi cấp, mọi ngành đã được tổ chức để tìm kiếm một phương thế khả dĩ giải quyết được những bất cập nói trên.

“Cải cách”, rồi “đổi mới”, … đến hiện nay theo Nghị quyết Đại Hội Đảng Cộng sản Việt Nam, lần thứ XII là “đổi mới toàn diện”; nhưng cuối cùng, sẽ, như một Tiến sĩ – Nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm đã nói, “rối vẫn cứ rối”.

Tại sao?

Trong phạm vị bài này, Chúng tôi xin được trao đổi với quý độc giả những điều căn bản sau đây mà bất kỳ ai, ở đâu, thời nào cũng nêu ra khi đánh giá công tác giáo dục đào tạo của một quốc gia:

1. Về mục tiêu, điều 2 của Luật giáo dục, ghi “là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Thật khó để hình dung chính xác “mẫu người” gọi là toàn diện được đào tạo từ hệ thống nhà trường ở nước ta, tuy nhiên có thể mô tả, đó là một người: có đạo đức, có tri thức, có sức khỏe, có nghề nghiệp, có khả năng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thẳng thắn mà nói, chủ nghĩa xã hội còn mấy ai, mấy quốc gia chấp nhận nó; và trong thời đại thông tin ngày nay, làm sao có thể đào tạo, con em chúng ta trở nên người trung thành với lý tưởng chủ nghĩa xã hội? Do đó, tự cái mục tiêu này đã bất cập, kéo theo những hệ lụy, bất cập khác.

2. Về tính chất, nguyên lý giáo dục, điều 3 Luật Giáo dục ghi, “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.”

Nền giáo dục đặt nền tảng trên chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, như ở nước ta, gọi là “nền giáo dục xã hội chủ nghĩa”? Quả như thế, tự nó đã thiếu tính khoa học, hiện đại rồi? Và phải chăng vì là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nên phải gắn với nó cái nguyên lý “giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”? – một trong những nguyên lý không thể thực hiện được từ trước đến nay trong các loại nhà trường. Gọi là “Lao động” trong nhà trường có chăng chỉ là những việc làm như quét lớp, nhặt rác trên sân trường?

Dĩ nhiên “giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”, nhưng xã hội chúng ta đang sống ngày càng trở nên xấu xa, tác động tiêu cực đến con em chúng ta hơn là giáo dục chúng trở nên tốt lành và hữu ích. 

Cố nhắm đến một mục tiêu, tính đến hôm nay, chưa nơi nào trên thế giới thực hiện được bằng những nguyên lý thiếu thực tế làm cho nền giáo dục đào tạo nước nhà ngày càng thêm bế tắc, khủng hoảng. 

Giáo huấn Xã hội Công giáo nói gì?

Giáo Hội Công giáo qua Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô Giáo – Gravissimum Educationis, ở số 1, khẳng định:

– Đối tượng giáo dục là con người xét “như một nhân vị.”

– Mục tiêu của giáo dục là đào tạo “con người hướng đến lý tưởng của bản thân cũng như lợi ích của các cộng đồng mà họ là thành viên và sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành.”

Mặt khác, Giáo Hội nói rõ mọi người có quyền hưởng “một nền giáo dục có thể đáp ứng cho lý tưởng của mỗi cá nhân, thích hợp với khả năng, phái tính, vừa thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, vừa mở rộng cộng đồng huynh đệ với các dân tộc khác, để phát huy tiến trình hợp nhất và hòa bình đích thực trên thế giới.”

Mong rằng, những chỉ dẫn của Giáo Hội giúp các nhà quản lý xã hội nhận ra phương thế “gỡ rối” cho những bất cập trong giáo dục đào tạo hiện nay.

An Phúc   

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết