Cam kết bền vững – hay hiểu đơn giản là gắn bó lâu dài với một giá trị nào đó- giới trẻ sinh viên, những trí thức tương lai nghĩ gì? Với cuộc khảo sát ngẫu nhiên, quy mô nhỏ được thực hiện trên hai nhóm sinh viên Công Giáo và không Công Giáo đến từ nhiều trường Đại Học – Cao Đẳng trên địa bàn Sài Gòn và một số bạn đang du học Canada cho ta kết quả khá thú vị.
Sau đây là kết quả của cuộc khảo sát về cam kết bền vững trong các lĩnh vực như tiêu dùng, nghề nghiệp và hôn nhân với ba mức độ chọn lựa: Sẵn sàng, phân vân, không sẵn sàng.
Mặc dù khảo sát chỉ trong phạm vi 50 người – rải từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, tuy nhiên đa số là năm thứ nhất- nhưng ít nhiều phản ánh suy nghĩ của giới trẻ sinh viên hiện nay về các cam kết bền vững.
Với họ, các sản phẩm, vật chất, các dịch vụ là để phục vụ nhu cầu con người. Có thể họ sẽ theo đuổi điều gọi là hợp mốt, hợp thời trang hay xu thế. Tuy vậy, xin đừng nhầm lẫn họ là những tín đồ của chủ nghĩa tiêu thụ, bởi người ta vẫn thường nói “nghèo như sinh viên” mà.
Trong nghề nghiệp: Số các sinh viên xem lý tưởng hay ý nghĩa sâu xa của nghề nghiệp mình đang theo đuổi là quan trọng tuy không nhiều nhưng vẫn có. Theo bạn Nguyễn Nhật H. (Đại học Y Dược): “Kiên trì nhất nghệ tinh nhất thân vinh; nếu gặp lợi trước mắt mà thay đổi thì chưa hẳn là tốt, đối với sự nghiệp cần sự lâu dài”.
Bên cạnh đó, không ít người trẻ sẵn sàng thay đổi nơi làm việc hay thậm chí là thay đổi nghề nghiệp để đạt được những giá trị trước mắt mà đôi khi quên mất lý tưởng và đam mê ban đầu: Bạn Nguyễn Kỳ T. (Đại học Công Nghiệp) cho rằng “Có đam mê mà không có tiền thì cũng như không vậy”.
Trong hôn nhân. Đa số các bạn đều có chung nhận định, trước khi đi đến kết hôn, hai người đã thật sự yêu và hiểu rõ về nhau nên rất khó để có chuyện chấm dứt quan hệ hôn nhân. Ngoài ra, yếu tố con cái cũng chi phối phần lớn.
Những ý kiến như là lý do để duy trì quan hệ hôn nhân sau đây cũng đáng được ghi nhận. Bạn Nguyễn Phúc H. (Đại Học Văn Hiến): “Cố gắng thay đổi vì nhau, khi nào quá giới hạn lắm thì lúc đó tuỳ hoàn cảnh mà giải quyết nên dứt khoát hay không”. Bạn Nguyễn Nhật H. : “Hết tình còn nghĩa chứ, thay đổi với người khác liệu có hạnh phúc không?”. Bạn Nguyễn Hoàng Kiều C. (du học sinh Canada): “Còn có sự gắn kết của con cái và cả cái tình lẫn cái nghĩa nên không thể nói chấm dứt cách nhanh gọn lẹ được”. Bạn Nguyễn Cẩm N. (du học sinh Canada): “Trên đời không có gì là hoàn hảo, mối quan hệ có trục trặc thì cùng nhau giải quyết, tha thứ nếu có thể tha thứ được”…v…v…Hay có lời giải thích rất chân thành từ bạn Lưu Thuỳ T. (Đại học HUFLIT): “Vì tôi là người Công Giáo”…
Trong xã hội hiện nay khi chủ nghĩa thực dụng được đề cao, sự cam kết gắn bó lâu dài với một giá trị nào đó trở nên thách thức lớn. Người trẻ đôi khi chưa xác định hoặc quên mất lý tưởng và những giá trị sâu xa của nghề nghiệp mà họ chọn ban đầu. Đối với cam kết bền vững trong hôn nhân, qua số liệu khảo sát, không thể phủ nhận vai trò của đạo Công Giáo như là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo cam kết hôn nhân được bền vững.
Nước ta có 2,1 triệu sinh viên (2015) – đây là lực lượng quyết định tương lai đất nước. Thiết nghĩ chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào những người trẻ này, cách riêng trí thức Công Giáo với nhiệm vụ phát triển Đất nước và Giáo hội, qua việc xây dựng một xã hội nhân văn với nền tảng gia đình được chú trọng.
Người trẻ: Paul. Nguyễn Phước Tuyển