Giới trẻ Aleppo hướng về Đức Giáo Hoàng

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 24-07-2016 | 06:46:08

“Lay động con tim” là tên gọi Ngày Giới trẻ do các tu sĩ Salêdiêng tổ chức ở Syria. Dự kiến sẽ có 1200 người trẻ tham dự. Hy vọng sự kiện này sẽ là một kết nối với Krakow để làm cho tiếng nói của những người sợ hãi chiến tranh được mọi người lắng nghe.

20160724 Aleppo

“Lay động con tim” (Harrek Kalbak). Đây là tên gọi Ngày Giới trẻ Thế giới tại Aleppo được tổ chức vào ngày 29 và 30 tháng 7, trùng với Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, suy tư, trong hoàn cảnh chiến tranh, về chủ đề “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ có lòng thương xót.”

Sự kiện này được tổ chức bởi các anh chị em Salêdiêng và các cộng đoàn địa phương với sự cho phép của các Đức Giám mục Giáo Hội Công Giáo Đông Phương ở Aleppo. “Vì chúng tôi không thể đến Ba Lan, chúng tôi đã nghĩ – Cha Pier Jabloyan Dòng Salêdiêng cho biết – phải làm thế nào để đem ĐHGTTG về đây. Chúng tôi đang tổ chức sự kiện này cùng với các giáo hội địa phương, với sự tham gia của khoảng 30 hiệp hội và các nhóm hướng đạo. Đây thực sự là một công việc của Hội thánh bao gồm toàn bộ Giáo Hội Aleppo”. Dự kiến ​​sẽ có khoảng 1.200 người trẻ tham gia. “Lay động con tim” đề cập đến sự chuyển động của trái tim mà Chúa Giêsu dành cho người nghèo: đó là một lời mời gọi những người trẻ mang lấy những tâm tình của Chúa Giêsu dành cho tha nhân. Cho đến nay, chúng tôi – ngài nhấn mạnh – đã không có bất cứ một liên kết nào với sự kiện ĐHGTTG, mặc dù chúng tôi rất mong muốn tiếng nói của giới trẻ Aleppo đến được với Đức Giáo Hoàng”.

Không dễ nói về lòng thương xót trong một bối cảnh bị tàn phá như Syria. “Không phải là dễ dàng việc nói về lòng thương xót ở nơi có vẻ như lòng thương xót đã bỏ rơi đất nước chúng tôi. Nhưng chúng tôi luôn luôn có niềm hy vọng vững chắc rằng sau đêm đen dài, hừng đông sẽ trở lại. Lòng thương xót ở nước tôi, và đặc biệt là ở thành phố Aleppo của tôi, được thể hiện hàng ngày thông qua những người thiện chí, những người thực hiện hành vi thực sự của lòng thương xót và cho thấy cách thức Chúa Phục Sinh thực sự là Chúa của sự sống. Chúng tôi không có nhiều điều để nói, chúng tôi cố gắng để làm tốt theo khả năng chúng tôi có và tình hình chúng tôi đang trải qua, bởi vì ở đây không có gì là chắc chắn.”

Thảm kịch chiến tranh càng thêm bi đát khi các người Kitô hữu tiếp tục phải chạy trốn và cần sự hỗ trợ của tất cả mọi người. “Thật đau khổ khi nghĩ đến sự kiện Syria, cái nôi của Kitô giáo, vắng bóng các Kitô hữu, vốn là một phần rất quan trọng đối với xã hội. Thật là rất đáng lo ngại khi chứng kiến sự di cư của những người trẻ, chứng kiến niềm hy vọng của Giáo Hội bỏ đi xa. Đang khi ấy, không ai có thể quy lỗi cho những người trẻ ấy, những người nhìn về tương lai với rất nhiều nỗi sợ hãi”. Các nhu cầu thì rất nhiều, nhưng còn nhiều hơn nữa là mong muốn được an toàn. “Việc thiếu các dịch vụ công cộng (điện, nước, xăng, dầu …) có thể khắc phục được ngay cả khi khó khăn, nhưng việc thiếu an ninh thì không. Chúng tôi đang được hỗ trợ súng cối, các loại bom, đạn pháo đi lạc và mảnh đạn… Chúng tôi không thể làm quen với tất cả các điều đó, chúng tôi không thể làm quen với một cuộc chiến tranh mỗi ngày cướp đi mạng sống của những con người vô tội.”

Các anh em Salêdiêng tỉnh Trung Đông đang có mặt tại Syria, ở Aleppo, ở Damascus và ở Kafroun, một ngôi làng cách Homs khoảng 60 km. Ở Aleppo có ba linh mục hoạt động. Cộng đoàn Salêdiêng nằm ở trung tâm của thành phố, không xa mặt trận chiến đấu: nó được coi là một khu vực khá an toàn, tất nhiên là trong một lãnh thổ đầy dẫy sự chết thì không có gì là chắc chắn. “Mỗi ngày đều có những vụ đánh bom, đôi khi vào ban đêm bạn cũng không thể ngủ và rất nhiều người rời bỏ nhà cửa của họ trong sợ hãi.” Mưa bom, nhưng sự hiện diện của anh em Salêdiêng không hề giảm đi. “Chúng tôi ở lại: chúng tôi làm việc với dân chúng, một cách đặc biệt với những người yếu thế nhất trong xã hội, tức là trẻ em và thanh thiếu niên. Công việc của chúng tôi, theo tinh thần của Don Bosco, là trong lĩnh vực giáo dục và mục vụ.”

Hoạt động mùa hè đang nhằm vào người trẻ trong độ tuổi từ 8 đến18 tuổi, tổng cộng khoảng 950 em được 85 linh hoạt viên hướng dẫn. Bắt đầu vào tháng Sáu, các hoạt động đó đã kết thúc vào giữa tháng bảy, mặc dù các nhà nguyện vẫn mở cho đến cuối mùa hè trước khi bắt đầu các lớp giáo lý (dành cho 850 em), vào mùa đông. “Chúng tôi nói về Lòng Thương xót, một chủ đề mà chúng ta cần phải tái khám phá, bây giờ hơn bao giờ hết.” Aleppo hướng về hy vọng, và có vẻ nghịch lý nhưng là sự thật, hướng về vẻ đẹp của cuộc sống. “Trong thời chiến tranh – Cha Pier kết luận – chúng ta phải nghiêm túc nói về lòng thương xót, bởi vì không có lòng thương xót và sự tha thứ thì cuộc chiến tranh này sẽ không bao giờ kết thúc.”

LUCIANO ZANARDINI

N.H. chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết